- Nhãn quan khu vực và chính sách của ASEAN: Là tổ chức của các nước vừa và nhỏ, ưu tiên trước hết của ASEAN là thích ứng với trật tự khu vực
CHƯƠNG 3 KIẾN NGHỊ ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH ĐỐ
3.3.1 Định hướng CSĐN trong trật tự Đôn gÁ đến năm
Muốn bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia dân tộc, chính sách đối ngoại Việt Nam đến năm 2020 cần phù hợp với 3 dạng thức trật tự chính ở khu vực Đông Á, phục vụ cả 3 lợi ích căn bản của Việt Nam, đó là: (1) Bảo vệ vững chắc an ninh
quốc gia – là bảo đảm trật tự an ninh truyền thống; (2) Tạo điều kiện tối đa cho hợp tác và phát triển kinh tế - là hội nhập vào trật tự kinh tế khu vực; và (3) Hội nhập khu vực và quốc tế, nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam – là củng cố và phát huy vai trò trong trật tự chính trị-ngoại giao khu vực. Nếu Việt Nam có chính sách không phù hợp, ứng xử mâu thuẫn với các xu thế, nguyên tắc và “luật chơi” cơ bản trong bất cứ dạng thức trật tự nào cũng sẽ tác động không thuận tới lợi ích quốc gia của Việt Nam.
3.3.1.1 Trật tự an ninh truyền thống
Xu thế chủ đạo của dạng thức trật tự này đến năm 2020 là cân bằng quyền lực hoặc an ninh tập thể. Các nước trong khu vực sẽ vừa tạo thuận lợi cho Mỹ tăng cường hiện diện ở khu vực nhằm đối trọng với Trung Quốc, vừa tăng hợp tác an ninh, quốc phòng song phương và đa phương nhằm phòng ngừa sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Trật tự đó phù hợp với lợi ích của Việt Nam và ASEAN hơn so với trật tự bá quyền (dù là bá quyền Mỹ hay bá quyền Trung Quốc) hoặc trật tự hòa hợp quyền lực. Do vậy chính sách đối ngoại của Việt Nam cần góp phần cùng ASEAN củng cố thế cân bằng quyền lực hoặc đấu tranh để các nước vừa và nhỏ có tiếng nói trong một dàn xếp an ninh tập thể có thể có ở khu vực.
Theo đó, cần thực thi một chính sách đối ngoại linh hoạt nhằm duy trì một trạng thái cân bằng về ảnh hưởng của các nước lớn ở khu vực, đồng thời tạo ra nhiều công cụ để có thể thực thi chính sách đó, kể cả công cụ ngoại giao, kinh tế, quân sự - quốc phòng, pháp lý v.v... Vì cân bằng sức mạnh quân sự là quan trọng nhưng không phải là toàn bộ trạng thái cân bằng của khu vực, cần gia tăng các công cụ, cơ chế để tạo ra sự cân bằng toàn diện lợi ích và ảnh hưởng của các nước lớn ở khu vực, bao gồm cả lợi ích kinh tế và cân bằng ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao... Đây chính là trạng thái cân bằng linh hoạt mà ASEAN muốn duy trì trong quan hệ với các nước lớn ở khu vực.
Do vậy, Việt Nam cần áp dụng triệt để nguyên tắc độc lập, tự chủ và phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa để có được sự linh hoạt cần thiết trong việc triển khai chính sách đối ngoại. Chủ trương đưa quan hệ với các đối tác đã thiết lập theo chiều sâu của Đại hội XI cần được hiểu theo khía cạnh nâng
cao hiệu quả hợp tác với các đối tác đó, tạo ra các gắn kết thực sự về lợi ích giữa Việt Nam với đối tác. Không nên để việc thiết lập quan hệ theo chiều sâu với đối tác này là nhân tố cản trở việc Việt Nam tự do và linh hoạt triển khai chính sách với các đối tác khác.
Cụ thể, Việt Nam nên (1) mạnh dạn ủng hộ các tiến trình hợp tác khu vực về quốc phòng, an ninh, sẵn sàng tăng cường hàm lượng ngoại giao quốc phòng
trong quan hệ với tất cả các nước lớn có lợi ích ở khu vực, cả song phương và đa phương, linh hoạt điều chỉnh nội hàm, mức độ và thời điểm hợp tác để duy trì cân bằng ảnh hưởng của các nước lớn trong từng thời kỳ; (2) tăng cường ủng hộ các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực có tác dụng duy trì cân bằng ảnh hưởng
của các nước lớn như ARF, ADMM+, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), cùng
ASEAN củng cố vai trò của các cơ chế này trong cấu trúc an ninh khu vực.
3.3.1.2 Trật tự kinh tế
Xu thế chủ đạo của dạng thức trật tự này là khu vực sẽ ngày càng hợp tác và gắn kết chặt chẽ trong đó Trung Quốc sẽ có vai trò đầu tàu kinh tế khu vực. Đông Á cũng sẽ trở thành trọng tâm kinh tế thế giới theo cả quy mô lẫn tốc độ tăng trưởng. Trung Quốc sẽ chuyển vị thế và sức mạnh kinh tế thành vị thế và sức mạnh chính trị, muốn đóng vai trò trung tâm khu vực cả trong các vấn đề chính trị, ngoại giao và hợp tác ứng phó thách thức an ninh phi truyền thống. Các nước trong khu vực đang khẩn trương tái cơ cấu và sắp xếp lại nền kinh tế nhằm hình thành chuỗi sản xuất thích hợp trên cơ sở trật tự kinh tế Đông Á mới.
Việt Nam cần chấp nhận trật tự kinh tế đó, sớm hoạch định chiến lược hội nhập sâu có hiệu quả vào trật tự này. Cần coi Đông Á là địa bàn trọng tâm ưu tiên liên kết và hội nhập kinh tế của Việt Nam. Khi đàm phán liên kết kinh tế với các đối tác ngoài khu vực Đông Á, như EU, Mỹ, Nga... cần tính toán kỹ tác động đối với hiệu quả hội nhập của Việt Nam vào địa bàn chính là kinh tế Đông Á.
Về chính trị, ngoại giao, cần chấp nhận vai trò và vị thế của Trung Quốc như một nước lãnh đạo và dẫn dắt hợp tác khu vực trong các lĩnh vực kinh tế, hợp tác phát triển và ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống. Cần học nghệ thuật ngoại giao của cha ông, khéo léo và mềm mỏng về ngoại giao để Trung Quốc không nghĩ rằng Việt Nam muốn chống lại vị thế trung tâm của Trung Quốc ở Đông Á, để Trung Quốc mất thể diện nước lớn vì đó ngày càng là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực địa và trong các hoạt động hợp tác cụ thể cần cương quyết đấu tranh để bảo vệ nguyên tắc độc lập, tự chủ và bình đẳng chủ quyền trong quan hệ với Trung Quốc.
Đây là dạng thức trật tự mà Việt Nam cần chú trọng chủ trương chủ động hội nhập kinh tế, lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế làm mục tiêu hàng đầu. Phương
châm đa dạng hóa, đa phương hóa vẫn cần được áp dụng trong dạng thức trật tự này, nhưng chủ yếu để bảo đảm an ninh kinh tế, không để Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào một đối tác nào. Đây không nên là phương châm ưu tiên cao nhất
vì sẽ tạo thêm sức ép cho nền kinh tế, xé nhỏ nguồn lực của nền kinh tế theo nhiều hướng, làm suy giảm hiệu quả kinh tế nói chung.
3.3.1.3 Trật tự chính trị - ngoại giao đa phương
Xu thế của trật tự ngoại giao đa phương ở Đông Á đến năm 2020 là ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức, sắp xếp các thiết chế hợp tác đa phương nhằm tìm ra các lợi ích chung, giá trị chung của khu vực, xây dựng các tiến trình hợp tác khu vực trên cơ sở các nguyên tắc, chuẩn mực chung,
tiến tới hình thành bản sắc chung của khu vực. ASEAN tiếp tục điểu khiển “luật chơi” về ngoại giao nhờ nắm quyền tổ chức và điểu khiển thủ tục của các hội nghị ngoại giao lớn nhất khu vực, đồng thời có ảnh hưởng lớn tới nội dung nhờ có quyền đưa ra chương trình nghị sự của các tiến trình hợp tác khu vực. ASEAN cũng có ảnh hưởng lớn tới việc thể chế hóa các tiến trình hợp tác, là các nguyên tắc, khuôn khổ bao trùm cho khu vực.
Việt Nam là một nước lớn trong ASEAN, cần đóng vai trò chủ động để giúp ASEAN phát huy được vai trò đó. Cần quán triệt chủ trương “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” và “chủ động hội nhập quốc tế”, ứng xử đúng với các chuẩn mực khu vực để không ngừng phát huy và nâng cao vai trò. Việt Nam tuy không phải là nước phát triển về kinh tế trong ASEAN, không có khả năng lãnh đạo ASEAN trong việc đưa ra các sáng kiến lớn về hợp tác kinh tế, nhưng Việt Nam có vai trò và uy tín về chính trị - an ninh cần phải phát huy, kể cả vai trò lãnh đạo. Ví dụ, Việt Nam có thể phát huy thế mạnh tiềm lực quốc phòng trong hợp tác cứu trợ cứu nạn, chống cướp biển, tội phạm trên biển... qua đó đóng góp cho Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN. Nên tránh tư tưởng “không đi đầu, không đi cuối”, hoặc ngại làm lãnh đạo trong ASEAN. Nên mạnh dạn phát huy vai trò "chủ đạo" trong những lĩnh vực Việt Nam có khả năng và lợi ích. Mặt khác, không nên quá cứng nhắc áp dụng các nguyên tắc như “bảo đảm vững chắc độc lập, chủ quyền” vì sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm lợi ích chung, giá trị chung và xây dựng cộng đồng chung.
Tóm lại, chính sách đối ngoại Việt Nam đến năm 2020 có thể tiếp tục con đường và các nguyên tắc lớn hiện nay, nhưng cần có thêm hướng dẫn để việc áp dụng các phương châm và nguyên tắc đối ngoại được đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng. Trong chính sách ngoại giao toàn diện, cần nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của ngoại giao quốc phòng. Trong chính sách hội nhập, cần bổ sung coi địa bàn Đông Á là trọng tâm ưu tiên hội nhập của Việt Nam, trên cơ sở đó có chính
sách hội nhập phù hợp với các đối tượng khác. Trong chiến lược ASEAN, cần có thêm phương châm “chủ động đóng vai trò nòng cốt thúc đẩy, dẫn dắt hợp tác ASEAN khi cần thiết”.