Sơ lược tình hình nghiên cứu hiện tượng đồng nghĩa

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 107 - 110)

5 .Ý nghĩa của luận án

3.2.1.1 Sơ lược tình hình nghiên cứu hiện tượng đồng nghĩa

Trong hệ thống ngôn ngữ, các đơn vị ngôn ngữ không tồn tại tách biệt, riêng rẽ mà có quan hệ gắn bó với nhau. Một trong những mối liên hệ được các nhà ngôn ngữ học tách ra để nghiên cứu đó là quan hệ đồng nghĩa giữa các đơn vị ngôn ngữ. Hiện tượng đồng nghĩa là hiện tượng có tính chất rộng khắp, xảy ra ở mọi cấp độ của ngôn ngữ: cấp độ hình vị, cấp độ từ và cấp độ câu. Tuy nhiên, đồng nghĩa xảy ra nhiều nhất ở các đơn vị từ vựng.

Các đơn vị từ vựng bao gồm từ và ngữ cố định. Do đó, ở cấp độ từ vựng, hiện tượng đồng nghĩa lại có thể xảy ra giữa các từ hoặc giữa các ngữ cố định (chẳng hạn, chuột sa

chĩnh gạo, mèo mù vớ cá rán chó ngáp phải ruồi; nước đổ lá khoai nước đổ đầu vịt; lười chảy thây lười như hủi...), hoặc giữa từ và ngữ cố định (chẳng hạn: béo đồng nghĩa với béo như bồ sứt cạp, béo như cối xay, béo trục béo tròn, béo như con cun cút, béo như con trâu trương...).

Trong ngôn ngữ học, việc nghiên cứu các từ đồng nghĩa đã được bắt đầu từ rất sớm. Ngay từ xa xưa, người Hi Lạp cổ đại đã chú ý đến quan hệ đồng nghĩa giữa các từ. Cho đến nay đã có một khối lượng khá lớn các công trình khoa học trong và ngoài nước, trong đó nhiều công trình hàm chứa những tư tưởng sâu sắc, những quan sát hết sức tinh tế về từ đồng nghĩa. Nhìn chung, ở vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã đạt được sự thống nhất cao trong các vấn đề định nghĩa từ đồng nghĩa, sự khác nhau giữa các từ đồng nghĩa (sắc thái ý nghĩa, thuộc tính phong cách...).

Bên cạnh đó, vấn đề đồng nghĩa thành ngữ dường như ít được chú ý hơn. Thành tựu nghiên cứu các đơn vị thành ngữ đồng nghĩa chủ yếu thuộc về công lao của các nhà Nga ngữ học. Trong lĩnh vực nghiên cứu này, các tác giả đã có nhiều đóng góp khi xác định các khái niệm đồng nghĩa thành ngữ, biến thể thành ngữ. Đáng quan tâm hơn cả là ý kiến của hai tác giả T.A Bertagaép và V.I Zimin khi họ đối lập khái niệm biến thể thành ngữ và đồng nghĩa thành ngữ. Họ đã định nghĩa các đơn vị đồng nghĩa thành ngữ tính là "các từ tổ thành ngữ tính khi biểu hiện cùng một ý nghĩa sự vật thì khác biệt nhau bởi những sắc thái biểu cảm nào đó hoặc bởi thuộc về các kiểu chức năng khác nhau của ngôn ngữ" [104,52]. Còn biến thể thành ngữ là "biểu ngữ thành ngữ tính chịu sự biến đổi bên trong về ngữ pháp hoặc có thành tố được thay thế bằng từ đồng nghĩa của nó" [104,52].

Tác giả Skliarốp viết rằng các đoản ngữ thành ngữ tính sẽ đồng nghĩa với nhau trong trường hợp "nếu chúng đồng nhất về ý nghĩa và chỉ khác biệt nhau về các sắc thái phong cách - ngữ nghĩa" [104,55]

Cùng quan điểm với hai tác giả trên, N.M Sansky định nghĩa các đoản ngữ thành ngữ tính đồng nghĩa là những đoản ngữ biểu thị cùng một đối tượng của hiện thực khách quan, chúng khác biệt nhau ở các đặc trưng: sắc thái ý nghĩa, màu sắc phong cách, phạm vi sử dụng...Ông cũng nhấn mạnh rằng các đoản ngữ thành ngữ có tính chất động từ và trạng từ thì thường nằm trong quan hệ đồng nghĩa hơn so với các thành ngữ khác.

Tác giả V.N Têlia thì cho rằng các đơn vị được coi là đồng nghĩa "nếu như chúng có ý nghĩa chính chung, nhưng khác biệt nhau bởi các ý nghĩa riêng...". Bà đưa ra định nghĩa dãy đồng nghĩa của các đơn vị thành ngữ: "Đây là vi hệ thống ngữ nghĩa - thành ngữ tối thiểu gồm ba đơn vị thành ngữ có mô hình cú pháp bất biến thể phản ánh tính chất cùng một kiểu liên hệ ngôn ngữ học tồn tại giữa cái được biểu hiện và cái biểu hiện" [104].

Tổng quan ngắn gọn các bài viết đề cập đến các đơn vị đồng nghĩa thành ngữ nói trên cho chúng ta thấy rằng, khi định nghĩa các đơn vị đồng nghĩa thành ngữ, các nhà nghiên cứu đã đạt được một tiếng nói chung. Hầu hết, họ đều cho rằng các đơn vị thành ngữ đồng nghĩa với nhau khi chúng biểu thị cùng một ý nghĩa sự vật. Chúng có thể khác nhau về sắc thái ý nghĩa, sắc thái phong cách và biểu cảm.

Ở Việt Nam, vấn đề đồng nghĩa thành ngữ vẫn là một vấn đề hầu như còn bỏ ngỏ. Cho đến nay, chưa thực sự có một công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống về các thành ngữ đồng nghĩa trong tiếng Việt. Rải rác trong các công trình nghiên cứu về từ vựng học, tác giả Đỗ Hữu Châu đã có lần đề cập đến hiện tượng này. Trong [8], khi viết về các ngữ cố định, ông đã chia đồng nghĩa thành ngữ thành hai loại, đó là ngữ cố định đồng nghĩa với từ sẵn có và ngữ cố định không đồng nghĩa với từ nào đã có trong từ vựng.

Một tác giả khác cũng rất quan tâm đến thành ngữ đồng nghĩa, đó là Nguyễn Lực. Ông đã sưu tầm, thống kê và tập hợp các thành ngữ đồng nghĩa thành cuốn từ điển Thành ngữ đồng nghĩa tiếng Việt [63]. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong công trình này là không có sự phân biệt thành ngữ đồng nghĩa và thành ngữ biến thể. Nói cách khác, ông đã nhập thành ngữ đồng nghĩa và thành ngữ biến thể làm một.

Tiếp đó, tác giả Nguyễn Thị Ly Kha [62] cũng bước đầu chú ý đến quan hệ đồng nghĩa giữa các thành ngữ khi đề cập đến mối quan hệ ngữ nghĩa trong hệ thống thành ngữ tiếng Việt. Bà đã chia quan hệ ngữ nghĩa trong thành ngữ thành hai nhóm, đó là quan hệ đồng nghĩa và quan hệ trái nghĩa. Tuy vậy, tác giả cũng không bàn sâu về các mối quan hệ này.

Đóng góp lớn nhất trong việc nghiên cứu hiện tượng đồng nghĩa nói chung và đồng nghĩa thành ngữ nói riêng phải kể đến công lao của tác giả Nguyễn Đức Tồn. Ông đã có

một công trình nghiên cứu khá đầy đủ và toàn diện về hiện tượng đồng nghĩa nói chung, trong đó đồng nghĩa thành ngữ cũng được quan tâm nghiên cứu [xem 104]. Ông cho rằng, các thành ngữ đồng nghĩa có thể khu biệt với nhau về sắc thái ý nghĩa, màu sắc phong cách và có thể cả ở phong cách và sắc thái ý nghĩa. Đặc biệt, tác giả cho rằng, thành ngữ đồng nghĩa chính là những cách định danh mang đậm đặc trưng tư duy dân tộc. Với người Việt Nam, tư duy cụ thể, thiên về chi tiết đã tạo nên những cách nói hình ảnh khác nhau khi định danh sự vật hiện tượng.

Từ thực tế nghiên cứu thành ngữ đồng nghĩa trong tiếng Việt hiện nay như đã trình bày, chúng ta nhận thấy rằng những vấn đề cốt lõi thuộc lĩnh vực này như khái niệm đồng nghĩa thành ngữ, phân biệt hiện tượng đồng nghĩa thành ngữ và biến thể thành ngữ, các kiểu đồng nghĩa thành ngữ v.v... chưa được xác định rõ ràng, cụ thể trong tiếng Việt. Bên cạnh đó, còn một vấn đề khác nữa, đó là các đơn vị đồng nghĩa thành ngữ có tách biệt khỏi các từ đồng nghĩa hay chúng cùng nhau tạo thành hệ thống đồng nghĩa thống nhất của từ vựng? Kế thừa những thành tựu nói trên, luận án của chúng tôi tiếp tục đi sâu về vấn đề này với mong muốn làm sáng tỏ những vướng mắc nêu trên.

Một phần của tài liệu Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của thành ngữ thuần việt (Trang 107 - 110)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w