5 .Ý nghĩa của luận án
2.2.1.1 Thành ngữ phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Việt
Đây là loại thành ngữ thuần Việt có số lượng nhiều nhất, đồng thời cũng là lớp thành ngữ có mức độ thuần Việt cao nhất. Dấu hiệu để nhận biết đây là các thành ngữ thuần Việt dựa vào hai tiêu chí hình thức và nội dung ý nghĩa. Về hình thức ngữ âm, các thành ngữ kể trên được tạo thành từ các chất liệu ngữ âm thuần Việt (là các âm, các vần như đã nêu trên). Đặc biệt, về nội dung, các thành ngữ này phản ánh rõ nét đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, thói quen, lối tư duy, cách nhìn, cách đánh giá mang đậm màu sắc nông nghiệp của người Việt.
Trải qua 4000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt đã xây dựng nên một nền văn hóa riêng, đậm đà bản sắc dân tộc. Nền văn hóa ấy được tạo dựng bởi nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố cốt lõi như phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn ngữ. Khi tìm hiểu nguồn gốc ra đời của thành ngữ chúng tôi lí giải sự ra đời của thành ngữ gắn liền với các yếu tố văn hóa nói trên. Đồng thời chúng tôi cũng hết sức chú ý đến những quy luật ngôn ngữ chi phối sự hình thành của thành ngữ.
Trong số các thành ngữ thuộc nhóm này có nhiều thành ngữ được ra đời từ phong tục tập quán của người Việt. Như chúng ta biết, phong tục của một dân tộc gồm các nhóm chủ yếu: phong tục tang ma, phong tục hôn nhân, phong tục lễ tết và lễ hội, phong tục xã hội.
Là một nước thiên về việc trọng tình, trọng nghĩa, người Việt Nam nói chung đặc biệt coi trọng việc tang ma. Họ quan niệm tổ chức tang ma cho người đã chết chính là thể hiện tình cảm, lòng yêu mến của người sống đối với người đã khuất. Chính quan niệm này đã khiến việc tang ma ở Việt Nam thường được tổ chức rất trọng thể. Phong tục tang ma là
cơ sở tạo nên rất nhiều thành ngữ, tục ngữ, chẳng hạn, cha đưa mẹ đón; cha gậy tre, mẹ gậy vông; trẻ làm ma, già làm hội; thương vay khóc mướn / khóc mướn thương vay; khóc như cha chết; chôn sấp liệm ngửa; ba hồn bảy vía; ba hồn chín vía v.v... Thành ngữ cao như minhtinh cũng có xuất xứ từ phong tục này. Cao như minh tinh thường dùng để ví với trường hợp có chiều cao quá đỗi, cao lêu đêu. Chúng ta chỉ giải thích được thành ngữ này khi gắn nó với phong tục tang ma của người Việt Nam. Đó là một vật không thể thiếu trong lễ tang, vật này được làm bằng vải đỏ dài khoảng 7 thước (thước cổ), trên đó ghi họ tên, tên húy, chức tước của người đã mất. Mảnh vải này được buộc vào một cành tre dài gọi là minh tinh. Trong đám ma, minh tinh thường do một người lớn tuổi cầm và đi trước quan tài.
Gắn liền với phong tục tang ma là việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Các thành ngữ giữ như giữ mả tổ, rước voi về giày mả tổ, đào mồ cuốc mả, chửi ủng mồ ủng mả, mồ yên mả đẹp… ra đời từ phong tục thờ cúng phần mộ của ông bà, tổ tiên; thành ngữ vén áo tay sô, đốt nhà táng giấy xuất phát từ tục lệ đốt vàng mã.
Phong tục hôn nhân cũng là cơ sở cho sự ra đời của nhiều thành ngữ. Chẳng hạn, khi cô dâu bước chân về nhà chồng, mẹ chồng ra đỡ nón cho cô dâu, nhúng chân cô dâu vào một chậu nước làm phép. Sau đó, cô dâu bước qua một chậu than hồng trước khi vào buồng. Phong tục này đã tạo nên thành ngữ chân ướt chân ráo với nghĩa "mới đến, thời gian chưa lâu". Quan niệm hai gia đình thông gia phải có sự tương xứng về nhà cửa, của cải, địa vị xã hội là cơ sở tạo nên thành ngữ môn đương hộ đối / môn đăng hộ đối.
Như trên đã nói, Việt Nam là nước có nhiều lễ hội. Các lễ hội diễn ra ở khắp mọi miền Tổ quốc, vào những lúc công việc đồng áng rảnh rỗi. Liên quan đến phong tục này, người Việt đã tạo nên nhiều thành ngữ như vui như trảy hội, đông như đám hội. Phong tục đi chợ cầu may vào đầu năm ở một số vùng Bắc Ninh, Nam Định là cơ sở tạo nên thành ngữ mua may bán rủi.
Các phong tục xã hội cũng là cơ sở sản sinh ra nhiều thành ngữ. Chẳng hạn, thành ngữ thần cây đa, ma cây gạo; vị thần nể cây đa có nguồn gốc từ tục lệ trồng cây đa để đánh dấu nơi ở của người Việt cổ; thành ngữ thấy người sang bắt quàng làm họ xuất phát từ mối quan hệ họ hàng thân tộc của người Việt Nam, thành ngữ nồi da nấu thịt xuất phát từ tập tục săn bắn của người nguyên thủy.
Bên cạnh đó, còn có những thành ngữ được ra đời từ quan niệm tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt. Chúng ta đều biết, đạo Phật là một trong hai tôn giáo lớn nhất và phổ biến nhất ở nước ta. Những tinh thần cơ bản của đạo Phật như từ bi, hỉ xả, tu nhân tích đức, cởi mở, khoan dung, nhẫn nhịn…đã thấm sâu vào tâm thức của nhân dân, trở thành một phần cơ bản trong linh hồn dân tộc, tính cách dân tộc. Tinh thần này đã được cha ông ta phản ánh vào trong thành ngữ. Ăn chay niệm Phật; ăn mày cửa Phật; hiền như bụt; của ít lòng nhiều; ở hiền gặp lành; gieo gió gặt bão; Phật nhà chẳng cầu đi cầu Thích Ca ngoài đường, v.v…chính là những thành ngữ được ra đời dựa trên tinh thần ấy. Để chỉ những kẻ giả dối, cha ông ta dùng cách nói miệng na mô, bụng một bồ dao găm hay miệng phật tâm xà; chỉ thói ích kỉ, của người khác thì phung phí, của mình thì chặt chẽ, người Việt dùng thành ngữ của người Bồ tát, của mình lạt buộc v.v…
Trong thế giới quan tôn giáo của người Việt, thuyết Vật linh luận cũng rất được coi trọng. Người ta tin rằng, trong tất cả các vật (hữu tri, vô tri) đều có sự trú ngụ của những linh hồn. Linh hồn ngự trị trong cây (thần cây đa, ma cây gạo), trong đá, trong các hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, sấm, chớp (ông Đùng, bà Đoàng) và đặc biệt là ở con người. Người Việt tin rằng con người có linh hồn. Có lẽ đây là cơ sở để cho ra đời một loạt các thành ngữ như hồn vía lên mây, hồn lìa khỏi xác, ba hồn chín vía, ba hồn bảy vía, hết hồn hết vía, hồn xiêu phách lạc, thần hồn nát thần tính, táng đởm kinh hồn, hồn về chín suối, hồn điên phách đảo, kinh hồn mất vía, hú hồn hú vía, bay hồn bạt vía, sợ mất vía v.v…
Trong nhận thức về vũ trụ, người Việt đặc biệt coi trọng triết lí âm dương. Họ dùng triết lí âm dương để giải thích về sự chuyển biến của mọi vật trong vũ trụ. Từ triết lí âm dương, người Việt đã tạo nên những mô hình vũ trụ bí ẩn với số lượng thành tố lẻ. Tư duy số lẻ dường như là nét đặc thù của con người nông nghiệp Việt Nam. Từ đây, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của mình, người Việt rất thích dùng các con số lẻ. Để chỉ sự chia rẽ, phân tán người ta dùng cách nói ba bè bảy mối, ba chốn bốn nơi, chia năm sẻ bảy; chỉ cuộc sống gian truân, lận đận dùng cách nói ba chìm bảy nổi, bảy nổi ba chìm; chỉ sự vội vã dùng cách nói ba chân bốn cẳng, ba chân tám cẳng; chỉ sự giàu có: ba bò chín trâu, chín đụn mười trâu; chỉ sự lo lắng cũng dùng đến các con số ba lo bảy liệu, năm liệu bảy lo; chỉ sự ít ỏi, eo hẹp trong thu nhập và chi tiêu: ba cọc ba đồng. Chỉ người nói nhiều mà làm ít, không thực chất, có thành ngữ ba voi không được bát nước xáo; chỉ sự vô trách nhiệm:
năm cha ba mẹ... Một số ví dụ khác: ba xôi cùng nhồi một chõ, túm năm tụm ba, năm lần bảy lượt, ba vuông bảy tròn, năm lừa bảy lọc, năm thê bảy thiếp,v.v...
Xét về đặc điểm địa lí, Việt Nam là vùng sông nước, có hệ thống kênh ngòi chằng chịt. Vì vậy, cuộc sống của người Việt gắn bó với sông nước. Hình ảnh sông nước ăn sâu vào tâm khảm con người Việt Nam để tạo thành những cách nói thành ngữ: nước chảy hoa trôi, nước chảy chỗ trũng, nước sâu sào ngắn, sóng cả gió to, sóng yên biển lặng, sông có khúc, người có lúc, thay ngựa giữa dòng, nước nổi bèo nổi, mây trôi bèo nổi, bèo dạt mây trôi, mười hai bến nước, v.v... Thực tế chèo đò trên sông nước đã tạo nên những thành ngữ:
vụng chèo khéo chống, bốc mũi bỏ lái, mũi dại lái phải chịu đòn, v.v...Thậm chí, ở những lĩnh vực không liên quan đến nước, người Việt cũng dùng hình ảnh nước để so sánh: vắt cổ chảy ra nước, vắt nước không lọt tay, ván đã đóng thuyền, sạch nước cản, ăn ngập mặt ngập mũi,v.v...
Phần lớn các thành ngữ thuộc nhóm này có xuất xứ từ những thói quen, nếp nghĩ hay lối sống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Những thành ngữ này, khi mới ra đời chỉ là những cụm từ tự do. Sau đó, nó được dùng lặp đi lặp lại cùng với sự chuyển di ngữ nghĩa nhất định theo lối ẩn dụ hóa mà trở thành thành ngữ. Chẳng hạn: cơm hẩm cà thiu, cơm hẩm mắm chườm, đắp tai cài trốc, đắm đò nhân thể rửa trôn, chó chui gầm chạn, ăn mắm mút giòi, ...
Nhiều thành ngữ được xây dựng từ các sự kiện thuộc đời sống lao động sản xuất hay những công việc mưu sinh, như chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, thức khuya dậy sớm, cháy mặt lấm lưng, dầm sương dãi nắng, đâm sấp rập ngửa, buôn thúng bán mẹt,... Đời sống lao động vất vả đã tạo cho người nông dân Việt Nam ngoại hình vai u thịt bắp, cổ cày vai bừa, chân đi chữ bát, chân trước chân sau, đầu tro mặt muội, v.v...
Nhiều thành ngữ được ra đời từ lối sống, nếp sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn, thành ngữ con chấy cắn đôi. Thành ngữ này thoạt nghe có vẻ phi lí vì chấy là một loài bọ nhỏ, sống kí sinh trên đầu người, thường hút máu người, hơn nữa loài vật này không thể ăn được, vậy cắn đôi để làm gì? Chúng ta chỉ lí giải được thành ngữ này khi hiểu biết tường tận về đời sống sinh hoạt của người Việt xưa. Do đời sống nghèo nàn, lạc hậu, nhất là vùng nông thôn xưa, nên người Việt thường bị nhiều chấy rận. Những lúc rảnh rỗi, người ta thường ngồi bắt chấy cho nhau. Những người này thường có quan hệ thân thuộc, máu mủ
như mẹ bắt chấy cho con gái, chị bắt chấy cho em. Mỗi khi bắt được con chấy họ đều đưa con chấy lên miệng cắn đôi mà chẳng thấy hôi tanh, ghê rợn gì vì họ quan niệm máu trong bụng con chấy là máu của người thân, mà cũng là máu của chính mình. Từ hành động cắn đôi con chấy, dân gian đã khái quát nên thành ngữ con chấy cắn đôi, với nghĩa "có quan hệ gần gũi, thân thiết".
Liên quan đến sự hình thành thành ngữ này, có câu chuyện Con chấy cắn đôi của tác giả Tiêu Hà Minh [63,150]. Tuy vậy, theo chúng tôi, câu chuyện này được tác giả phóng tác dựa theo thành ngữ con chấy cắn đôi nhằm giải thích cho sự ra đời của thành ngữ này. Đây chỉ là một câu chuyện "giả danh" xuất hiện sau khi đã có thành ngữ con chấy cắn đôi.
Một ví dụ khác là thành ngữ buôn dưa lê. Thành ngữ này có lẽ được hình thành vào khoảng những năm cuối của thế kỉ hai mươi.Cụm từ này dùng để chỉ hoạt động của những người hay la cà rồi đem chuyện của người này, người kia (thường là chuyện riêng tư, vặt vãnh) nói cho nhau nghe. Tất nhiên những chuyện nhỏ to này không tránh khỏi tình tiết thêm thắt, thêu dệt, thậm chí còn đơm đặt. Có thể nói, sự ra đời của thành ngữ này bắt nguồn từ chính lối sống sinh hoạt hàng ngày của người Việt. Chúng ta đã biết trong tiếng Việt có cụm từ buôn chuyện (đem những chuyện không đâu nói với nhau). Bản thân từ
buôn đã có nghĩa "mua bán để lấy lãi". Cái hàm ý làm cho nhiều hơn đã có ở trong đó. Rồi trong tiếng Việt lại có các thành ngữ ngồi lê mách lẻo, ngồi lê đôi mách, nghĩa là la cà hết chỗ này đến chỗ khác để hóng chuyện hoặc để đem chuyện chỗ này đến chỗ khác gây mâu thuẫn. Mặt khác, trong thực tế những năm gần đây, xuất hiện loài dưa lê - một loại quả tròn, màu trắng ngà hay vàng nhạt, cùi giòn, thơm ngọt. Từ đây, yếu tố lê trong ngồi lê gợi liên tưởng đến lê trong dưa lê, yếu tố dưa gợi liên tưởng đến dây dưa, buôn trong buôn chuyện gợi liên tưởng đồng nghĩa với buôn trong buôn bán (dưa lê). Như vậy, bằng nhiều hướng liên tưởng khác nhau, người ta đã tạo nên thành ngữ buôn dưa lê.
Một số thành ngữ thuộc nhóm này như: bóc ngắn cắn dài, buông quăng bỏ vãi, bữa đói bữa no, bữa rau bữa cháo, buồn ngủ gặp chiếu manh, chấy rận như sung, chó chui gầm chạn, chó có váy lĩnh, chém nhau đằng giọng, chém nhau đằng lưỡi, ăn cháo đá bát, xắn váy quai cồng, tham bữa cỗ lỗ buổi cày, ...
Trong đời sống hàng ngày, đối với người Việt Nam, ăn uống được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu (Chẳng thế mà cha ông ta đã nói dân dĩ thực vi tiên). Ăn không chỉ
đơn thuần là thỏa mãn nhu cầu của cái đói mà còn thể hiện rõ đạo lí, triết lí sống của con người Việt Nam. Cũng nhờ vậy, cha ông ta đã tạo nên một nền văn hóa ẩm thực phong phú. Từ kinh nghiệm ăn uống hàng ngày, cha ông ta đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm và phản ánh vào kho tàng thành ngữ: chém to kho mặn, thái to bung dừ, đầu trôi môi mè, chuối sau cau trước, say như điếu đổ, cơm gà cá gỏi, cơm chiêm mắm mặn, cơm hẩm cà thiu, cơm sung cháo dền, cơm tẻ mẹ ruột, tương cà mắm muối, da bánh mật, má bánh đúc, bánh chưng ra góc, bánh đúc bày sàng, trơn như đổ mỡ, v.v... Đặc biệt các thành ngữ chỉ hoạt động ăn xuất hiện với một số lượng rất lớn. Thống kê sơ bộ cho thấy tiếng Việt có trên 180 thành ngữ chỉ hoạt động ăn. Sở dĩ loại thành ngữ này có số lượng nhiều là do xuất phát từ tính cộng đồng và tính mực thước trong quan niệm ăn uống của người Việt.
Là một nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa nóng và mùa lạnh được phân biệt rõ rệt nên chuyện ăn mặc của người Việt cũng rất được coi trọng. Với những người nông dân
chân lấm tay bùn thì ăn mặc xuềnh xoàng: áo vải quần nâu, áo thô giày cỏ, thậm chí áo mảnh quần manh, quần manh áo vá, váy vận yếm mang, cởi trần đóng khố, lưng đen khố bện... Với những người giàu có thì áo dài khăn đóng, áo dài khăn lượt, áo the khăn xếp, quần chùng áo dài, quần chân áo chít, quần hồ áo cánh, khăn đóng áo chùng, khăn thâm áo vải v.v...Và với những cô thiếu nữ thì lại phải áo lụa quần hồng, mớ ba mớ bảy,...
Các trò chơi dân gian cũng là một trong những nguồn sản sinh ra thành ngữ. Như chúng ta biết, các trò chơi ăn tiền như đánh bạc, xóc đĩa, cua cá vốn là những hình thức cờ bạc rất phổ biến trong dân gian, đặc biệt là vào dịp lễ tết. Bản chất của những trò chơi này là lừa được người chơi để ăn tiền. Càng lừa được nhiều càng trúng lớn. Từ thực tế ấy, dân gian đã đúc rút nên những thành ngữ để chỉ những kẻ tráo trở, bịp bợm, như: cờ gian bạc bịp, cờ gian bạc lận, bắt cá hai tay, thò lò sáu mặt, ba que xỏ lá,... Thành ngữ gàn bát sách, lì không thang cũng có nguồn gốc tương tự. Hai thành ngữ này có xuất xứ từ các quân bài trong cỗ tổ tôm. Quân bài bát sách vẽ hình người đàn bà xếp chân bằng tròn, miệng ngậm điếu thuốc lá, mặt vênh lên trông rất khó coi. Từ hình ảnh này, bằng liên tưởng