Đặc điểm và điều kiện để trật tự thế giới tồn tạ

Một phần của tài liệu Vai trò của ASEAN trong trật tự đông á tới năm 2020 và định hướng chính sách đối ngoại của việt nam (Trang 32 - 35)

CHƯƠNG 1 LÝ LUẬN VỀ TRẬT TỰ TRONG QUAN HỆ

1.1.3Đặc điểm và điều kiện để trật tự thế giới tồn tạ

Theo định nghĩa của Alaggapa, trật tự thế giới không chỉ có 2 trạng thái là “có trật tự” và “không có trật tự”, mà là một cung bậc trạng thái từ “vô trật tự” tương ứng với “luật rừng”, tới trạng thái pháp quyền hoàn chỉnh trong đó mọi thành viên tuân thủ luật lệ chung. Nguyễn Đức Hòa, Vụ Chính sách đối ngoại Bộ Ngoại giao, chia sẻ nhận định này và cho rằng trật tự thế giới “là một quang phổ ổn định trong đó mức độ ổn định của trật tự có thể biến thiên từ mất ổn định hoàn toàn đến ổn định tuyệt đối” [205].

Thế giới có trật tự không có nghĩa là không có chiến tranh hay bạo lực, mà coi chiến tranh hay bạo lực là các công cụ - tuy không phải là công cụ chính - để tạo lập trật tự, do vậy có các luật lệ trong việc sử dụng bạo lực hay chiến tranh trong quan hệ quốc tế. Trật tự quốc tế không tự nhiên có được mà phải qua một quá trình đấu tranh, xung đột, thỏa hiệp, nhượng bộ và hợp tác giữa các quốc gia. Trật tự trong quan hệ quốc tế không phải là bất biến, mà là một trạng thái động, tuy nhiên tùy từng thời kỳ sẽ có các đặc trưng tương đối ổn định nổi lên. Dạng thức trật tự quan hệ quốc tế trong từng thời kỳ sẽ phụ thuộc vào phân

bổ quyền lực giữa các quốc gia và các yếu tố vật chất và tinh thần khác tác động tới môi trường quan hệ quốc tế trong thời kỳ đó.

Trật tự thế giới có tính ổn định, tính thứ bậc, đẳng cấp và tính khả biến: - Trật tự có tính ổn định tương đối do một khi luật lệ được các bên nhất trí thì sẽ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định cho tới khi tương quan lực lượng khiến các bên buộc phải tạo ra luật lệ mới. Trong khoảng thời gian “ổn định” của trật tự, luật lệ giúp chi phối hành vi của các quốc gia, tác động làm cho các quốc gia đó ứng xử theo một khuôn khổ nhất định.

- Trật tự có tính thứ bậc, đẳng cấp do vai trò và ảnh hưởng của các quốc gia tới việc tạo lập trật tự không giống nhau. Các quốc gia có sức mạnh, hay các nước lớn, sẽ có vai trò và ảnh hưởng lớn hơn các quốc gia yếu hơn, hay các nước nhỏ. Khái niệm “sức mạnh quốc gia” trong bối cảnh hiện nay không chỉ bao gồm

sức mạnh cứng mà cả sức mạnh mềm, và sự kết hợp khéo léo giữa hai thể loại trên trong từng tình huống, với từng đối tượng để có được sức mạnh thông minh. Điều đó cũng làm thay đổi quan niệm “nước lớn”, “nước nhỏ” thuần túy trong quan hệ quốc tế. Nước nhỏ nếu biết phát huy sức mạnh mềm, sức mạnh thông minh vẫn có thể có ảnh hưởng lớn tới luật chơi quốc tế, làm thay đổi thứ bậc, và đẳng cấp của mình một cách tương đối.

- Trật tự có tính khả biến do không ngừng có sự vận động và thay đổi tương quan lực lượng giữa các quốc gia với nhau, hoặc do có các quốc gia mới tham gia vào hệ thống tạo lập trật tự. Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng nhân tố quan trọng khiến trật tự thế giới thay đổi là phương thức sản xuất, theo đó các nước có phương thức sản xuất tiên tiến là các nước có sức mạnh và có khả năng tác động làm thay đổi trật tự thế giới.

Trong một xã hội các quốc gia luôn tồn tại một dạng trật tự nhất định, thể hiện qua việc luôn tồn tại luật chơi trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, để “luật

chơi” phát huy được hiệu quả thực sự trong việc tạo lập trật tự, Muthiah Alaggapa cho rằng cần có các điều kiện sau [81, 49]:

- Luật lệ phải rõ ràng và các bên phải cùng nắm được luật: điều này không phải nghiễm nhiên mà có, nhất là trong các giai đoạn giao thời và luật lệ thay đổi. Trong những giai đoạn như vậy, có thể có nhiều nguyên tắc, chuẩn mực khác nhau cạnh tranh nhau trong quá trình thiết lập “luật chơi” chung;

- Luật lệ phải được các bên thừa nhận, nhất là các quốc gia chính trong cộng đồng. Cơ sở để các quốc gia chấp nhận luật lệ là lợi ích quốc gia, hoặc tính chính danh của các nguyên tắc và chuẩn mực tạo ra luật lệ đó. Hình thức thừa nhận có thể chính thức như tham gia ký kết các thỏa thuận quốc tế, hoặc không chính thức thông qua mặc nhiên thừa nhận và tuân thủ các thỏa thuận đó trên thực tế.

- Đa số các quốc gia phải tuân thủ luật lệ đó. Việc làm sai luật không được diễn ra thường xuyên và trong một thời gian dài. Nếu không luật sẽ không còn tác dụng.

- Phải có quy phạm xử lý ai vi phạm luật lệ. Các quốc gia có trách nhiệm theo dõi việc thi hành luật phải có quyết tâm và công cụ để trừng phạt quốc gia vi phạm luật.

Xây dựng luật lệ là một quá trình lâu dài. Nội hàm và sức mạnh của luật lệ phụ thuộc nhiều vào quá trình tương tác giữa các quốc gia, mức độ gắn kết giữa các quốc gia và các mục tiêu mà từng quốc gia cũng như các quốc gia cùng theo đuổi. Các luật chơi để các quốc gia cùng tồn tại, chung sống và phối hợp với nhau sẽ tự hình thành qua quá trình tương tác qua lại.

Một phần của tài liệu Vai trò của ASEAN trong trật tự đông á tới năm 2020 và định hướng chính sách đối ngoại của việt nam (Trang 32 - 35)