Để thực hiện chức năng xã hội, Nhà nước ta đã xây dựng hàng loạt hệ thống các chính sách xã hội. Chính sách xã hội của nhà nước nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống con người, đến lợi ích của các nhóm con người, các tầng lớp… trong xã hội phù hợp với mục tiêu của giai cấp, chính đảng cầm quyền. Chính sách xã hội luôn gắn với một chế độ chính trị- xã hội nhất định, luôn phản ánh ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, thể hiện bản
chất nhà nước, thông qua các phương thức, biện pháp thực hiện chúng trong quá trình nhà nước tác động, can thiệp vào lĩnh vực xã hội của đời sống xã hội. Có thể nói, chính sách xã hội chỉ được thực hiện có hiệu quả khi được thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật và được bảo đảm thực hiện bởi cơ chế pháp luật thích hợp và pháp luật là hình thức quan trọng nhất trong việc thể hiện chính sách xã hội của Nhà nước. Chính sách xã hội là một hệ thống các chính sách bao gồm nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc xây dựng, thực hiện các chính sách xã hội nhằm mục đích vì con người đã được thể hiện tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (1986): "chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của đời sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hóa, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc…" [9]. Như vậy, chính sách xã hội của Nhà nước đã được hiểu ở phạm vi rộng hơn, bao gồm nhiều lĩnh vực của đời sống con người, điều tiết các lợi ích xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội nóng bỏng, bảo đảm sự ổn định và phát triển theo hướng tiến bộ, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân.
Đại hội Đảng lần thứ IX và các Hội nghị Trung ương Khóa IX đã cụ thể hóa và bổ sung các quan điểm về chính sách xã hội của Đại hội VIII, với những mục tiêu cơ bản: Giải quyết chính sách xã hội phải gắn liền với quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong giải quyết các chính sách xã hội, Nhà nước vừa là người điều tiết, vừa là nhà đầu tư. Đề cao vấn đề công bằng trong việc hưởng thụ các dịch vụ xã hội, đặc biệt là trong thụ hưởng dịch vụ giáo dục và chăm sóc y tế, những vùng còn khó khăn có cơ hội được chăm sóc tốt hơn. Nhà nước ta đã và đang cố gắng xã hội hóa việc giải quyết các vấn đề xã hội, động viên toàn xã hội tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Việc thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước ta theo xu hướng phát triển và lành mạnh hóa xã hội, thực hiện công bằng trong phân phối, tạo động lực mạnh mẽ phát triển sản xuất, khuyến khích tăng năng suất lao động xã hội, phấn đấu bình đẳng trong các quan hệ xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân làm giàu chính đáng.
Đại hội Đảng lần thứ X của Đảng xác định rõ trách nhiệm:
Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng; phát triển mạnh hệ thống bảo hiểm xã hội, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, tạo cơ hội cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Xây dựng chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi. Thực hiện tốt các chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, các chính sách ưu đãi xã hội [16].
Những vấn đề xã hội đã được Đại hội Đảng lần thứ X nhận thức và giải quyết toàn diện cả ở góc độ mục tiêu và hệ thống giải pháp trong tổng thể các chính sách phát triển, mà ở đó con người thực sự là trung tâm, là động lực và mục tiêu của phát triển xã hội bền vững. Đặc biệt trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Phát triển nền kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi với các quốc gia khác trên thế giới. Đồng thời, tiến hành cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ yên tâm công tác. Chính sách xã hội của Nhà nước ta là sự cụ thể hóa đường lối chính sách của Đảng Cộng sản với mục đích cao nhất là thỏa mãn các nhu cầu ngày càng tăng về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định việc xây dựng và thực hiện một chính sách xã hội đúng đắn, công bằng, con người là trung tâm của xã hội.
Nhà nước ta luôn cố gắng bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và hoàn thiện hệ thống an
sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với đất nước, đồng thời cải thiện điều kiện sống, lao động và học tập của thanh, thiếu niên, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nhà nước cũng như nhân dân luôn quan tâm chăm lo đời sống những người già cả, neo đơn, tàn tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi. Hạn chế, tiến tới đẩy lùi và giảm tác hại của tệ nạn xã hội.
Cùng với sự biến đổi của nền kinh, xu thế dân chủ hóa và đòi hỏi của nhân dân đối với Nhà nước trong việc cung ứng dịch vụ công ngày càng cao hơn, Nhà nước phải thể hiện trách nhiệm phục vụ nhân dân thể hiện bằng các hoạt động cung ứng dịch vụ công cho các tổ chức và công dân. "Bộ máy hành chính nhà nước xây dựng theo hướng bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc, cung cấp dịch vụ công" [14, tr. 338].
Qua hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã tạo những tiền đề và động lực mạnh mẽ đối với việc, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung, đổi mới và nâng cao hiệu quả việc thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước nói riêng.
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước ta theo hướng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một quá trình tương đối lâu dài với những bước đi vững chắc gắn liền với quá trình đổi mới kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị. Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của Nhà nước và nhân dân ta, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân sẽ được tiếp tục được hoàn thiện và trở thành hiện thực ở Việt Nam.
Như vậy, chức năng xã hội của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền là phương diện hoạt động cơ bản của Nhà nước thể hiện bản chất chính trị - xã hội của Nhà nước trong việc thực hiện các trách nhiệm, nhiệm vụ xã hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định.