5 .Ý nghĩa của luận án
2.2.2 Thành ngữ có xuất xứ từ địa phương
Bên cạnh những nét văn hóa chung của dân tộc Việt, ở mỗi địa phương còn có những nét văn hóa đặc trưng mang đặc thù của từng vùng miền. Những dấu ấn văn hóa này cũng là cơ sở tạo nên thành ngữ, được phản ánh vào thành ngữ. Chẳng hạn, vùng Nam Định, Hà Nam vốn là vùng đất thấp, trũng, thường xuyên ngập lụt, vụ chiêm không đủ nước để cấy hái, vụ mùa nước lại úng ngập. Đây chính là nguyên do để nhân dân trong vùng đúc kết nên thành ngữ chiêm khê mùa thối, chiêm khê mùa úng. Cũng phản ánh cảnh đồng chiêm trũng, quanh năm ngập lụt, người Ninh Bình và Thanh Hóa có thành ngữ chân chim bóng cá. Thành ngữ bụt Nam xang còn từ oản chiêm có xuất xứ từ huyện Nam Xang (hay Nam Xương, tên cũ của huyện Lí Nhân) tỉnh Hà Nam, nơi đông dân và nghèo. Từ hình ảnh những người nông dân Nam Định lên thành phố vác đất thuê, người ta khái quát nên thành ngữ ăn như Nam hạ vác đất hay ăn như thợ đấu. Thành ngữ tốt như đồng Tụ có nguồn gốc từ tỉnh Tuyên Quang; thành ngữ công tử Bạc Liêu xuất xứ từ tỉnh Bạc Liêu;
vắng như chùa Bà Đanh có xuất xứ từ một ngôi chùa ở Hà Nam; đói ăn cứt thầy bói (thòi bói) cho no có nguồn gốc từ Ninh Bình; ngày làm tháng ăn, cá nhảy giường thờ... có nguồn gốc từ Thanh Hóa; ăn Bắc mặc Kinh có nguồn gốc từ xứ Huế, thành ngữ trộm cắp như rươi ra đời từ các tỉnh duyên hải Bắc Bộ, vênh váo như bố vợ cậu ấm / phải đấm có nguồn gốc từ tỉnh Hà Nam. Các thành ngữ: trầy vi tróc vẩy, bổ xiên bổ xẹo, bòn gio đãi trú (trấu), ba trợn ba trạo...có xuất xứ từ miền Trung.
2.2.3 Thành ngữ thuần Việt phản ánh đặc điểm, quá trình sản xuất của các ngành nghề thủ công
Ở đây cần có sự phân biệt thành ngữ với từ nghề nghiệp. Từ nghề nghiệp là những từ biểu thị công cụ, sản phẩm lao động và quá trình sản xuất của một nghề nào đó trong xã hội. Những từ ngữ này thường được những người trong cùng ngành nghề đó biết và sử dụng. Đây là lớp từ vựng được dùng hạn chế về mặt xã hội. Ví dụ: Nghề làm lược bí có các từ: nan dại, nan khôn, nan đỏ, đan nan, tách nan, lột đóm, nẹp, nẹp đỏ, nẹp đen,v.v...
Trong mỗi nghề, những người thợ còn có những thành ngữ, tục ngữ chỉ ra quy cách, cách thức kinh nghiệm nghề nghiệp của mình. Chẳng hạn, trong nghề mộc có những thành ngữ, tục ngữ như thượng thu hạ thách (làm nhà, đóng bàn ghế ... bao giờ cũng phải lấy phía dưới rộng hơn phía trên, như vậy mới vững ), cắt cưa đóng đanh (những thao tác đơn giản nhất của nghề mộc), mộc gia nề giảm, v.v...
Vậy những thành ngữ được hình thành từ các ngành nghề thủ công có gì khác so với các đơn vị từ vựng nghề nghiệp?
Trước hết, có thể khẳng định rằng những thành ngữ được hình thành từ các ngành nghề thủ công thoạt đầu cũng là những từ ngữ nghề nghiệp. Trước khi trở thành những thành ngữ phổ biến trong toàn dân, những đơn vị này cũng được dùng để biểu thị công cụ, sản phẩm, quá trình sản xuất hay kinh nghiệm nghề nghiệp của một ngành nghề nào đó. Chẳng hạn, cụm từ chân chỉ hạt bột vốn ban đầu chỉ những sản phẩm của nghề thêu. Chân chỉ là những hột bằng đá nhiều màu được mài giũa và nung lên cho cứng, tạo thành những hột tròn nhỏ. Những hột đá này được xâu chuỗi vào những sợi chỉ rồi đính vào những đường riềm dưới chân màn, cờ, trướng, lọng vv... tạo thành những đường viền gọi là chân chỉ hạt bột. Yếu tố chân trong cách nói này lại gợi liên tưởng đồng âm với yếu tố chân
trong chân thành, chân chất. Từ đây, cụm từ này có sự biến đổi nghĩa, từ việc chỉ những công cụ, sản phẩm của nghề thêu nay chuyển sang chỉ những con người chất phác, cần cù và tốt nết. Sự chuyển nghĩa này được thực hiện dựa vào con đường liên tưởng tương đồng, tức ẩn dụ.
Một ví dụ khác, thành ngữ mỏng mày hay hạt. Cụm từ này nêu lên một kinh nghiệm của nhà nông trong việc chọn hạt giống. Mày vốn là lá bắc ở cuống hoa, về sau tồn tại dưới dạng hai lá vảy ở gốc quả (hạt). Theo kinh nghiệm của nhà nông, những hạt lúa, ngô có mày mỏng thường là những hạt chắc, tốt, có thể chọn làm giống để mùa sau. Từ kinh nghiệm chọn giống, người Việt ta đã mở rộng nghĩa của cụm từ này thành kinh nghiệm chọn hay nhìn nhận người. Cũng tương tự như trên, sự chuyển nghĩa ở đây được thực hiện dựa vào sự giống nhau về đặc điểm tính chất.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, vì nhiều lí do khác nhau, các thành ngữ nghề nghiệp nói trên đã được mở rộng phạm vi sử dụng trở thành lối nói toàn dân. Đặc biệt, những ngành nghề thủ công quen thuộc đối với toàn xã hội (ví dụ như nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề làm ruộng v.v... ) thì mức độ phổ biến của các thành ngữ kể trên lại càng nhanh chóng và rộng rãi. Một trong những lí do là bởi hiện tượng đồng âm mang lại. Chúng ta có thể minh chứng điều này bằng thành ngữ già kén kẹn hom. Thành ngữ này ban đầu có xuất xứ từ nghề tằm tang. Các yếu tố già, kén, kẹn, hom ban đầu là chỉ các tính chất, đặc điểm của các sự vật trong nghề trồng dâu nuôi tằm. Sau đó, các yếu tố này lại gợi liên tưởng đến các yếu tố đồng âm có ý nghĩa khác: kén (kén tằm) gợi liên tưởng đến kén chọn; kẹn gợi
liên tưởng về sự kẹt lại, mắc lại; hom (hom tằm)gợi liên tưởng đến hom hem... Từ đây cụm từ này chuyển sang một nghĩa mới: chỉ những người phụ nữ kén chọn quá kĩ dẫn đến cảnh lỡ làng, quá lứa nhỡ thì.
Một số ví dụ khác: năm giềng ba mối xuất xứ từ nghề đan lưới, lật đật như sa vật ống
vải xuất xứ từ nghề dệt, vụng chèo khéo chống, mũi vạy lái phải chịu đòn, bốc mũi bỏ lái
ra đời từ nghề chèo thuyền, già chơi trống bỏi có xuất xứ từ nghề làm trống, nát như tương, hay nát như tương Bần có xuất xứ từ nghề làm tương, quyền thằng hủi ra đời từ nghề đấm bốc, bắt cá hai tay ra đời từ nghề hay trò cá độ, thành ngữ mất cả chì lẫn chài, bán cá mũi thuyền có xuất xứ từ nghề chài lưới, v.v...
2.2.4 Thành ngữ có nguồn gốc từ sách vở
Loại thành ngữ này được chia thành một số nhóm nhỏ sau:
Nhóm 1: Thành ngữ ra đời từ các tích truyện dân gian Việt Nam
Truyện cổ tích dân gian, truyện ngụ ngôn, truyện cười Việt Nam là cơ sở hình thành của nhiều thành ngữ tiếng Việt. Huyền thoại về nguồn gốc tổ tiên của người Việt là cơ sở ra đời của các thành ngữ con rồng cháu tiên, con Lạc cháu Hồng. Anh chàng ngốc nghếch đẽo cày theo ý mọi người mà không có chủ kiến riêng là cơ sở của thành ngữ đẽo cày giữa đường. Kẻ hay lừa dối nhưng lại làm cho người khác dễ tin được đúc kết nên thành ngữ nói dối như Cuội. Hình ảnh anh chàng keo kiệt, đến chết vẫn còn hà tiện trong truyện cười là cơ sở của thành ngữ vắt cổ chày ra nước. Câu chuyện về nỗi oan khuất không thể thanh minh, giãi bày của Thị Kính trong tích chèo dân gian được phản ánh trong cụm từ oan Thị Kính. Hình ảnh nàng Bân trong truyện cổ tích cần mẫn may áo ấm cho chồng nhưng quá trễ, đến mức hết cả mùa rét mới xong, khiến trời thương cho rét trở lại để chồng nàng mặc thử áo là cơ sở tạo nên thành ngữ rét nàng Bân v.v... Tóm lại, không ít thành ngữ tiếng Việt được hình thành từ kho tàng truyện kể dân gian của dân tộc: công dã tràng, thằng chết cãi thằng khiêng, há miệng chờ sung, trăm thứ bà giằn, rồng đến nhà tôm, ếch ngồi đáy giếng, thả mồi bắt bóng, thầy bói xem voi, cáo mượn oai hùm, phù thủy đền gà, dốt có đuôi / chuôi, đồ Lí Thông, nói nhăng nói cuội, nói dối như cuội, con rồng cháu tiên, trời đánh thánh vật, trâu buộc ghét trâu ăn, gan cóc tía,v.v...
Nhóm 2: Thành ngữ thuần Việt có cơ sở hình thành từ các tích truyện, điển tích, điển cố của Trung Quốc
Nhóm thành ngữ này chiếm một số lượng không nhiều. Hầu hết các thành ngữ thuộc nhóm này đều mượn chất liệu của tiếng Hán, thường là mượn là tên riêng của các nhân vật trong truyện hoặc sử sách của Trung Quốc. Tính cách đa nghi của nhân vật Tào Tháo hay tính cách bộc trực, nóng nảy của nhân vật Trương Phi trong truyện Tam quốc chí là cơ sở tạo nên thành ngữ nóng như Trương Phi, đa nghi như Tào Tháo. Truyền thuyết về danh tướng Cao Biền đời Đường là nguồn gốc xuất hiện của những các thành ngữ lẩy bẩy như Cao Biền dậy non, sái đậu thành binh. Hình ảnh Lưu Bang thời Chiến quốc bị thất trận phải chạy thục mạng để thoát thân là cơ sở xuất xứ của thành ngữ chạy rống (giống) Bái Công. Sự ra đời của thành ngữ như con Điêu Thuyền lại gắn với câu chuyện từ thời Hậu Hán trong truyện Tam quốc diễn nghĩa như đã dẫn trên đây. Các thành ngữ nói như ông Bành Tổ, nói như thánh phán, ả Chức chàng Ngưu, Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho v.v...
cũng được hình thành dựa vào những đặc điểm điển hình của các nhân vật trong tích truyện tiếng Hán.
Nhóm 3: Thành ngữ hình thành từ những nhân vật điển hình trong các tácphẩm văn học Việt Nam nổi tiếng
Những nhân vật điển hình trong tác phẩm văn học cũng là cơ sở cho sự ra đời của nhiều thành ngữ Việt. Từ những tính cách điển hình, những nhân vật này đã khái quát nên tính cách của cả một lớp người trong xã hội. Nhân vật Hoạn Thư trong Truyện Kiều của Nguyễn Du điển hình cho thói ghen tuông của đàn bà đã là cơ sở tạo nên thành ngữ máu ghen Hoạn Thư. Tính cách lừa lọc, dối trá của nhân vật Sở Khanh được tái hiện trong thành ngữ đồ Sở Khanh. Hay ngoại hình xấu "ma chê quỷ hờn" của Thị Nở (trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao) đã đi vào thành ngữ xấu như Thị Nở, v.v...
Ngoài ra có thể còn có một số thành ngữ Việt được hình thành do người Việt tự tạo lập bằng chất liệu từ ngữ Hán Việt. Các thành ngữ này không hề có trong tiếng Hán.
Loại thành ngữ này được hình thành bằng cách ghép các yếu tố Hán Việt có sẵn để tạo nên thành ngữ. Đây là những thành ngữ rất dễ lẫn lộn với những thành ngữ gốc Hán đích thực. Ví dụ, ghép các yếu tố bán, thân, bất toại để tạo nên thành ngữ bán thân bất toại
với nghĩa nửa người bị bại liệt. Hoặc ghép hai từ ghép Hán Việt anh hùng và liệt nữ tạo thành anh hùng liệt nữ, để chỉ người đàn bà có khí tiết.
Tóm lại, những điều trình bày trên đây giúp chúng ta hình dung một cách khái quát về các nguồn ngữ liệu hình thành nên kho tàng thành ngữ thuần Việt. Số lượng các thành ngữ thuần Việt có thể rất nhiều nhưng tựu trung các thành ngữ không phải có nguồn gốc đâu xa mà nó bắt nguồn từ chính những gì quen thuộc trong đời sống hàng ngày, từ lời ăn tiếng nói của dân tộc ta. Bằng sự liên tưởng chuyển nghĩa (theo hai phương thức cơ bản là ẩn dụ và hoán dụ), người Việt đã tạo nên kho tàng thành ngữ vô cùng phong phú và đa dạng của riêng mình.
2.3 Một số thành ngữ thuần Việt có nhiều cách giải thích nguồn gốc
2.3.1 Dẫn nhập
Như trên đã nói, dựa vào nghĩa đen của các thành tố cấu tạo, chúng ta có thể xác định được nguồn gốc ra đời của các thành ngữ. Tuy vậy, đối với một số thành ngữ, việc tìm hiểu về nguồn gốc ra đời của chúng không phải là đơn giản. Như chúng ta biết, hầu hết các thành ngữ ra đời từ rất xa xưa, thêm vào đó do những đặc điểm như tính biến thể, tính truyền miệng nên kết quả là một thành ngữ có thể có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc xuất xứ. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc giải thích về nguồn gốc của thành ngữ mà còn liên quan đến việc hiểu và vận dụng chính xác nghĩa của thành ngữ
Dựa vào những tư liệu thu thập được, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều thành ngữ được ra đời từ nhiều nguồn khác nhau. Số lượng các thành ngữ loại này do chúng tôi thu thập được là 44 thành ngữ. Có thể chia các thành ngữ loại này thành ba nhóm sau đây:
Thứ nhất, những thành ngữ có nhiều cách giải thích xuất xứ do dựa vào những hiện tượng văn hóa khác nhau. Ví dụ: chạy như cờ lông công, nuôi ong tay áo, vụng chèo khéo chống, nghèo rớt mồng tơi, vắng như chùa Bà Đanh...Theo thống kê của chúng tôi, có 21 thành ngữ thuộc nhóm này.
Thứ hai, những thành ngữ có nhiều cách giải thích xuất xứ do chúng có hiện tượng biến thể về thành tố cấu tạo dẫn đến tạo ra các thành ngữ/biến thể thành ngữ khác nhau. Ví dụ: mũi vạy lái phải chịu đòn và mũi dại lái phải chịu đòn, chờ được vạ thì má đã sưng và
chờ được mạ thì má đã sưng hay chờ được nạ thì má đã sưng v.v...Số lượng các thành ngữ thuộc nhóm này là 23 đơn vị.
Thứ ba, những thành ngữ có thể được giải thích có xuất xứ cả từ trong tiếng Hán và từ trong tiếng Việt do có sự trùng hợp về hiện thực khách quan được thành ngữ phản ánh và lối tư duy của hai dân tộc. Ví dụ: ếch ngồi đáy giếng, ôm cây đợi thỏ, v.v...
Dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu từng trường hợp.
2.3.2 Những thành ngữ có nhiều cách giải thích do dựa vào những hiện tượng văn hóa khác nhau văn hóa khác nhau
2.3.2.1 Thành ngữchạy như cờ lông công
Để chỉ hoạt động chạy đi chạy lại vất vả, lăng xăng mà chẳng được tích sự gì, người Việt dùng thành ngữ chạy như cờ lông công. Phần nghĩa chung của thành ngữ này được các từ điển giải thích khá thống nhất. Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu các yếu tố cấu tạo nên thành ngữ này, có thể thấy nhiều điều bất ngờ mà các từ điển không đề cập đến.
Trước hết, yếu tố chạy trong thành ngữ này mang nghĩa tường minh, không có gì phải bàn cãi. Yếu tố gây ra sự mập mờ, khó hiểu ở đây chính là cờ lông công. Xoay quanh cụm từ này có nhiều cách giải thích khác nhau. Cờ trong cờ lông công là "cái cờ" hay là một trò chơi trong dân gian (cờ tướng)? Nếu là cờ thì có phải cờ làm bằng lông công hay không?
Tác giả Lê Gia trong [25] cho rằng thành ngữ nói trên có xuất xứ từ trò chơi cờ người, một trò chơi rất phổ biến trong các lễ hội dân gian. Theo đó, cờ lông công chính là những con cờ trong bàn cờ. Mỗi con cờ đó được làm bằng một miếng gỗ mỏng sơn màu sặc sỡ và được gắn vào đầu một cây gậy dài vừa đủ để có thể chống xuống đất. Hình dáng của chúng đẹp đẽ, sặc sỡ và được gắn vào một cái cọng dài nên được gọi là cờ lông công. Các con cờ lông công ấy do người cầm, di chuyển ngang dọc, qua lại, tới lui, lên xuống, xiên chéo theo lệnh của người chơi cờ. Từ đây, hình thành nên cụm từ chạy như cờ lông công với nghĩa là chạy qua chạy lại, chạy tới chạy lui, xiên xéo, nhanh chậm rối rít.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết cờ người là một trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nó không chỉ là một trò giải trí đơn thuần mà còn là một cuộc đấu trí đầy mưu lược. Mỗi ván cờ chẳng khác gì một trận chiến đấu. Vì thế, các quân cờ cũng được qui định hết sức nghiêm ngặt. Các quân cờ phải có động tác nghiêm túc,