Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hiện các chức năng xã hộ

Một phần của tài liệu Các chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền (Trang 97 - 102)

chức năng xã hội

Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, mặc dù điều chỉnh pháp luật về chính sách đã có bề dày lịch sử, nhưng thực tiễn cho thấy đây là một lĩnh vực quan hệ xã hội rộng lớn, có tính độc lập, đòi hỏi cần có cơ chế điều chỉnh riêng biệt, thống nhất, phù hợp với đối tượng điều chỉnh của nó. Khung pháp luật về chính sách xã hội bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách xã hội do các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ta ban hành và cả các điều ước quốc tế về lĩnh vực này mà Việt Nam ký kết. Để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội chúng ta cần nghiên cứu xây dựng Bộ luật chung về an sinh xã hội nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho một hệ thống an sinh xã hội chung, bảo đảm mức an sinh tối thiểu cho các thành viên trong xã hội.

Quốc hội đã ban hành Luật Bảo hiểm xã hội (bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp) và Luật Bảo hiểm y tế. Đây là các đạo luật đầu tiên ở Việt Nam thể chế hóa ở mức cao một nhu cầu rất cơ bản về an sinh xã hội của con người. Tuy vậy, hệ thống an sinh xã hội bao gồm nhiều bộ phận cấu thành, nhưng đến nay các bộ phận này chưa được thể chế hóa ở mức cao nhất, tức chưa được luật hóa. Do đó, định hướng hoàn thiện pháp luật về chính sách xã hội theo xu hướng xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành liên quan đến chính sách xã hội như: Luật Việc làm, Luật Lương tối thiểu, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội và các luật có liên quan khác… nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo tính ổn định cho các bộ phận cấu thành của khung pháp luật về chính sách xã hội;

Trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội, ngoài việc phải đảm bảo tính đồng bộ cũng cần xác định ưu tiên những lĩnh vực pháp luật nhất định trong từng giai đoạn. Cụ thể như sau:

- Lĩnh vực lao động:

Trong quá trình hội nhập, hệ thống pháp luật lao động Việt Nam cần hoàn thiện theo hướng khắc phục những bất hợp lý của các quy định hiện hành, đảm bảo sự hợp lý, tính thống nhất trong điều chỉnh và thực thi pháp luật, đảm bảo sự phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam. Việc điều chỉnh quan hệ lao động, điều tiết thị trường lao động cần giảm sự bảo hộ của nhà nước và chuyển sang quá trình bảo vệ người lao động thông qua tổ chức công đoàn và đại diện người sử dụng lao động.

Sửa đổi, bổ sung pháp luật lao động một cách tổng thể vì hiện nay Bộ luật Lao động phải thực hiện đồng thời nhiều việc như: điều chỉnh quan hệ lao động, bảo vệ người lao động, vệ sinh lao động, chính sách tiền lương, chính sách an sinh xã hội, giải quyết tranh chấp lao động và đình công… Hoàn thiện pháp luật lao động trên cơ sở tiêu chuẩn lao động quốc tế trên cơ sở Công ước ILO, Công ước số 122 về chính sách việc làm, Công ước số 131 về ấn định tiền lương tối thiểu đặc biệt đối với các nước đang phát triển, Công ước của Tổ chức lao động quốc tế liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động. Đổi mới công cụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho những yếu tố thị trường lao động phát triển.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về an sinh xã hội, thống nhất các chế độ bảo hiểm xã hội khác nhau dành cho đối tượng khác nhau, như cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngoài nhà nước, lao động nông thôn thành một chế độ chung, nhằm xóa bỏ sự khác biệt giữa các khu vực, các đối tượng thụ hưởng bảo hiểm. Ưu tiên phát triển sự nghiệp an sinh xã hội nông thôn và cho người lao động ngoài khu vực nhà nước. Hiện nay, chế độ bảo đảm mức sống tối thiểu đã được xây dựng, bước tiếp theo là mở rộng diện bao phủ, đáp

ứng yêu cầu của đa số nhân dân. Đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa mức bảo đảm đời sống tối thiểu ở thành thị và nông thôn, giữa người lao động trong khu vực nhà nước và người lao động ở khu vực ngoài nhà nước.

Xây dựng hệ thống bảo hiểm hưu trí nhiều tầng và nhiều trụ cột để chủ động ứng phó với tình trạng già hóa dân số, cùng với biện pháp nêu trên, có thể xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và thời hạn đóng bảo hiểm. Cần thực hiện nghiêm tuổi nghỉ hưu để giảm số người nghỉ hưu trước tuổi, nâng tuổi nghỉ hưu đối với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định.

Cải cách đồng bộ, giải quyết các vấn đề bức xúc về y tế, cần nhận thức đúng bản chất, tính đặc biệt của dịch vụ y tế. Vì vậy, vai trò của Nhà nước trong quản lý giá cả, chất lượng dịch vụ, thuốc chữa bệnh, bảo đảm việc cung cấp dịch vụ y tế cho người dân là đặc biệt quan trọng. Giải pháp then chốt để giải quyết vấn đề khám chữa bệnh là thúc đẩy cải cách thể chế quản lý y tế, khôi phục tính công ích của các cơ sở khám, chữa bệnh, trọng điểm là cải cách mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh công. Điểm then chốt trong cải cách cơ sở khám, chữa bệnh công là bảo đảm tính công ích của bệnh viện, coi trọng kiểm soát giá cả và nâng cao chất lượng dịch vụ. Để khuyến khích bệnh viện và bác sĩ, chỉ dựa vào đạo đức nghề nghiệp là không đủ, mà còn phải xây dựng chế độ khuyến khích, bảo đảm bác sĩ có đãi ngộ tốt. Minh bạch hóa thu nhập của bác sĩ, phản ánh đúng giá trị của bác sĩ, đồng thời tăng cường giám sát quản lý, xử lý nghiêm những hành vi trái quy định.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của an sinh xã hội đối với sự phát triển bền vững đất nước. Ở đây, cần nâng cao nhận thức không chỉ của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, mà còn của các tổ chức chính trị - xã hội, của chủ sử dụng lao động và bản thân người lao động, các tầng lớp dân cư trong xã hội về vai trò, vị trí của an sinh xã hội. Để thực hiện giải pháp này, công tác giáo dục, đào tạo, các phương tiện truyền thông đại chúng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về an sinh xã hội một cách đồng bộ, đồng thời quyết liệt đưa các văn bản pháp luật vào cuộc sống. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, bổ sung, sửa đổi, hệ thống hóa các văn bản pháp luật hiện có trên cơ sở kế thừa và phát triển chính sách bảo đảm an sinh xã hội hiện hành, xem xét điều kiện kinh tế - xã hội và tham khảo kinh nghiệm của các nước. Cần bảo đảm tính đồng bộ giữa các chế độ an sinh xã hội, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm để mọi người dân đều có quyền hưởng an sinh xã hội. Tạo cơ chế để thực thi nghiêm chỉnh và có hiệu quả các chế độ, chính sách an sinh xã hội trên thực tế.

Cần quan tâm sửa đổi, bổ sung chính sách đối với người có công cũng như người khuyết tật và các đối tượng cần được bảo trợ như phụ nữ, trẻ em, người già…

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế chính sách liên quan đến công tác xóa đói, giảm nghèo. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền để người nghèo nâng cao nhận thức về hoàn cảnh và có quyết tâm thoát nghèo. Thường xuyên xây dựng, triển khai thực hiện các dự án và các chương trình hành động về công tác xóa đói, giảm nghèo. Các doanh nghiệp có chính sách dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho người nghèo. Có cơ chế, biện pháp kiểm tra, giám sát bảo đảm mọi nguồn lực dành cho xóa đói, giảm nghèo được sử dụng đúng mục đích.

-Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo:

Ban hành quy định pháp luật về đổi mới quản lý giáo dục đào tạo, với khối phổ thông và mầm non, tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn với giáo viên, tiếp tục giảm tải chương trình phổ thông. Tập trung triển khai phổ cập mầm non 5 tuổi, chú ý vùng sâu, vùng xa, các đối tượng cần quan tâm. Với giáo dục đại học, tiếp tục phân cấp quản lý nhà nước, tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước với các cơ sở có liên kết với nước ngoài, cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

Nhà nước cũng cần hoàn thiện cơ chế để đẩy mạnh phân cấp trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo cùng với việc giao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục. Cùng với việc giao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục, Nhà nước cần xác lập cơ chế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục và đào tạo. Đây chính là động lực để phát huy tính tự chủ, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, thúc đẩy sự phát triển chung của nền giáo dục và đào tạo.

Nhà nước cần cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp thành cơ chế, chính sách cụ thể. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp là nhân tố đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Nhà nước cần coi việc hoàn thiện chính sách đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các cấp, đặc biệt quan tâm đến lực lượng hiện đang công tác tại các vùng có đồng bào dân tộc, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo làm nhiệm vụ trọng tâm, tiên quyết và làm động lực để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo của công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Trong lĩnh vực môi trường:

Cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường; hình thành chế tài xử phạt đầy đủ, nghiêm minh, có tính răn đe đối với các vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Thực hiện điều chỉnh hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ban hành các tiêu chuẩn môi trường phù hợp với bối cảnh môi trường và phát triển của Việt Nam.

- Trong lĩnh vực y tế:

Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng xây dựng nền y tế theo định hướng chăm sóc sức khỏe toàn dân, toàn diện trên cơ sở kết hợp y tế công và y tế tư, trong đó y tế công giữ vai trò chủ đạo.

Rà soát, sửa đổi bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật theo thẩm quyền để đẩy nhanh việc thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hoàn thiện các quy định pháp luật về cơ chế hoạt động, quản lý tài chính, nguồn nhân lực của các cơ sở y tế công; về quản lý giá thuốc cũng như việc hành nghề y dược tư nhân.

Tăng cường kỷ luật trong quản lý nhà nước về y tế, cải cách thủ tục khám chữa bệnh để giảm thiểu phiền hà cho người dân đồng thời sửa đổi các quy định về viện phí đảm bảo phục vụ được nhu cầu của nhân dân. Nâng cao y đức và trách nhiệm của cán bộ y tế, xử lý các vi phạm pháp luật về y tế.

Hoàn thiện các quy định của pháp luật về y tế dự phòng, cũng như chế độ ưu đãi đặc biệt đối với cán bộ y tế, nhất là cán bộ làm công tác y tế ở những vùng khó khăn.

Một phần của tài liệu Các chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền (Trang 97 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)