5 .Ý nghĩa của luận án
3.2.1.5 Các quan hệ đồng nghĩa trong thành ngữ
Dựa vào hai tiêu chí nói trên, chúng tôi đã tiến hành thống kê các thành ngữ có quan hệ đồng nghĩa trong các cuốn từ điển [62], [63] và [118]. Kết quả thu được là 509 cặp thành ngữ có quan hệ đồng nghĩa với nhau. Cũng giống như các từ đồng nghĩa, hiện tượng đồng nghĩa thành ngữ không chỉ xảy ra với hai thành ngữ mà xảy ra theo loạt. Vì vậy, mỗi cặp thành ngữ đồng nghĩa mà chúng tôi thống kê không chỉ có hai thành ngữ đồng nghĩa mà còn có thể lên đến ba, bốn thậm chí là chín thành ngữ đồng nghĩa với nhau.
Với 509 cặp thành ngữ đồng nghĩa, chúng tôi nhận thấy có hai kiểu quan hệ đồng nghĩa trong thành ngữ. Cụ thể như sau:
Kiểu thứ nhất: một thành ngữ có ý nghĩa biểu trưng và một thành ngữ diễn đạt nghĩa trực tiếp. Kiểu này có 61 cặp, chiếm tỉ lệ 12% trong tổng số các thành ngữ đồng nghĩa.
Kiểu thứ hai: Các thành ngữ đồng nghĩa với nhau dựa trên các hình ảnh cơ sở khác nhau. Đây kiểu quan hệ đồng nghĩa phổ biến, có 448 cặp, chiếm tỉ lệ 88%.
Dưới đây, chúng tôi sẽ miêu tả từng kiểu quan hệ đồng nghĩa thành ngữ.
(1) Một thành ngữ có ý nghĩa biểu trưng và một thành ngữ có ý nghĩa diễn đạt trực tiếp
Loại thành ngữ đồng nghĩa này chiếm tỉ lệ 12%. Ví dụ:
Biểu thị cuộc sống sung sướng, đầy đủ về vật chất: ăn ngon mặc đẹp - ăn sung mặc sướng;
Biểu thị hành động ăn cắp: ăn cắp ăn nảy - ăn cắp như ranh;
Biểu thị quyền cai quản, điều khiển việc chi tiêu trong gia đình: quyền thu quyền bổ - tay hòm chìa khóa
Biểu thị sự tranh cãi bừa, bất chấp lí lẽ: cãi chày cãi cối - cãi nhau như chém chả - cãi nhau như mổ bò;
Biểu thị lối buôn bán gian lận: mua thừa bán thiếu - mua gian bán lận;
Biểu thị hoạt động chạy: chạy ngược chạy xuôi - chạy đôn chạy đáo - chạy đông chạy tây ...
Các thành ngữ đồng nghĩa thuộc nhóm này có ý nghĩa cơ bản giống nhau; có thể có kết cấu ngữ pháp đồng nhất hoặc khác biệt. Chẳng hạn, cặp thành ngữ mua thừa bán thiếu - mua gian bán lận: mua gian bán lận diễn đạt ý nghĩa trực tiếp, biểu thị hành động buôn bán, làm ăn gian lận, không thật thà; còn mua thừa bán thiếu là mang ý nghĩa biểu trưng. Hay biểu thị sự tính toán lợi hại, chi li, ta có cặp thành ngữ so hơn tính thiệt - so kè bẻ măng, trong đó so hơn tính thiệt diễn đạt ý nghĩa trực tiếp, còn so kè bẻ măng mang ý nghĩa biểu trưng.
Sự có mặt của loại thành ngữ đồng nghĩa này làm phong phú, đa dạng thêm các cách diễn đạt của tiếng Việt.
(2) Các thành ngữ đồng nghĩa có ý nghĩa biểu trưng giống nhau dựa trên các hình ảnh khác nhau
Tỉ lệ loại thành ngữ đồng nghĩa này chiếm 88% trong số các thành ngữ đồng nghĩa. Đây là những thành ngữ ý nghĩa biểu trưng cơ bản như nhau nhưng có thành phần cấu tạo không giống nhau. Chúng thực sự là những cách nói khác nhau về cùng một nội dung. Có thể nói, đây chính là các thành ngữ đồng nghĩa điển hình.
Ví dụ:
Biểu thị sự lao động vất vả, nhọc nhằn: bán mặt cho đất, bán lưng cho trời - cháy mặt lấm lưng;
Biểu thị mối quan hệ thân thiết, như ruột thịt: bạn con chấy cắn đôi - bạn nối khố
Biểu thị sự ganh đua, không chịu thua kém, mặc dù năng lực không bằng: bầu leo bí cũng leo - húng mọc tía tô cũng mọc - thuyền đua bánh lái cũng đua - màn treo chiếu rách cũng treo - tôm tép nhảy ốc đồng cũng nhảy ...
Biểu thị trạng thái tuyệt vọng: chết đuối bám cọng rơm - chết đuối vớ phải bọt - chó cắn áo rách - đò nát đụng nhau.
Biểu thị tình trạng đất đai cằn cỗi: chó ăn đá gà ăn sỏi - đồng chua nước mặn
Biểu thị hành động ăn nhiều, ăn nhanh quá đáng : ăn như ăn cướp, ăn như chèo thuyền, ăn như gấu ăn trăng, ăn như hùm đổ đó, ăn như thần trùng, ăn như thợ đấu, ăn như tằm ăn rỗi, ăn như mỏ khoét v.v...
Tóm lại, kết quả thống kê và miêu tả các thành ngữ đồng nghĩa nói trên phản ánh sự phong phú, đa dạng và tinh tế của người Việt khi gọi tên sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan. Chính việc quan sát sự vật từ nhiều góc độ khác nhau, lối so sánh ví von bằng nhiều hình ảnh khác nhau là cơ sở tạo nên sự phong phú, đa dạng của các thành ngữ đồng nghĩa. Đây phải chăng cũng chính là bản chất của hiện tượng đồng nghĩa thành ngữ?
Các thành ngữ đồng nghĩa ngoài nét đồng nhất về ý nghĩa biểu trưng còn có sự khác biệt nhất định. Sự khác biệt đó có thể là về sắc thái ý nghĩa, sắc thái biểu cảm hay màu sắc phong cách.
Như chúng ta thấy, thành ngữ là đơn vị tương đương với từ. Vì vậy, quan hệ đồng nghĩa còn có thể xảy ra giữa từ và thành ngữ. Dưới đây, chúng tôi bổ sung thêm một kiểu quan hệ đồng nghĩa nữa, đó là quan hệ đồng nghĩa giữa từ và thành ngữ.
(3) Những thành ngữ có từ trung tâm thì đồng nghĩa một cách hiển nhiên với một từ sẵn có. Chẳng hạn:
dai như chão
dai như đỉa đồng nghĩa với dai dai như chó nhai giẻ rách
kín như bưng
kín như hũ nút đồng nghĩa với kín khôn có nọc
khôn mọc lông trong bụng đồng nghĩa với khôn
chửi bóng chửi gió chửi cạnh chửi khóe
chửi chó mắng mèo đồng nghĩa với chửi, mắng đá mèo quèo chó
đá thúng đụng nia
Dễ dàng nhận thấy, với trường hợp đồng nghĩa này, nếu như các từ chỉ gọi tên sự vật một cách chung chung, khái quát thì các thành ngữ đồng nghĩa lại biểu thị sự vật, hiện tượng một cách cụ thể, hình tượng và giàu tính biểu cảm. Mỗi sự vật, hiện tượng qua những góc nhìn khác nhau của con người mà tạo nên những cách diễn đạt khác nhau. Mỗi tên gọi lại hàm chứa trong đó những tình cảm, thái độ, cảm xúc, đánh giá... khác nhau của
người sử dụng. Chẳng hạn, cũng là tính chất "dai", nhưng dai như chão là trạng thái dai kéo dài lằng nhằng, không dứt; dai như đỉa /dai như đỉa đói chỉ trạng thái đeo bám nhằng nhằng để xin xỏ, kèo nhèo điều gì; dai như bò đái chỉ trạng thái dai dẳng kéo dài một hồi lâu. Các thành ngữ này đều mang sắc thái biểu cảm âm tính.
Như vậy, rõ ràng là các đơn vị đồng nghĩa thành ngữ không tách khỏi mà có mối liên hệ mật thiết với các từ. Chúng cùng với các từ đồng nghĩa tạo thành hệ thống đồng nghĩa thống nhất trong hệ thống từ vựng nói chung.
3.2.1.6 Các tiêu chí phân biệt hiện tượng đồng nghĩa và biến thể của thành ngữ thuần Việt
Trên đây, chúng ta đã xem xét hiện tượng biến thể thành ngữ và hiện tượng đồng nghĩa thành ngữ. Rõ ràng, đây là hai hiện tượng khác biệt nhau về bản chất. Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng, không phải lúc nào người ta cũng phân biệt rạch ròi được hai hiện tượng nói trên. Ngay cả đối với một số nhà ngôn ngữ học, việc phân biệt hai hiện tượng trên trong nhiều trường hợp cũng không rõ ràng, dứt khoát. Chẳng hạn, khi tập hợp các đơn vị thành ngữ đồng nghĩa, chúng tôi nhận thấy, tác giả cuốn Thành ngữ đồng nghĩa [63] đã đồng nhất hai hiện tượng nói trên. Ông đã tập hợp được 836 đơn vị thành ngữ đồng nghĩa mà theo chúng tôi, nhiều đơn vị trong số đó là các biến thể thành ngữ. Ví dụ mục 536 [63,296], thành ngữ nhà tan cửa nát, các thành ngữ cùng nghĩa được liệt kê là cửa nát nhà tan, cửa nát nhà xiêu, nhà tan cửa mất, tan cửa nát nhà, tan nhà nát cửa. Thực chất, các đơn vị thành ngữ kể trên là biến thể bằng cách thay đổi trật tự thành tố cấu tạo (cửa nát nhà tan, tan cửa nát nhà, tan nhà nát cửa) hoặc thay thế thành phần cấu tạo bằng từ đồng nghĩa, gần nghĩa (cửa nát nhà xiêu, nhà tan cửa mất) của thành ngữ gốc chứ không phải là các thành ngữ đồng nghĩa. Hoặc mục 836 [63,434] thành ngữ yêu vụng nhớ thầm, tác giả đã liệt kê các thành ngữ cùng nghĩa với thành ngữ này là thầm yêu trộm nhớ, yêu thầm nhớ trộm, yêu thầm nhớ vụng, yêu trộm nhớ thầm, yêu vụng dấu thầm. Theo chúng tôi, hầu hết các thành ngữ trong nhóm này là các đơn vị biến thể của thành ngữ yêu vụng nhớ thầm. Các biến thể gặp ở đây là đảo trật tự (yêu thầm nhớ vụng), thay thế bằng từ gần nghĩa (yêu trộm nhớ thầm, yêu vụng dấu thầm) hay có những biến thể kết hợp cả đảo trật tự và thay thế (thầm yêu trộm nhớ).
Như trên đã nói, hiện tượng đồng nghĩa thành ngữ và biến thể thành ngữ là hai hiện tượng khác nhau về bản chất. Biến thể thành ngữ là những dạng khác nhau của cùng một thành ngữ, có ý nghĩa biểu trưng hoàn toàn giống nhau, có kết cấu ngữ pháp đồng nhất. Người ta có thể thay đổi hình thức ngữ âm, thay đổi trật tự các thành tố, thay thế thành phần cấu tạo bằng từ đồng nghĩa hoặc cùng trường nghĩa... để tạo các biến thể thành ngữ. Trong khi đó, đồng nghĩa thành ngữ thực chất là những cách nói hình ảnh khác nhau về cùng một nội dung. Chúng có thể có kết cấu ngữ pháp khác nhau hoặc có kết cấu đồng nhất nhưng dựa trên các hình ảnh cơ sở khác nhau. Như vậy, sự khác biệt giữa hai hiện tượng trên đặt ra vấn đề cần thiết phải phân biệt chúng.
Đúng như Ju.X. Xtepanov đã viết, phải phân biệt khả năng biến dạng với hiện tượng đồng nghĩa của các thành ngữ. Ông cũng xác định rằng "sự khác nhau giữa khả năng biến dạng và hiện tượng đồng nghĩa ở thành ngữ khó hơn so với từ rất nhiều. Nguyên nhân là do thành ngữ biến đổi với một quy mô lớn hơn từ. Thành phần của thành ngữ thường gồm một số lượng lớn các thành tố và mỗi thành tố trong đó, về nguyên tắc, đều có thể có những biến thể (và ngoài ra còn mối tương quan giữa các thành tố với nhau nữa). Nhiều khi có những loạt thành ngữ tương đối dài, liên tục (không phân lập), rất gần nhau và rất khó quả quyết rằng đấy là các biến thể của cùng một thành ngữ hay đấy là các thành ngữ đồng nghĩa" [119,128]. Ông đã đưa ra các tiêu chuẩn phân biệt như sau:
Nếu các thành ngữ rất gần nhau về ý nghĩa nhưng không có cùng hình tượng chung (đặc trưng ngữ nghĩa), cũng không thể đổi các thành tố cho nhau (đặc trưng hình thức) thì được coi là những thành ngữ đồng nghĩa. Những thành ngữ biến thể là những thành ngữ có cùng một cơ sở hình tượng, cùng một cơ cấu và các bộ phận có thể thay thế cho nhau.
Như vậy, theo Xtepanov, để phân biệt hiện tượng biến thể thành ngữ và đồng nghĩa thành ngữ chúng ta cần phải dựa vào hai tiêu chuẩn là đặc trưng ngữ nghĩa và đặc trưng hình thức.
Như trên đã viết, để xác định các thành ngữ đồng nghĩa, chúng ta phải dựa vào hai tiêu chí, đó là kết cấu ngữ pháp (đặc trưng hình thức) và ý nghĩa (đặc trưng ngữ nghĩa). Theo chúng tôi, cũng có thể dựa vào hai tiêu chí này để phân biệt các biến thể thành ngữ và các đồng nghĩa thành ngữ.
Về phương diện ý nghĩa: đó là hình ảnh làm cơ sở cho ý nghĩa biểu trưng của thành ngữ
Về phương diện kết cấu ngữ pháp: đó là tính đồng nhất hay khác biệt về kết cấu ngữ pháp.
(1) Hình ảnh làm cơ sở cho ý nghĩa biểu trưng của thành ngữ
Các thành ngữ có ý nghĩa biểu trưng giống nhau dựa trên cùng một hình ảnh là những thành ngữ có quan hệ biến thể với nhau. Ví dụ:
thở như kéo bễ - thở như bễ lò rèn;
te tái như gà mái nhảy ổ - te tái như gà mái mắc đẻ; vui như hội - vui như mở hội - vui như trẩy hội
nước đổ lá khoai - nước đổ lá môn, v.v...
Các thành ngữ kể trên có ý nghĩa biểu trưng hoàn toàn giống nhau, các hình ảnh so sánh của chúng cũng giống nhau, do vậy đây là các biến thể thành ngữ .
Các thành ngữ có ý nghĩa biểu trưng giống nhau, có kết cấu ngữ pháp đồng nhất nhưng dựa trên những hình ảnh cơ sở khác nhau thì đó là các thành ngữ đồng nghĩa. Chẳng hạn, mật ít ruồi nhiều - oản ít bụt nhiều. Hai thành ngữ trên có ý nghĩa chung chỉ tình trạng người muốn được hưởng lợi thì nhiều mà cái để hưởng thì ít, có kết cấu ngữ pháp đồng nhất; tuy nhiên hình ảnh cơ sở của mỗi thành ngữ lại khác nhau, do vậy đây là những thành ngữ đồng nghĩa với nhau.
Một số ví dụ khác:
vắng như chùa bà đanh - vắng như bãi tha ma - vắng như bãi sa mạc
vững như bàn thạch - vững như thành đồng vách sắt - vững như kiềng ba chân - vững như núi
sướng nở ruột - sướng mê tơi
Nếu các thành ngữ có kết cấu ngữ pháp đồng nhất, trong đó có sự thay thế thành phần cấu tạo bằng những từ ngữ thuộc các trường từ vựng - ngữ nghĩa khác nhau thì đó cũng là những thành ngữ đồng nghĩa.
(2) Kết cấu ngữ pháp
Nếu các thành ngữ có ý nghĩa biểu trưng giống nhau nhưng có kết cấu ngữ pháp khác nhau, nghĩa là không đồng nhất thì đó là các thành ngữ đồng nghĩa.
Ví dụ:
Biểu thị sự lười biếng quá mức, tiếng Việt có các thành ngữ đồng nghĩa:
lười chảy thây (có cấu trúc là một tính ngữ)
lười như hủi (cấu trúc so sánh )
Biểu thị tình trạng chi tiêu không hợp lí, có các thành ngữ đồng nghĩa:
một đồng cháo, ba đồng đường (cấu trúc đối xứng)
tiền đanh nặng hơn tiền trống (cấu trúc C-V)
một đồng mắm, nắm đồng rau (cấu trúc danh ngữ đối xứng)
một tiền gà, ba tiền thóc (cấu trúc danh ngữ đối xứng)
tiền dợ quá tiền trâu (cấu trúc C-V)
Tương tự như vậy, các thành ngữ dưới đây cũng là những thành ngữ có cấu trúc ngữ pháp khác nhau:
Biểu thị trình độ dốt nát: dốt như bò - dốt có chuôi (đuôi) - dốt đặc cán mai;
Biểu thị những đối tượng cùng bè cánh với nhau: đồng hội đồng thuyền - một đồng một cốt - cùng một giuộc;
Biểu thị hành động mượn cớ để thực hiện hành động xấu: mượn gió bẻ măng - nhờ lụt đẩy rều - té nước theo mưa;
Biểu thị hành động cưu mang, giúp đỡ những kẻ phản trắc: nuôi ong tay áo - nuôi cò cò mổ mắt;
Biểu thị hành động đổ lỗi cho hoàn cảnh: tháo dạ đổ vạ cho chè - vụng múa chê đất lệch
Tóm lại, dựa vào hai tiêu chí ý nghĩa biểu trưng và kết cấu ngữ pháp chúng ta có thể phân biệt các biến thể thành ngữ và đồng nghĩa thành ngữ như sau:
Các biến thể thành ngữ là những dạng khác nhau của một thành ngữ, có ý nghĩa biểu trưng hoàn toàn giống nhau, có kết cấu ngữ pháp đồng nhất, trong đó có thể thay đổi hình thức ngữ âm, thay đổi trật tự các thành tố, thay thế thành phần cấu tạo bằng từ đồng nghĩa hoặc cùng trường nghĩa, rút gọn hoặc mở rộng.
Các đồng nghĩa thành ngữ là những thành ngữ khác nhau có ý nghĩa biểu trưng về cơ bản giống nhau, dựa trên những hình ảnh cơ sở khác nhau, có kết cấu ngữ pháp khác nhau; hoặc có kết cấu ngữ pháp đồng nhất nhưng có sự thay thế thành phần cấu tạo bằng những từ ngữ thuộc các trường từ vựng - ngữ nghĩa khác nhau.