Tác động kinh tế

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro để tăng trưởng công bằng. Chủ đề nghiên cứu Xu thế phát triển kinh tế toàn cầu và khu vực và tác động tới nền kinh tế Việt Nam trong thập niên tới. (Trang 38)

4 Các mục tiêu Chiến lược của Việt Nam thời kỳ 2011-2020 được thảo luận chi tiết trong phần của báo cáo này.

3.2.1 Tác động kinh tế

Xu thế tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu và FDI ở Việt Nam đã được một số nhà quan sát nhìn nhận là bằng chứng của mối quan hệ nhân quả giữa việc mở cửa nền kinh tế với kết quả hoạt động kinh tế. Thực tế, đôi khi Việt Nam đã được nói tới như một nghiên cứu tình huống để minh họa cho việc mở cửa nền kinh tế nội địa sẽ đưa đến tăng trưởng kinh tế nhanh như thế nào (Ngân hàng Thế giới, 2001).

Trong số những lợi ích được cho là nhờ mở cửa thương mại và đầu tư mà có thì tăng trưởng kinh tế là lợi ích quan trọng nhất. Tuy nhiên, cả lý thuyết và những bằng chứng về mối quan hệ nhân quả giữa tăng trưởng và mở cửa nền kinh tế đều còn đang là vấn đề tranh cãi. Về mặt lý thuyết, phần lớn những lợi ích tiềm năng có được từ mở cửa có xu hướng là những lợi ích về mặt hiệu quả liên quan tới việc phân bổ lại các nguồn lực và sản xuất những mặt hàng mang tính thương mại quốc tế. Việc phân bổ lại “một lần duy nhất” các nguồn lực sẽ tạo ra sự kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn do nền kinh tế đã chuyển sang một đường tăng trưởng cao hơn. Nhưng một khi hiệu ứng phân bổ lại đã kết thúc thì tăng trưởng lại rơi trở lại tốc độ của “trạng thái bền vững” của nó7. Nếu nền kinh tế chuyển hẳn sang thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hơn, thì mở cửa cần phải có tác động tích cực tới tốc độ tăng năng suất cơ bản (Winters, 2004).

Do những vấn đề liên quan tới định nghĩa và thước đo “độ mở” nên việc xác định đóng góp của mở cửa đối với tăng trưởng đang ngày càng trở nên khó hơn. Thước đo thường được dùng để đo “độ mở” - tỷ số giữa xuất khẩu và nhập khẩu với GDP - là thước đo về kết quả, nó hầu như không cho chúng ta biết tí gì về những yếu tố chính sách và phi chính sách tạo ra độ mở này. Điều quan trọng hơn là, chỉ số về độ mở không phản ánh được mạng lưới phức tạp của các mối liên kết trực tiếp và gián tiếp giữa các tác nhân kinh tế vốn là đặc trưng của toàn cầu hóa về kinh tế.8 Có thể tồn tại một mối quan hệ nhân quả hai chiều giữa tăng trưởng kinh tế và mở cửa. Xuất khẩu và FDI tăng lên có thể đóng vai trò là một kích thích mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế. Nhưng đồng thời, một nền kinh tế đang phát triển thu hút các dòng vốn FDI đổ vào và việc mở rộng đường giới hạn khả năng sản xuất sẽ khiến khối lượng xuất khẩu cao hơn.

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro để tăng trưởng công bằng. Chủ đề nghiên cứu Xu thế phát triển kinh tế toàn cầu và khu vực và tác động tới nền kinh tế Việt Nam trong thập niên tới. (Trang 38)