BÁO ĐẾN NĂM
2.1.2 Vai trò của ASEAN đối với trật tự Đông Á từ 1967 đến nay
Là các nước nhỏ và vừa ở khu vực, đa số đều mới hình thành sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, các quốc gia Đông Nam Á đều đặt ưu tiên vấn đề bảo đảm sự sinh tồn của quốc gia, trong đó bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, chống lại chủ nghĩa ly khai và duy trì vị thế của đảng cầm quyền là các ưu tiên cao nhất. ASEAN được thành lập trong bối cảnh chiến tranh Đông Dương đang hết sức ác liệt, sự can thiệp của các nước lớn ở khu vực bằng cả biện pháp quân sự, kinh tế
và chính trị có xu hướng ngày càng tăng, trật tự khu vực Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang có nhiều xáo trộn. ASEAN được thành lập thực chất nhằm mục đích an ninh chứ không phải vì mục tiêu kinh tế. Tuy nhiên, theo nguyên Tổng thư ký ASEAN Rodolfo C. Severino, Tuyên bố Băng-cốc năm 1967 vẫn phải nhấn mạnh mục tiêu hợp tác kinh tế vì lãnh đạo các nước ASEAN không muốn tạo ra ấn tượng các nước Đông Nam Á đang lập một liên minh quân sự dạng NATO hoặc SEATO chống lại Liên Xô hoặc Trung Quốc, gây thêm nghi kỵ, căng thẳng và đối đầu trong khu vực [90, 161]. Theo Lý Quang Diệu, mục đích của Xing-ga-po khi tham gia thành lập ASEAN không phải nhằm tăng cường phát triển kinh tế, tạo tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa như nêu trong Tuyên bố Băng-cốc. Việc thành lập ASEAN nhằm “tạo sức mạnh thông qua khối đoàn kết để chuẩn bị cho khoảng trống quyền lực khi các cường quốc Anh, Mỹ rút quân khỏi khu vực”. In-đô-nê-xia muốn qua ASEAN khẳng định chủ trương hòa bình và xóa bỏ các chính sách hiếu chiến thời Sukarno. Thái Lan muốn liên kết với các nước láng giềng không theo phe cộng sản và là thành viên của Phong trào không liên kết. Phi-líp-pin muốn có một diễn đàn để đẩy mạnh các yêu sách lãnh thổ của mình đối với Bắc Borneo [5, 328]. Như vậy, ngay từ ngày đầu ASEAN đã mong muốn can thiệp vào trật tự khu vực, trước hết là trật tự nền tảng để duy trì độc lập, bảo đảm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Lịch sử phát triển của ASEAN sau khi thành lập là một chuỗi sự vận động liên tục, trước hết nhằm thích ứng ASEAN với những thay đổi của trật tự khu vực, duy trì sự tồn tại của ASEAN, trên cơ sở đó dần tác động và điều chỉnh trật tự khu vực Đông Nam Á và mở rộng ảnh hưởng ra khu vực Đông Á bằng các sáng kiến của mình.