BÁO ĐẾN NĂM
2.1.2.2 Vai trò của ASEAN trong thiết lập trật tự kinh tế
Sáng kiến tác động tới trật tự kinh tế quan trọng nhất của ASEAN là việc
bắt đầu tiến trình tự do hóa kinh tế khu vực từ năm 1992. Trật tự thế giới sau
Chiến tranh lạnh thay đổi khiến ASEAN phải xem xét lại mục tiêu và hướng đi của mình. Khi nguy cơ chiến tranh đã bị đẩy lùi, thách thức an ninh khu vực tạm lắng xuống trong khi xu thế hợp tác phát triển kinh tế trở thành mục tiêu và xu thế chính của khu vực và thế giới. Từ một tổ chức mang nặng tính chính trị, ASEAN đã tham gia vào trật tự kinh tế khu vực bằng việc ký Hiệp định khung về
chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung cho Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (CEPT/AFTA). Mục đích của CEPT/AFTA là liên kết kinh tế các nước
ASEAN, thúc đẩy tự do hóa và hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước trong khu vực. Việt Nam mặc nhiên thừa nhận và ủng hộ các luật chơi mới này khi trở thành quan sát viên của ASEAN năm 1993.
Trật tự hợp tác kinh tế tiếp tục được ASEAN mở rộng qua sáng kiến thiết
lập cơ chế hợp tác Á - Âu năm 1996. Trong bối cảnh ASEAN ngày càng có xu
hướng hợp tác chặt chẽ hơn với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm các cơ chế ASEAN+1 với các nước Đông Bắc Á và với châu Mỹ qua khuôn khổ APEC, ASEAN đã chủ động có sáng kiến thành lập Diễn đàn Á - Âu (ASEM) nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Đông Á với châu Âu, một trung tâm kinh tế và chính trị quan trọng. Mục đích của ASEAN là triển khai tầm nhìn “khu vực mở”, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của ASEAN, tránh để ASEAN bị phụ thuộc quá lớn vào Mỹ hoặc các nước Đông Bắc Á. Hiện nay, tiến trình hợp tác ASEM có nội dung hợp tác khá rộng, từ các vấn đề kinh tế, phát triển, đến các vấn đề chính trị - an ninh. Ví dụ, vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước được đưa vào chương trình nghị sự của ASEM [148]. Việc ASEM ngày càng mở rộng về thành viên, chương trình nghị sự ngày càng mở rộng, và các nước ASEAN luôn nằm trong nhóm nước Điều phối châu Á của tiến trình chứng tỏ vai trò của ASEAN được các nước thừa nhận và chấp thuận tuân thủ.
Năm 1997-1999, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính – tiền tệ tác động rộng khắp khu vực Đông Á, ASEAN khởi động tiến trình hợp tác Đông Á
nhằm tăng cường phối hợp chính sách kinh tế, tài chính vĩ mô giữa các nước trong khu vực Đông Á, khởi động tiến trình hợp tác cho toàn bộ khu vực Đông Á. Luật chơi của tiến trình hợp tác Đông Á là tiến trình này sẽ do ASEAN chủ đạo do các nước Đông Bắc Á chưa vượt qua được rào cản của sự nghi kỵ để đi tới hợp tác, trong khi các nước ASEAN và Đông Bắc Á thấy rõ có lợi ích chung gắn bó trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Luật chơi mới này đã được các nước
ASEAN và Đông Bắc Á hưởng ứng và chấp nhận tuân thủ, kể cả khi ASEAN cương quyết đòi hỏi tiến trình phải do ASEAN dẫn dắt về chương trình nghị sự, về nhịp độ hợp tác và các cuộc họp chỉ diễn ra ở các nước ASEAN. Luật chơi nói trên chính là hạt nhân cho tiến trình xây dựng cộng đồng Đông Á sau này, trong đó ASEAN có vai trò như một trong những nhân tố chủ đạo.
Đóng góp lớn nhất của ASEAN đối với trật tự kinh tế Đông Á là việc
khởi xướng kết nối Đông Á qua các Khu vực mậu dịch tự do (FTA) và đề xuất đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực Đông Á – RCEP năm
2012. ASEAN đã chủ động thúc đẩy đàm phán và hoàn tất FTA với các nước Đông Á, nhân rộng mô hình liên kết kinh tế mở của mình với cả 6 nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, Ấn độ, Úc và New Zealand. Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Phnom Penh tháng 11/2012 đã thống nhất khởi động đàm phán một Hiệp định đối tác toàn diện khu vực trong khuôn khổ ASEAN+6, tạo ra triển vọng cho việc hình thành một khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới trong đó ASEAN có vai trò trung tâm. Cơ sở để ASEAN đưa ra sáng kiến này là việc ASEAN đã có FTA riêng rẽ với các nước +6 nêu trên. Sáng kiến RCEP sẽ là công cụ để ASEAN tạo lập và tác động vào trật tự hợp tác kinh tế ở khu vực, cạnh tranh vai trò với Trung Quốc cũng đang muốn đặt ra khuôn khổ và luật chơi riêng dựa trên cơ chế ASEAN+3, và Mỹ trên cơ sở Hiệp định Hợp tác đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).