III. NHU CẦU VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TOÁN Ở VIỆT NAM
5.4.3.4. Dạy cách đọc sách
Ở trường ĐHSP muốn học tập, nghiên cứu có kết quả cao, sinh viên phải có ý thức đọc sách, đọc tài liệu khoa học, đặc biệt là những cuốn sách chuyên khảo, tạp chí chuyên ngành, báo chí v.v…. Việc làm đó không chỉ vì mục đích hoàn chỉnh những kiến thức đã tiếp thu được mà điều quan trọng là sinh viên tự rèn luyện được cách học, cách đọc những tài liệu khoa học, phân biệt được sự đúng sai với thái độ có phê phán. Lợi ích đó không chỉ có ý nghĩa trong thời gian đào tạo tại trường mà còn có giá trị to lớn trong quá trình thực hành nghề nghiệp và học suốt đời sau này. Đây là công việc được coi trọng hàng đầu trong quá trình học tập. Phải biết cách đọc sách. Cần phải đọc sách vì đó là nguồn cung cấp kiến thức phong phú, là người thầy trung thành của mỗi sinh viên. Đọc sách không chỉ thu lượm được những điều quý báu về nội dung mà còn học được cách diễn đạt và trình bày từng vấn đề, đặc biệt là việc nâng cao phẩm chất tư duy.
Thông thường, người ta chia thành hai loại đọc: đọc lướt qua để có được một cách nhìn khái quát chung nhất về nội dung tư tưởng và tính nghệ thuật của cuốn sách; đọc chậm có suy nghĩ, nghiền ngẫm, nghiên cứu từng phần nội dung cụ thể. Tùy theo mức độ yêu cầu mà sinh viên có thể lựa chọn cách đọc thích hợp. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong thời đại ngày nay và sự bùng nổ thông tin đặt ra cho sinh viên vấn đề là phải biết lựa chọn sách để đọc. Trong khi đọc cần xác định cho mình các nhiệm vụ cụ thể : Một là, hiểu và nắm nội dung đã học. Hai
là, suy nghĩ về những điều đã học. Ba là, ghi chép những điều cần ghi nhớ. Bốn là,
cần phải tự hỏi xem cuốn sách vừa đọc đã đem đến cho mình điều gì mới, giải quyết được vấn đề gì.
Khi tiếp cận một cuốn sách, sinh viên cần thực hiện theo các bước sau: Đọc ngay phần giới thiệu hay lời tựa để nắm tư tưởng cốt lõi của cuốn sách; Đọc phần mục lục để có sự khái quát chung về cuốn sách; Đọc từng phần cụ thể, đọc lướt rồi đọc sâu; Rút ra những nhận xét về nội dung và nghệ thuật trình bày của cuốn sách.
Trong trường hợp đọc nhiều cuốn sách của cùng một tác giả thì phải chú ý đọc kỹ và nắm chắc cuốn sách thể hiện phương pháp luận khoa học của tác giả đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đọc các cuốn sách sau.
Một trong những khâu quan trọng để nâng cao hiệu quả việc đọc tài liệu là sự chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cần thiết để sẵn sàng ghi chép. Sự chuẩn bị này làm tăng thêm sự tập trung tư tưởng trong lúc đọc sách.
Có nhiều hình thức ghi chép và mỗi loại có yêu cầu cụ thể riêng. Ví dụ, nếu định ghi chép để làm tư liệu trích dẫn thì phải ghi nguyên văn lời của tác giả kèm theo vị trí số trang, nhà xuất bản, năm xuất bản, tên tác giả và tác phẩm. Nếu tài liệu ấy nằm trong một hệ thống nhất định của các tác giả kinh điển thì còn phải ghi toàn tập hay tuyển tập, tập số mấy. Nếu việc ghi chép nhằm để nắm được những nội dung cơ bản của tác phẩm thì có thể ghi theo kiểu luận đề, tức là ghi tóm tắt nội dung tài liệu bằng lời lẽ, hành văn , công thức, sơ đồ của bản thân, không phụ thuộc vào từ ngữ, câu văn của tác giả. Cách ghi này đòi hỏi phải có sự suy nghĩ sâu sắc và sáng tạo.
Sự tích lũy hồ sơ nghề nghiệp
Việc tích lũy tư liệu, hồ sơ nghề nghiệp dạy toán THPT là biểu hiện tính tự học, học suốt đời của sinh viên. Muốn có được tập hồ sơ nghề nghiệp phong phú sinh viên phải làm việc thường xuyên, liên tục, tận dụng mọi thời cơ, đặc biệt là những lúc học tập, nghiên cứu trong thư viện hoặc trên mạng internet. Nội dung tích lũy tư liệu, hồ sơ nghề nghiệp rất phong phú:
- Sinh viên xây dựng tủ sách toán, nghiệp vụ sư phạm toán của bản thân; - Sưu tầm tích lũy tư liệu lịch sử toán học, các bài toán vui, bài toán cổ,…
Tích lũy được hồ sơ nghề nghiệp là vô cùng quý báu, đòi hỏi sự kiên trì, công phu, nhưng biết sử dụng nó một cách hợp lý, hữu ích là một việc làm không đơn giản. Tư liệu được tích lũy không phải lúc nào cũng dùng được ngay, có khi vài năm sau, thậm chí hàng chục năm mới sử dụng đến mà vẫn còn nguyên ý nghĩa. Nếu không có quan điểm như vậy, nhiều khi sinh viên sẽ bỏ qua những thông tin, tư liệu rất quý vì chỉ nhìn một cách trực tiếp, chưa thấy cần thiết nên không ghi chép. Chính điều đó đòi hỏi sinh viên phải có nhãn quan nghề nghiệp, tư duy trực giác sâu sắc thì mới nhạy cảm phát hiện ra những thông tin, tư liệu có giá trị cần ghi chép để tích lũy đưa vào hồ sơ nghề nghiệp