- Nhãn quan khu vực và chính sách của ASEAN: Là tổ chức của các nước vừa và nhỏ, ưu tiên trước hết của ASEAN là thích ứng với trật tự khu vực
16 Là các nguyên tắc sau: Tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Không xâm lược lẫn nhau; Bình đẳng; và Hợp tác cùng có lợ
2.3.2 Điều kiện để ASEAN tiếp tục phát huy vai trò trong trật tự Đông Á đến năm
Có thể cụ thể hóa các điều kiện cần có để ASEAN tiếp tục phát huy được vai trò trong trật tự Đông Á là:
- ASEAN phải góp phần duy trì được trật tự an ninh nền tảng: Trật tự cộng đồng không thể tồn tại trong điều kiện các quốc gia không có lòng tin chính trị, có nghi kỵ, cạnh tranh hay đối đầu nhau gay gắt đến mức xảy ra căng thẳng và xung đột. Điều kiện tiên quyết để có trật tự cộng đồng là khu vực có được trật tự nền tảng, ở đó các quốc gia được bảo đảm các lợi ích an ninh cốt lõi. ASEAN hiểu rõ điều đó khi lấy Cộng đồng Chính trị - An ninh làm trụ cốt chính cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. ASEAN chỉ có thể phát huy được vai trò chủ đạo và xây dựng được cộng đồng khi cân bằng quyền lực ở khu vực tiếp tục được duy trì, các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc không cạnh tranh nhau quá gay gắt tới mức đối đầu, xung đột buộc ASEAN phải chọn ủng hộ một trong hai hoặc bị chia rẽ đến mức tan vỡ. Các điểm nóng cũng phải được kiểm soát hiệu quả không được bùng phát thành xung đột vì khi xung đột nổ ra sẽ có khả năng lan rộng dẫn tới can thiệp của bên ngoài, làm phá vỡ trật tự cân bằng quyền lực hiện nay. ASEAN cũng không thể phát huy được hiệu quả nếu có sự “hòa hợp” giữa Trung Quốc, Mỹ và các nước lớn khác trong khu vực. Lúc đó các nước lớn sẽ “bắt tay nhau” và quyết định mọi vấn đề của khu vực. Tuy nhiên, trong một trật tự an ninh tập thể, ASEAN vẫn có thể phát huy được vai trò do sẽ là một bên tham gia bình đẳng vào quá trình ra quyết sách chung của khu vực.
- ASEAN phải góp phần duy trì được môi trường hợp tác và gắn kết về lợi ích: ASEAN không thể phát huy được vai trò xây dựng cộng đồng chỉ với các chuẩn mực, giá trị và các mục tiêu lý tưởng xa vời, nếu các nước trong khu vực không thực sự gắn bó về lợi ích và hợp tác, gắn kết với nhau ngày càng chặt chẽ nhằm đáp ứng các lợi ích trước mắt của các nước trong khu vực. ASEAN cần một trật tự hợp tác làm nền tảng cho việc xây dựng cộng đồng. ASEAN cần môi
trường hợp tác khu vực, ít nhất là về các lợi ích kinh tế nhưng sẽ tốt hơn nếu các nước có sự gắn bó về cả chính trị, văn hóa, xã hội v.v... ASEAN không thể một mình tạo ra sự gắn kết kinh tế đó do quy mô nền kinh tế cũng chỉ lớn hơn kinh tế Hàn Quốc, tỷ trọng GDP chỉ chiếm khoảng 10.5% GDP khu vực Đông Á [136]. Mặt khác tỷ trọng thương mại nội khối của ASEAN chỉ chiếm khoảng 25%; tỷ trọng đầu tư nội khối ASEAN chỉ dưới 20% [137]. ASEAN cần các động lực từ bên ngoài để có sự gắn kết lợi ích trong khu vực.
- ASEAN phải tranh thủ được sự hậu thuẫn của các nước lớn: nhiều ý kiến cho rằng ASEAN có được vai trò như hiện nay (vai trò trung tâm và chủ đạo trong xây dựng cấu trúc an ninh khu vực) do các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ cạnh tranh nhau và không muốn để phía bên kia chiếm mất vai trò trung tâm và chủ đạo đó [70, 95-113]. ASEAN cho rằng ASEAN có được vai trò nhờ duy trì được cân bằng linh hoạt lợi ích của các nước lớn ở khu vực [71]. Dù đứng trên quan điểm nào thì ASEAN cũng phải tranh thủ được sự hậu thuẫn của các nước lớn, không chỉ của Trung Quốc và Mỹ mà của cả các nước phát triển khác ở Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ... cả về mặt chính trị cũng như trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và hợp tác phát triển thì ASEAN mới có thể phát huy được vai trò của mình. Ví dụ, cùng trong lĩnh vực hợp tác biển, các lĩnh vực hợp tác an ninh phi truyền thống như hợp tác cứu trợ cứu nạn, bảo vệ môi trường, phòng chống cướp biển thì ASEAN có thể phát huy tốt vai trò do các nước lớn đều ủng hộ, nhưng trong lĩnh vực an ninh biển truyền thống như quản lý tranh chấp ở Biển Đông thì ASEAN gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc không muốn ASEAN có vai trò đó. Trong việc thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế, ASEAN có thể đưa ra ý tưởng, nhưng khi thực sự triển khai ý tưởng thì luôn cần ít nhất một nước lớn bên ngoài hỗ trợ để thực hiện. Ví dụ việc kết nối giao thông trong Kế hoạch tổng thể Kết nối Đông Á, ASEAN cần sự giúp đỡ về tài chính của các đối tác Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ để thực thi tầm nhìn của ASEAN.
Tiểu kết
Trật tự Đông Á đang có những biến chuyển khá sâu sắc, tuy nhiên đến năm 2020 trật tự Đông Á vẫn sẽ gồm các dạng thức cơ bản của trật tự Đông Á hiện nay, đó là các trật tự an ninh truyền thống do Mỹ chủ đạo; dạng thức trật tự hợp tác kinh tế do Trung Quốc có vai trò đầu tàu; và dạng thức trật tự chính trị - ngoại giao do ASEAN dẫn dắt. Các nước lớn khác ở khu vực như Nhật bản, Ấn độ, Nga hay các quốc gia tầm trung khác như Hàn quốc, Úc sẽ góp phần tác động vào các dạng thức trật tự trên, nhưng chưa thể chủ đạo hoặc tạo ra các thay đổi căn bản trong các trật tự đó.
ASEAN với tư cách là tập hợp của các nước vừa và nhỏ ở khu vực Đông Nam Á, từ chỗ bị động và phải chấp nhận sự can thiệp của các nước lớn ở khu vực đã tìm được cách tác động tới trật tự khu vực thông qua việc chủ đạo xây dựng các nguyên tắc và chuẩn mực quan hệ quốc tế mới ở khu vực, được các nước trong và ngoài khu vực thừa nhận, chấp thuận và cơ bản tuân thủ. Vai trò và ảnh hưởng của ASEAN kể từ khi ra đời năm 1967 đến nay đã không ngừng tăng lên và được mở rộng từ các nước Đông Nam Á hải đảo, sang toàn bộ khu vực Đông Nam Á và dần mở rộng ra toàn bộ khu vực Đông Á. ASEAN đã đáp ứng tốt và khá tốt ít nhất ¾ các tiêu chí để đánh giá vai trò của các nước vừa và nhỏ đối với trật tự khu vực. ASEAN phát huy được vai trò ở Đông Á do quan hệ giữa các nước lớn ở khu vực cho tới nay vẫn được duy trì tương đối ổn định, cân bằng quyền lực giữa các bên được duy trì và xu thế chủ đạo của các nước trong khu vực vẫn là duy trì hòa bình, ổn định để tăng cường hợp tác kinh tế và cùng phát triển.
Dự báo đến năm 2020, ASEAN vẫn có cơ hội để tiếp tục phát huy được vai trò ở khu vực Đông Á do các điều kiện cần được xác định ở Chương I vẫn tiếp tục tồn tại, mặc dù cục diện và trật tự khu vực sẽ có nhiều biến chuyển, đó là: (1) Trật tự an ninh truyền thống khu vực tiếp tục được duy trì theo mô hình cân bằng quyền lực hoặc an ninh tập thể, ít khả năng Trung Quốc hoặc Mỹ sẽ
hội tụ đủ sức mạnh để trở thành bá quyền ở khu vực, cũng ít khả năng Trung Quốc và Mỹ “bắt tay” để tạo ra một hòa hợp quyền lực chi phối trật tự khu vực, do vậy đến năm 2020 khu vực cơ bản vẫn có môi trường hòa bình và ổn định, tuy rằng vẫn có thể có các căng thẳng, thậm chí xung đột cục bộ nảy sinh; (2) Trật tự hợp tác kinh tế khu vực cũng sẽ tiếp tục được duy trì do trọng tâm kinh tế thế giới tiếp tục chuyển dịch về Đông Á, và các cơ chế hợp tác khu vực ngày càng được hoàn thiện. Trong bối cảnh đó, các khuôn khổ hợp tác chính trị - ngoại giao của ASEAN sẽ tiếp tục phù hợp với lợi ích của các bên, các “luật chơi” của ASEAN sẽ cơ bản tiếp tục được các bên chấp nhận và tuân thủ do chưa có nước lớn nào có đủ sức mạnh và lòng tin để tạo ra hệ thống luật chơi khu vực khác có khả năng thay thế. Điều đó tạo điều kiện để ASEAN tiếp tục có vai trò đối với trật tự khu vực Đông Á.
Tuy nhiên, vai trò của ASEAN đến năm 2020 cũng sẽ gặp nhiều thách thức do: (1) Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và có lợi ích trong việc dần thay đổi luật chơi khu vực, do đó tùy từng lúc, từng vấn đề Trung Quốc có thể sẽ không còn thừa nhận và ủng hộ hoàn toàn vai trò trung tâm của ASEAN, và sẽ muốn điều chỉnh dần các luật chơi do ASEAN đề ra; (2) cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ở khu vực ngày càng gia tăng, có khả năng dẫn đến khủng hoảng cục bộ vượt ra ngoài khuôn khổ luật chơi và chức năng các cơ chế đa phương của ASEAN, khiến ASEAN không xử lý được; (3) các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Ấn độ sẽ tác động và can thiệp nhiều hơn vào các cơ chế hợp tác đa phương từ trước tới nay do ASEAN chủ đạo để hướng các cơ chế này phục vụ nhiều hơn cho mình, cạnh tranh vai trò với ASEAN trên chính “sân chơi” truyền thống của ASEAN.
Do vậy, bên cạnh các điều kiện cần nêu trên, điều kiện đủ để ASEAN có thể duy trì và tăng cường vai trò của mình ở Đông Á từ nay đến năm 2020 là ASEAN phải thích ứng tốt hơn trước các thách thức mới nảy sinh, hoạt động chủ động và hiệu quả hơn trong môi trường Đông Á đang thay đổi. Muốn vậy,
ASEAN nói chung và từng thành viên của ASEAN cần có một số điều chỉnh trong phương cách tham gia hợp tác ASEAN. Đây là nôi dung luận án sẽ tiếp tục thảo luận trong Chương III.