Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền thì vấn đề lao động, việc làm là một trong những quyền cơ bản của con người. Thời gian qua, giải quyết việc làm luôn được Việt Nam coi là nhiệm vụ quan trọng và là một trong các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hiến pháp 1992 đã quy định tại Điều 55: "Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động" [51].
Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người đang trong độ tuổi lao động và mỗi năm lại có thêm 1,0 triệu người tham gia vào thị trường này. Đây vừa là lợi thế vừa là thách thức trong vấn đề việc làm cho nhà nước. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua càng làm cho nhu cầu việc làm trở nên bức xúc. Các hội chợ, phiên chợ, điểm hẹn, sàn giao dịch việc làm..., được tổ chức liên tục ở nhiều nơi. Hàng trăm trung tâm và hàng nghìn doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, mỗi năm đáp ứng nhu cầu cho
hàng triệu lượt người. Đáp ứng nhu cầu về lao động và việc làm, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức ngày hội việc làm, tích cực nhất là các tỉnh, thành đoàn, các trường đại học, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, các khu công nghiệp, các tổ chức hội nghề nghiệp và một số cơ quan báo chí. Trong đó, Đài Tiếng nói Việt Nam năm 2009 lần đầu tiên tổ chức Ngày hội việc làm trên sóng phát thanh. Và ngày 11/3/2010, hoạt động có ý nghĩa lớn này được thực hiện lần thứ hai, tạo cơ hội cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Đó là đông đảo thanh niên, phụ nữ, là những nhóm lao động chuyên ngành đặc thù; có cả nhóm lao động yếu thế, thiếu cơ hội học tập, lao động ở các vùng thường xuyên gánh chịu thiên tai, dịch bệnh và cả người tàn tật. Ngày hội việc làm trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam cũng góp phần đưa thông tin đến lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi cao, tạo cơ hội cho họ tìm được việc làm phù hợp. Việt Nam luôn chú trọng và ưu tiên phần vốn ngân sách nhà nước cho chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm.
Kết quả đầu tư ngân sách nhà nước đối với chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm như sau: Năm 2006 ngân sách nhà nước đầu tư cho chương trình là 265 tỷ đồng; năm 2007 là 300 tỷ đồng; năm 2008 là 327 tỷ đồng; năm 2009 là 413 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước cho chương trình việc làm tăng đều qua các năm, trong đó bổ sung quỹ vốn vay giải quyết việc làm hàng năm tăng khá: năm 2006 bổ sung quỹ vốn vay giải quyết việc làm là 235.000 triệu đồng; năm 2007: 250.000 triệu đồng; năm 2008: 250.000 triệu đồng; năm 2009: 313.000 triệu đồng. Năm 2006 - 2007 tạo việc làm cho hơn 3,2 triệu lao động, ước tính năm 2008 tạo việc làm cho 1,615 triệu lao động (đạt 95% kế hoạch). Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị hàng năm đều giảm (năm 2006: 5,1%; năm 2007: 4,91%, năm 2008: ước đạt 4,9%). Tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn giảm dần (năm 2006: 5,86%; năm 2007: 5,79%, năm 2008: ước đạt 5,75%) [26].
Tuy nhiên, nguồn nhân lực Việt Nam chưa đạt yêu cầu và còn yếu so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ lao động được đào tạo của nước ta tuy vẫn tăng đều qua các năm nhưng đến nay vẫn chỉ đạt 24% tổng lao động. Tỷ lệ đào tạo lao động có bằng cấp còn thấp và chưa tương ứng với nhu cầu lao động có đào tạo cho phát triển kinh tế. Cơ cấu đào tạo theo ngành nghề, theo trình độ còn nhiều bất cập.
Chất lượng thấp làm lao động Việt Nam mất thế cạnh tranh, ngay cả ở thị trường lao động nội địa. Với chất lượng nguồn nhân lực như hiện tại, khi hội nhập với thị trường lao động quốc tế, lao động Việt Nam sẽ mất lợi thế và phải chấp nhận nhiều thiệt thòi. Năng suất lao động của Việt Nam hiện tại còn thấp, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế. Trong điều kiện tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 2 năm đầu của kế hoạch 2006 - 2010 là tương đối khả quan nhưng năng suất lao động của nền kinh tế vẫn không được cải thiện nhiều thì sự chững lại của tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 và có thể cả trong một vài năm tiếp theo sẽ còn làm chậm hơn nữa tốc độ tăng của năng suất lao động. Xuất khẩu lao động của Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng lao động.
Theo thống kê, lao động xuất khẩu qua đào tạo ngày càng tăng, năm 2006 là 31,9%; năm 2007 là 34,5% lao động có tay nghề tăng từ 35% (năm 2003) lên 50% (năm 2008). Các hoạt động về xuất khẩu lao động từng bước có hiệu quả và đi vào nề nếp, đã tạo cho người lao động xuất khẩu có thu nhập gửi về gia đình, tính bình quân mỗi năm, người lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước từ 1,6 tỷ USD đến 2 tỷ USD, riêng thị trường Hàn Quốc với gần 50.000 lao động, mỗi năm gửi về nước trên 700 triệu USD, Nhật Bản hơn 300 triệu USD [56].
Tạo việc làm và xuất khẩu lao động hiện nay là nhiệm vụ quan trọng vừa vì an sinh xã hội, vừa là động lực của sự phát triển, nhưng thực tế đang
đứng trước thử thách, đòi hỏi sự cạnh tranh cao về lao động và việc làm. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo toàn thế giới năm 2009 cắt giảm khoảng 210 triệu chỗ làm việc chủ yếu là những lĩnh vực lâu nay là thế mạnh của lao động Việt Nam như xây dựng, dịch vụ, chế tạo, sản xuất. Đứng trước tình hình kinh tế trong nước và thế giới hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đặt ra mục tiêu giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động giai đoạn 2009 - 2010: Tạo việc làm cho từ 3 đến 3,2 triệu lao động; duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị ở mức 5%, giảm tỷ lệ lao động làm việc ở khu vực nông nghiệp xuống còn dưới 50% năm 2010; Về xuất khẩu lao động, bình quân mỗi năm đưa được khoảng 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 60% lao động qua đào tạo nghề, có từ 5% - 10% là lao động ở những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao…
Để đạt được những mục tiêu trên đây, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp có tính khả thi, trong đó việc quan trọng hàng đầu là tập trung nghiên cứu, hoạch định chiến lược về cung cầu lao động, nâng cao năng lực dự báo, phân tích về lao động, việc làm. Đồng thời chú trọng tăng nguồn lực đầu tư cho giải quyết việc làm trong nước và xuất khẩu lao động, đặc biệt chú trọng đối tượng nghèo; tăng cường đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động trong nước và thị trường lao động nước ngoài, chú trọng đến yếu tố ngoại ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán, pháp luật của nước sở tại cho lao động Việt Nam khi xuất khẩu lao động; tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý tốt mối quan hệ giữa nước ta với các nước tiếp nhận lao động, bảo vệ quyền lợi người lao động xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu lao động ở 61 huyện nghèo nhất cả nước. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về lao động, việc làm và xuất khẩu lao động cần tiến hành thường xuyên để mọi người dân nắm được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời nhất thiết phải công khai, minh bạch về tuyển dụng, các khoản chi phí để được đi lao động ở nước ngoài. Trong nhà nước pháp quyền, việc bảo vệ quyền và lợi ích của
người lao động được Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động xuất khẩu là củng cố các đơn vị, doanh nghiệp làm nhiệm vụ xuất khẩu lao động, kiên quyết xử lý những nơi những cơ sở yếu kém, vi phạm pháp luật, lừa đảo người lao động.
Đặc biệt, việc gia nhập WTO đã tạo điều kiện mở rộng thị phần quốc tế cho các sản phẩm Việt Nam và thúc đẩy thương mại phát triển. Việt Nam có cơ hội xuất khẩu những mặt hàng tiềm năng ra thế giới nhờ được hưởng những thành quả của các vòng đàm phán giảm thuế và hàng rào phi thuế, tăng cường tiếp cận thị trường của WTO, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng dệt may và nông sản. Cơ hội xuất khẩu bình đẳng có những ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, sản xuất sẽ được mở rộng và tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Người lao động cơ hội gia tăng các giá trị tài sản vô hình cho bản thân và các doanh nghiệp thông qua các hoạt động hợp tác, chuyển giao công nghệ với các nước có nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới. Đó là các chuẩn mực, mô hình hệ thống tổ chức quản lý hiện đại được áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất…
Việc gia nhập WTO tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động và nâng cao chất lượng nhân lực cho lao động của Việt Nam, đặc biệt là lao động kỹ thuật trình độ cao. Việt Nam gia nhập WTO sẽ đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, sẽ có một lượng lớn lao động nông nghiệp, thanh niên nông thôn nhàn rỗi, thiếu việc làm tham gia vào hoạt động kinh tế trong các doanh nghiệp, các hộ gia đình, đơn vị kinh doanh cá thể… Điều này đồng nghĩa với mang lại nhiều cơ hội thay đổi công việc và tăng thu nhập cho một bộ phận lớn lao động nông nghiệp hiện nay. Hơn nữa, sự phát triển nhanh chóng về công nghệ và thiết bị sản xuất và các hoạt động trao đổi chuyên gia giữa các nước với Việt Nam sẽ làm cho trình độ chuyên môn kỹ thuật. Hợp tác quốc tế về lao động có cơ hội phát triển, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nhân lực, để có thể làm chủ các công nghệ và thiết bị tiên tiến trên thế giới. Thông qua các dự án hợp tác đầu tư của các tập đoàn lớn trên
thế giới vào Việt Nam, sẽ tạo thêm nguồn lực vật chất cho phát triển nguồn nhân lực và các nguồn tài chính dồi dào hơn cho việc đổi mới công nghệ và thiết bị của các ngành kinh tế.
Việc hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy việc thiết lập cơ cấu lao động theo định hướng thị trường. Đó là những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Trong khi những lao động không có chuyên môn kỹ thuật phải được cắt giảm. Tạo điều kiện cho nhân lực lao động của nước ta tham gia sâu rộng hơn vào phân công và hợp tác lao động quốc tế. Đặt nền móng cho việc tạo việc làm một cách ổn định và bền vững.
Hơn nữa, các chính sách của Nhà nước đối với thu nhập của dân từ trước đến nay chủ yếu mới chỉ chú trọng vào đối tượng là cán bộ, công chức và người lao động trong các doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số người lao động, chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thu nhập của đai bộ phận dân cư, trong đó tập trung chủ yếu trong khu vực nông nghiệp và nông thôn.
Để chính sách tiền lương phù hợp với thực tế hiện nay và những năm tiếp theo, trước tiên, Nhà nước cần cơ cấu lại các khoản chi từ ngân sách, nhằm tiết giảm tối đa các khoản chi không cần thiết, từ đó tạo nguồn chi mới cho cải cách tiền lương. Đẩy mạnh tăng thu ngân sách nhà nước để tăng chi tiền lương cho cán bộ, công chức theo lộ trình và phương án tăng lương tối thiểu của từng thời điểm. Một giải pháp khác trong đổi mới chính sách tiền lương cũng được nhiều địa phương áp dụng thí điểm thời gian qua, đó là khoán biên chế và kinh phí hoạt động hành chính. Về lâu dài tiến tới áp dụng rộng rãi và mở rộng các loại hình dịch vụ hậu cần hoạt động của các cơ quan hành chính để giảm chi, tăng nguồn cho quỹ tiền lương, đáp ứng các mục tiêu của việc đổi mới chế độ tiền lương. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho công chức theo hướng thiết lập mặt bằng thu nhập theo phần cứng (trả lương theo năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng công việc) và phần mềm (các khoản phụ cấp, trợ cấp trượt giá, khu vực…). Kéo giảm
khoảng cách mức lương tối thiểu và thu nhập giữa lương công chức khu vực hành chính với thu nhập của người lao động ở khu vực doanh nghiệp.
Tiền lương phải là một động lực chủ yếu để công chức gắn bó với cơ quan nhà nước, tận tụy với công vụ, có điều kiện thăng tiến dựa vào tài năng, trí tuệ của chính mình. Tiền lương của công chức phải được trả đúng, trả đủ giá trị sức lao động mà họ đã bỏ ra, qua đó tạo động lực cho họ làm hết trách nhiệm của mình, không gây nhũng nhiễu, phiền hà dân và luôn tận tình, hết mình trong giải quyết các công việc liên quan đến dân.