II. Một số hướng tiếp cận tư duy trong tâm lý học
2.9. Yếu tố cảm xúc trong dạy học môn Toán
Một số người thường cho rằng môn Toán là một môn học khô khan vì chỉ làm việc với những con số, các hình, các suy luận chặt chẽ. Đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Chính vì quan niệm đó mà một số thầy giáo dạy Toán của chúng ta vô tình coi nhẹ việc dạy yếu tố cảm xúc trong quá trinh dạy học môn Toán,...
Trong khi điểm qua các cách tiếp cận dạy học trí tuệ, đặc biệt là tiếp cận theo lý thuyết hoạt động, tiếp cận theo lý thuyết kiến tạo, chúng ta đã nhận thấy vai trò của mối quan hệ giữa yếu tố chủ thể với yếu tố sinh học và môi trường xã hội, tạo nên sự phát triển của trí tuệ cá nhân, thông qua hoạt động của chủ thể. Khi nói đến chủ thể, là phải đề cập nhiều lĩnh vực của nhân cách cá nhân: xu hướng, hứng thú, nhu cầu, sự say mê, ý chí, nghị lực,... Đặc biệt, những năm gần đây, trong số các yếu tố của chủ thể có ảnh hưởng trực tiếp tới trí tuệ, vấn đề cảm xúc được quan tâm đề cập nhiều hơn.
Vấn đề quan hệ giữa cảm xúc và trí tuệ là không đơn giản. Cảm xúc không chỉ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến trí tuệ, bằng cách trực tiếp tác động tới quá trình hành động của chủ thể. Ngược lại, sự tham gia trực tiếp của các yếu tố trí tuệ vào việc nhận thức và kiểm soát các quá trình xúc cảm của chủ thể và của người khác trong hoạt động giao tiếp đã dẫn đến một loại trí tuệ: “trí tuệ cảm xúc’’. Nói cách khác, cảm xúc và trí tuệ là hai mặt của một hành động cá nhân. Khi đề cập tới mối quan hệ giữa cảm xúc và trí tuệ người ta thường tách ra hai khía cạnh: (1) ảnh hưởng của cảm xúc tới sự hình thành, phát triển trí tuệ, (2) trí tuệ cảm xúc và vai trò của nó trong hoạt động cá nhân. Sự tách biệt này chỉ là tương đối. Ở đây, trí tuệ là trí tuệ nói chung, từ những quan điểm này học viên suy nghĩ vận dụng cụ thể vào dạy học môn toán, phát triển tư duy, trí tuệ toán học.