CHƯƠNG 1 LÝ LUẬN VỀ TRẬT TỰ TRONG QUAN HỆ
1.2.1 Các nhân tố tác động tới trật tự thế giớ
Mọi diễn biến, động thái trong quan hệ quốc tế có ảnh hưởng đủ lớn tới quan hệ giữa các quốc gia đều có thể tác động tới trật tự thế giới. Men Honghua tổng kết các diễn biến, động thái đó thành 3 loại nhân tố chủ đạo tác động tới trật tự thế giới là (1) quyền lực và cấu trúc quyền lực (hay tương quan quyền lực) giữa các quốc gia; (2) các vấn đề nổi lên trong quan hệ quốc tế tác động tới quan hệ giữa các quốc gia; và (3) quan niệm về lợi ích và giá trị, tác động tới lợi ích, mục tiêu và chính sách (cả đối nội và đối ngoại) của các quốc gia [77, 11]. Alaggapa cho rằng trật tự thế giới có thể biến đổi theo hai cách: (1) biến đổi sắp xếp lại trong bản thân khuôn khổ một trật tự, nhưng không làm thay đổi đáng kể thể loại trật tự; (2) biến đổi từ dạng trật tự này sang dạng trật tự khác [81, 64].
- Quyền lực và cấu trúc quyền lực: Trật tự thế giới cơ bản phản ảnh tương quan quyền lực giữa các quốc gia. Khi quyền lực dịch chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác, cục diện của thế giới thay đổi tạo ra động lực cho việc xác lập lại trật tự. Sự biến đổi cấu trúc quyền lực có thể dẫn tới sự thay đổi hoàn toàn cục diện, như sau Chiến tranh lạnh, cục diện xoay chuyển từ “lưỡng cực” sang “nhất siêu đa cường”, và trật tự thế giới cũng chuyển từ trật tự cân bằng quyền lực sang trật tự bá quyền. Song sự biến đổi cấu trúc quyền lực có thể không làm thay đổi trật tự nếu đó chỉ là sự chuyển giao quyền lực giữa hai quốc gia có cùng ý thức hệ tư tưởng và có lợi ích căn bản giống nhau. Trường hợp này xảy ra khi Mỹ nổi lên trở thành cường quốc số một thay thế Anh quốc cuối thế kỷ thứ 19. Lúc đó trật tự thế giới chỉ có sự điều chỉnh chứ không có những thay đổi căn bản.
- Các vấn đề nổi lên trong quan hệ quốc tế: Các vấn đề quốc tế nổi lên làm thay đổi lợi ích và sắp xếp ưu tiên lợi ích quốc gia, thay đổi cách các quốc
gia phân bổ nguồn lực của mình là nhân tố quan trọng tác động tới trật tự trong quan hệ quốc tế. Ví dụ, sự nổi lên của các vấn đề toàn cầu khiến các quốc gia không thể ứng phó một cách độc lập, buộc các nước mạnh nhất cũng phải khuyến khích, thúc đẩy sự hợp tác của tất cả các quốc gia trong toàn bộ hệ thống. Các nước bá quyền không còn khả năng bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho toàn bộ hệ thống trước các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố, sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt vv... Thay vào đó, các nước này buộc phải thúc đẩy các tiến trình hợp tác diện rộng trên cơ sở xây dựng các thể chế quốc tế, thậm chí thông qua tiến trình hội nhập quốc tế, qua đó khuyến khích tất cả các quốc gia hướng tới và chia sẻ trách nhiệm xử lý các vấn đề mới nổi nhằm bảo vệ các giá trị chung, lợi ích chung của toàn bộ cộng đồng.
- Nhận thức về lợi ích, giá trị: xã hội loài người luôn vận động và lợi ích quốc gia cũng luôn biến đổi tùy theo hoàn cảnh và sự phát triển của xã hội, của thể chế chính trị hoặc của cá nhân người nắm vai trò lãnh đạo. Khi có nhận thức mới về lợi ích quốc gia và có lựa chọn giải pháp mới để bảo đảm lợi ích của mình, các quốc gia sẽ đề ra các chính sách mới, gồm mục tiêu, phương cách và công cụ mới tác động tới trật tự trong quan hệ quốc tế.
Các nhân tố tác động trên luôn tồn tại và tác động làm trật tự thế giới không ngừng biến đổi, chuyển hóa trong dải quang phổ và cung bậc trật tự của mình. Khi các nhân tố tác động đủ mạnh, trật tự thế giới có sự biến chuyển đủ lớn về lượng thì sẽ có sự thay đổi về chất, từ dạng trật tự này sang dạng trật tự
khác, chứ trật tự không tự nhiên mất đi.