kim bột
10 8 9 10
Nguồn: Ngân hàng Thế giới, Bộ KHCN-MT và Bộ CT (2006): Phân tích ô nhiễm từ ngành chế tạo ở Việt Nam. Mức điểm thấp hơn chỉ mức độ ô nhiễm cao hơn. Các ngành được xếp theo mức độ ô nhiễm từ cao xuống thấp theo thang điểm 10.
Việc mở rộng nuôi trồng hải sản xuất khẩu đã có tác động tiêu cực tới hệ thống rừng ngập mặn và các nguồn lực phụ thuộc vào thủy triều, do vậy ảnh hưởng tới sinh kế của các cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào các nguồn lực này. Khai thác than, một mặt hàng xuất khẩu chính, với đặc trưng là thông lệ quản lý không thân thiện với môi trường và do vậy là một nguồn gây tổn hại chính tới môi trường do các vấn đề như nước thải từ mỏ, bụi và chôn lấp chất thải từ các mỏ lộ thiên.
Du lịch, một nguồn chính nữa để thu ngoại tệ, đã gây thêm áp lực cho các nguồn lực vật chất và tự nhiên thông qua việc phát triển kết cấu hạ tầng và quản lý chất thải rắn và lỏng. Việt Nam nằm trong tốp 20 nước có đa dạng sinh học nhất trên thế giới, tuy nhiên sự đa dạng sinh học phong phú này đang bị đe dọa bởi việc buôn lậu động vật hoang dã, khai thác thủy sản và hoạt động khuyến nông (bất hợp pháp).
Mặc dù có thể quy kết sự tổn hại về môi trường đang tăng lên này là do tăng trưởng kinh tế nhanh và các quy định yếu kém về môi trường, nhưng việc mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là việc chú trọng vào tăng trưởng xuất khẩu, đã làm trầm trọng thêm những xu thế này.
3.3 Ứng phó về chính sách
Đánh giá của chúng tôi về vai trò của kinh tế quốc tế trong việc định hướng quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những thập niên gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn các chính sách mang tính chiến lược. Những can thiệp về mặt chính sách có thể được sử dụng để tăng cường những tác động tích cực của quá trình toàn cầu hóa về kinh tế và ngăn ngừa hoặc giảm thiểu những tác động tiêu cực. Nhưng hiếm khi các can thiệp chính sách không thay đổi, vì các xu thế bên ngoài, và tác động của chúng, không tránh khỏi việc thay đổi theo thời gian. Bên cạnh đó, các mục tiêu Chiến lược của phát triển kinh tế xã hội cũng luôn thay đổi. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của hai thập niên trước được xây dựng để đáp ứng các mục tiêu của những thập niên đó và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội lần thứ ba này (Thời kỳ 2011-2020) cũng sẽ được xây dựng để đáp ứng các mục tiêu tương ứng trong thập niên tới. Những điều có thể phù hợp cho Việt Nam thời kỳ 2001 - 2010 sẽ có thể không phù hợp cho thập niên tới, vì: i) các xu thế toàn cầu đã thay đổi; và ii) mục tiêu kinh tế - xã hội của chính Việt Nam cũng đã ở mức cao hơn trước. Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong đổi mới kinh tế 20 năm vừa
SỰ THAM GIA CỦA VIỆT NAM VÀO NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU
Chẳng hạn mức độ phụ thuộc đáng kể vào dòng vốn nước ngoài như một biện pháp để nâng cấp khối doanh nghiệp trong nước từng là một chính sách phù hợp và hiệu quả trong vòng hai thập niên qua, nhưng có người cho rằng chính sách này đã làm cho Việt Nam phụ thuộc vào sự biến động lớn của thị trường quốc tế, trong khi không đạt được mục tiêu thúc đẩy mối liên kết giữa khối doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chiếm khoảng ½ tổng sản lượng xuất khẩu (và nguồn thu ngoại tệ) của đất nước, thì các doanh nghiệp nội địa đã rất chật vật để tham gia được vào mạng lưới sản xuất xuyên quốc gia có giá trị cao. Các sản phẩm thô và sơ chế, cũng như các hàng hoá “công nghệ thấp” khác, như may mặc và giày dép, vẫn là những mặt hàng chủ yếu mà các doanh nghiệp nội địa nắm giữ được thị phần xuất khẩu. Các hoạt động sản xuất với công nghệ tiên tiến hơn thường thuộc về các công ty 100% vốn nước ngoài; tận dụng những lợi thế hấp dẫn nhất của nền kinh tế nước sở tại (chẳng hạn như nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công cạnh tranh) nhưng các doanh nghiệp này cũng rất chật vật trong việc tìm thêm nguyên liệu đầu vào từ trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hoá. Với nhu cầu tạo ra được 1,5 triệu việc làm mới mỗi năm, trong khi khu vực sản xuất nông nghiệp thì ngày càng thiếu đất canh tác, sự cần thiết phải gia tăng tỷ lệ nội địa hoá trong khu vực sản xuất và dịch vụ là rất rõ ràng. Và việc này chắc chắn sẽ phải được thực hiện với một tiến độ khẩn trương hơn rất nhiều so với hiện nay.
Trong bối cảnh này, các chính sách xây dựng theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam thời kỳ 2011-2020 cần phải giải quyết một số yếu kém đã bộc lộ trong những năm cuối của kỳ Chiến lược trước. Có thể thấy rõ rằng Việt Nam hiện đang cần một mô hình kinh tế mới có thể đưa đất nước phát triển lên mức cao hơn; một quá trình không còn chú trọng nhiều đến mục tiêu giảm nghèo, hay tạo ra khu vực doanh nghiệp nội địa, mà là phát triển được khối doanh nghiệp vững mạnh, có thể cạnh tranh một cách hiệu quả trên thị trường quốc tế cũng như tại thị trường trong nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam để các doanh nghiệp này có thể tham gia một cách chủ động vào mạng lưới sản xuất toàn cầu tại Đông Á có lẽ sẽ là mục tiêu chính sách chủ yếu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn tới. Chiến lược cho thời kỳ 2001-2010 đã giúp đất nước đạt tới điểm này, nhưng các chính sách xây dựng trong khuôn khổ Chiến lược này sẽ không đạt tới những tiến bộ về kinh tế - xã hội sắp tới mà đó phải là nhiệm vụ của Chiến lược thời kỳ 2011-2020.
Tóm lại, Việt Nam đã quản lý thành công quá trình hội nhập vào nền kinh tế quốc tế của mình. Nhưng tính phức tạp và sự bất trắc ngày càng tăng trong nền kinh tế toàn cầu sẽ đặt ra những yêu cầu mới cho việc phân tích chính sách một cách chi tiết, trên cơ sở áp dụng các công cụ phân tích phù hợp của một đội ngũ cán bộ chuyên môn đông đảo và đa dạng hơn. Điều này cũng đòi hỏi phải có những thay đổi về mặt thể chế trong mối liên hệ giữa các khía cạnh kỹ thuật và khía cạnh chính trị khi xây dựng và thực thi chính sách để quản lý sự tham gia của Việt nam vào nền kinh tế toàn cầu.12
Đây sẽ là chủ đề mà Báo cáo đề cập đến trong Chương 7. Ngoài ra, trong Chương 7, chúng tôi cũng sẽ nêu ra một số khuyến nghị về các can thiệp chính sách, còn gọi là “các biện pháp hỗ trợ củng cố”, có thể áp dụng để phát huy các tác động tích cực từ các xu thế phát triển kinh tế khu vực và trên thế giới, cũng như ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động tiêu cực do các xu thế này mang lại. Những khuyến nghị này được đưa ra dưới dạng những hợp phần có thể dùng để xây dựng mô hình phát triển kinh tế mới của Việt Nam như đã xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ 2011-2020.