4. CÁC QUAN ĐIỂM ĐỊNH HƯỚNG KINH DOANH
4.3. Quan điểm hướng vào bán hàng
Những người theo quan điểm này cho rằng: Với một đội ngũ bán hàng giỏi thì với bất cứ sản phẩm nào sản xuất ra cũng sẽ tìm được đủ lượng khách hàng mua. Khách hàng luôn hài lòng với cái mình mua được
Những người này tin rằng tập trung mọi nỗ lực vào việc bán hàng, khuyếch trương sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ thì doanh nghiệp sẽ thành công.
Quan điểm này thường có hiệu quả trong trường hợp sản phẩm hoặc dịch vụ là những thứ mà khách hàng không nghĩ đến sẽ mua. Ví dụ: dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ du lịch; bộ từ điển bách khoa; các sản phẩm như quần áo lỗi mốt. Doanh nghiệp sử dụng quan điểm này thường là những đơn vị có công suất dư thừa (tức là có thể sản xuất ra nhiều hơn lượng mà họ đang tiêu thụ). Họ muốn tận dụng hết công suất máy móc để sản xuất mà ít chú ý tới việc sẩn xuất theo nhu cầu thị trường.
Quan điểm hướng về bán hàng quan tâm đến vấn đề tăng doanh số hơn là quan tâm đến mối quan hệ với khách hàng. Cho rằng khách hàng sẽ hài lòng với hàng hoá đã mua là một suy nghĩ thiển cận. Vì thực tế nhiều khách hàng mua hàng do tác động của các biện pháp khuyếch trương, nếu họ không hài lòng thì lần sau họ sẽ không mua sản phẩm đó nữa và thậm chí những sản phẩm khác của doanh nghiệp có thể cũng bị từ chối do cảm thấy bị lừa gạt.
Các quan điểm hướng vào sản xuất, hướng vào hoàn thiện sản phẩm, hướng vào bán hàng là những quan điểm thuộc marketing cổ điển nó bỏ qua những khái niệm cơ bản của marketing. Tuy nhiên nó vẫn tồn tại và vẫn phát huy tác dụng tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Với các quan điểm này các doanh nghiệp chưa thực sự đi vào vấn đề cơ bản là đáp ứng, thoả mãn nhu cầu, mong muốn của khách hàng.