- Nhãn quan khu vực và chính sách của ASEAN: Là tổ chức của các nước vừa và nhỏ, ưu tiên trước hết của ASEAN là thích ứng với trật tự khu vực
14 Đây là chủ đề của ASEAN năm 2011, khi In-đô-nê-xia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN
ASEAN không những là một lực lượng nòng cốt trong trật tự khu vực trong tương lai, mà còn cụ thể hóa trật tự đó: (1) có tính “mở”, hàm ý tất cả các quốc gia khu vực đều có thể tham gia đóng góp vào xây dựng trật tự khu vực; (2) có tính “minh bạch”, hàm ý không có quốc gia hoặc nhóm quốc gia nào được độc quyền ra quyết định hoặc xây dựng luật chơi mà mọi vấn đề của khu vực phải được bàn bạc và quyết định một cách công khai; và (3) có tính “bao hàm”, hàm ý trật tự khu vực không đi ngược lại lợi ích của quốc gia nào, mà sẽ tính tới lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia trong khu vực. Các đặc tính trên thể hiện rất rõ tính chất “cộng đồng” của trật tự mà ASEAN thúc đẩy.
ASEAN còn thể hiện nhãn quan khu vực của mình trong các cơ chế hợp tác Đông Á khác. Báo cáo của Nhóm Tầm nhìn Đông Á (trong đó có các nước ASEAN tham gia) thông qua năm 2001, được xây dựng bởi ASEAN và ba nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đưa ra tầm nhìn chung cho một Cộng đồng Đông Á được chuyển hóa từ một khu vực bao gồm các quốc gia thành một cộng đồng thân thiện, gắn bó trong đó có sự chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ khát vọng và có số phận song hành. Cộng đồng Đông Á sẽ cởi mở và hợp tác. Mục tiêu của Cộng đồng Đông Á là duy trì hòa bình, ổn định; thúc đẩy hợp tác kinh tế; thúc đẩy an ninh con người; thúc đẩy hợp tác văn hóa xã hội và xây dựng bản sắc cộng đồng Đông Á riêng [178].
ASEAN nhìn nhận cơ chế ASEAN+3 là phương tiện chính để xây dựng
Cộng đồng Đông Á, hàm ý Cộng đồng Đông Á sẽ chỉ bao hàm các nước ASEAN và 3 nước Đông Bắc Á, trong khi quá trình hợp tác Đông Á thì có thể mở rộng ra với các nước ngoài khu vực Đông Á [170]. Cơ chế Hội nghị Cấp cao Đông Á không có mục đích tiến tới xây dựng Cộng đồng, mà chỉ là một diễn đàn của các nhà Lãnh đạo khu vực trao đổi về các vấn đề chiến lược, chính trị và kinh tế mà các nước trong khu vực có lợi ích chung để bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng kinh tế ở khu vực [171].
Là tổ chức liên chính phủ, không tạo ra một thể chế siêu quốc gia, ASEAN không có chính sách đối ngoại chung. Chính sách đối ngoại của các nước thành viên ASEAN do từng nước thành viên quy định. Cho dù ASEAN có đưa ra được chính sách đối ngoại chung thì cũng không có bộ máy để thực hiện chính sách đó, như một quân đội hay một cơ quan ngoại giao chung của khu vực như Cộng đồng châu Âu. Năng lực tài chính của ASEAN cũng hạn hẹp thậm chí cho cả việc vận hành bộ máy của ASEAN nên khó sử dụng công cụ ngoại giao kinh tế trong đối ngoại. Tuy nhiên, qua các các Tuyên bố cấp cao, các Thông cáo báo chí của các Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN cho thấy ASEAN cũng có một số định hướng chung cho các vấn đề đối ngoại của cả khối, đó là:
+ Quan hệ đối ngoại của ASEAN phải phục vụ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các chương trình hành động chung của ASEAN với các đối tác đều được xây dựng trên cơ sở Chương trình hành động xây dựng Cộng đồng ASEAN. Sau khi hoàn tất xây dựng Cộng đồng ASEAN vào 2015, ASEAN và các đối tác sẽ tiếp tục mở rộng Cộng đồng ASEAN và xây dựng cộng đồng Đông Á trên cơ sở một số chuẩn mực và nguyên tắc cơ bản của ASEAN đã được các nước đối tác nhất trí, như các nguyên tắc nêu trong TAC, trong tuyên bố tầm nhìn Đông Á (EAS).
+ Quan hệ đối ngoại của ASEAN thực hiện cân bằng, theo chủ thuyết “cân bằng linh hoạt”. ASEAN với tư cách cả khối sẽ không tỏ ra quá gần với
nước lớn nào. Trên các diễn đàn của ASEAN như ARF, EAS... ASEAN sẽ tiếp tục có vai trò chủ đạo, không để nước lớn nào có vai trò quá nổi bật, thao túng. ASEAN vẫn tiếp tục chủ trương xây dựng khu vực độc lập, tự cường, tự do và trung lập theo tinh thần của Tuyên bố Khu vực Hòa bình, tự do và Trung lập (ZOPFAN).
+ ASEAN phải giữ vai trò trung tâm của cấu trúc khu vực, phấn đấu có tiếng nói chung trong các vấn đề khu vực và quốc tế, nhất là các vấn đề có ý nghĩa sát sườn đối với khu vực. ASEAN sẽ giữ quyền quyết định chương trình
nghị sự và tổ chức các hội nghị tại các nước ASEAN. ASEAN sẽ phấn đấu có tiếng nói trong các vấn đề an ninh của khu vực, kể cả các vấn đề “nóng” như Biển Đông, tranh chấp chủ quyền giữa hai nước thành viên.
+ ASEAN tiếp tục xây dựng và củng cố các chuẩn mực khu vực và quốc tế ởĐông Á, tiếp tục thúc đẩy xây dựng các thể chế khu vực thông qua các cơ chế
do ASEAN chủ đạo. ASEAN phấn đấu đưa các chuẩn mực của Hiến chương ASEAN vào hoạt động thực tiễn và mở rộng các chuẩn mực đó áp dụng cho khu vực Đông Á.
+ Phấn đấu điều phối lập trường của ASEAN trong các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc; ASEM, APEC... nâng cao tiếng nói của ASEAN và
quảng bá cho ASEAN trên trường quốc tế, giao Tổng thư ký ASEAN nhiệm vụ quảng bá cho hình ảnh của ASEAN; mở rộng đối thoại với các khu vực khác; phấn đấu hiện diện với tư cách cả khối trong các cơ chế mới nổi lên như G20.
- Nhãn quan và chính sách của một số nước khác trong khu vực: Các quốc gia khu vực khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Nga đều có lợi ích và vai trò ở khu vực Đông Á, song chủ yếu tác động tới trật tự khu vực bằng cách tham gia đóng góp vào ba dạng thức trật tự đã nêu ở trên. Các nước lựa chọn hình thức, mức độ và nội dung tham gia phù hợp nhất với lợi ích của mình.
Nhật Bản một mặt vẫn lấy quan hệ đồng minh với Mỹ làm nền tảng cho an ninh của mình, trong một vài năm gần đây nỗ lực củng cố quan hệ liên minh với Mỹ. Nhật tiếp tục làm chỗ dựa chính để Mỹ thực hiện chính sách tái cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương, duy trì trật tự tự do ở khu vực. Mặt khác, Nhật hiểu rõ vai trò của Mỹ ở khu vực sẽ giảm dần, do vậy tìm cách củng cố thực lực quốc phòng, xem xét lại chính sách quốc phòng, kể cả khả năng sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp, 15 tìm biện pháp tăng cường hợp tác an ninh với các nước