Các chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền

Một phần của tài liệu Các chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền (Trang 37 - 42)

nghĩa Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền

Hiện nay, chức năng xã hội của nhà nước ta trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền thực hiện hai nhiệm vụ chính là phục vụ các nhu cầu của xã hội cung cấp các dịch vụ cho xã hội và bảo đảm trật tự công, tổ chức bộ máy công quyền thực hiện chính sách, pháp luật, duy trì trật tự an toàn xã hội. Nhìn chung, việc thực hiện chức năng xã hội của nhà nước ta trong nhà nước pháp quyền cũng đang từng bước chuyển biến về nhận thức và cách thức thực hiện, được thể hiện cụ thể như sau:

Việc phục vụ, đáp ứng các nhu cầu của xã hội: hiện nay trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, Nhà nước ta đang chuyển từ vai trò bảo trợ sang vai trò là nhà cung cấp dịch vụ công cho các tổ chức và công dân trong xã hội. Dịch vụ công là những hoạt động phục vụ các lợi ích chung thiết

yếu, các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức, do nhà nước trực tiếp đảm nhận hay ủy quyền cho các cơ sở ngoài nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm trật tự, lợi ích chung và công bằng xã hội. Với bản chất như vậy, khi tiến hành cung cấp các dịch vụ công để phục vụ xã hội, trước hết nhà nước đã phân loại dịch vụ công, để từ đó xác định loại dịch vụ nào cần phải đảm nhiệm, loại nào cần xã hội hóa, nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát. Quan niệm về dịch vụ công trong điều kiện nước ta có hai loại dịch vụ cơ bản sau đây:

Thứ nhất, loại hình dịch vụ có tính chất công cộng phục vụ các nhu cầu chung, cần thiết của cả cộng động và mỗi công dân. Do tính chất phục vụ các nhu cầu chung của cả cộng đồng, loại dịch vụ này còn được gọi là dịch vụ công cộng. Các dịch vụ công lại có thể phân chia thành dịch vụ xã hội và dịch vụ kinh tế - kỹ thuật:

Dịch vụ xã hội liên quan đến những nhu cầu và quyền lợi cơ bản đối với sự phát triển con người về thể lực và trí lực như y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin…ở Việt Nam, các dịch vụ được gọi là hoạt động sự nghiệp.

Dịch vụ kinh tế - kỹ thuật là loại dịch vụ gắn với các nhu cầu vật chất phục vụ lợi ích chung của xã hội, bao gồm cung ứng điện, nước, giao thông vận tải, vệ sinh môi trường, thủy lợi, xây dựng đường sá, cầu cống, bưu chính viễn thông… Ở Việt Nam, các dịch vụ này do các doanh nghiệp công cung ứng và được gọi là dịch vụ công.

Thứ hai, các hoạt động đáp ứng các quyền tự do, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân. Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Nhà nước tiến hành những hoạt động phục vụ trực tiếp các tổ chức và công dân. Các hoạt động này được gọi là dịch vụ hành chính công mà Nhà nước có trách nhiệm cung ứng cho xã hội để đảm bảo cho xã hội phát triển có kỷ cương, trật tự. Khi cung cấp dịch vụ này, Nhà nước sử dụng quyền lực công để tạo ra dịch vụ như cấp các loại giấy phép, công chứng, chứng thực, hộ tịch, thị thực…Các loại dịch vụ này chỉ có giá trị sử dụng khi các cơ quan nhà nước

xác nhận chúng và Nhà nước không thể chuyển giao cung ứng các dịch vụ này cho tư nhân.

Trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền đối với việc đề cao vai trò của pháp luật ở nước ta hiện nay, dịch vụ hành chính công phải do bộ máy công quyền của nhà nước đảm nhiệm, loại hình còn lại nhà nước nên chủ trương xã hội hóa và chỉ đảm nhiệm trực tiếp một cách hạn chế. Quá trình triển khai thực hiện Nhà nước ta đã bảo đảm thực hiện các nguyên tắc mục đích của dịch vụ công là phục vụ lợi ích chung, nhu cầu thiết yếu của xã hội, vì nhu cầu, lợi ích của công dân, của xã hội nhằm bảo đảm cuộc sống trong khuôn khổ của trật tự công. Đối với các loại hình dịch vụ mà nhà nước tiến hành xã hội hóa, nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm trước công dân và xã hội về các loại dịch vụ này thông qua việc xây dựng cơ sở pháp lý, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động đó theo đúng luật và bảo đảm công bằng xã hội. Đảm bảo công bằng trong việc tiếp nhận và sử dụng các dịch vụ công. Nguyên tắc này đòi hỏi mọi đối tượng được hưởng các dịch vụ công phải được nhà nước phục vụ một cách bình đẳng, có quyền hưởng thụ các dịch vụ công cộng không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, có đóng thuế hay không, giới tính, dân tộc... Với vai trò là người bảo đảm công bằng xã hội, Nhà nước ta có nghĩa vụ quan tâm bảo đảm những mục tiêu chính của dịch vụ công và người dân với tư cách là đối tượng phục vụ của công quyền có quyền yêu cầu nhà nước cung ứng các dịch vụ công một cách bình đẳng.

Về việc bảo đảm, duy trì trật tự công: đối với vấn đề này, Nhà nước ta đang tiến hành đồng bộ trên cả hai mặt xây dựng chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện.

Ðối với việc xây dựng chính sách pháp luật cần phải nhận thức rằng, pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không chỉ chú trọng bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân và công lý mà còn đặc biệt chú trọng đến sự bình đẳng xã hội, công bằng xã hội. Với nhà nước pháp

quyền xã hội chủ nghĩa thì giá trị của pháp luật phải bổ sung thêm yếu tố là bình đẳng xã hội, công bằng xã hội. Pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không chỉ bảo đảm cá nhân, tổ chức cùng tồn tại trong sự hòa hợp và tự do mà cả trong sự bình đẳng, công bằng xã hội, chống lại mọi sự phân biệt giàu nghèo, sự thống trị của chủ nghĩa tự do cực đoan. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân, phục vụ lợi ích của nhân dân do đó, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thể hiện được ý chí của nhân dân mà người đại diện là tổ chức chính trị được nhân dân thừa nhận và sự thừa nhận đó đã trở thành nguyên tắc hiến định trong hệ thống pháp luật nước ta. Việc xác nhận một tình trạng pháp lý không chỉ xuất phát từ nhu cầu của công dân, xã hội, mà còn xuất phát từ nhu cầu duy trì trật tự công cộng của nhà nước - tức xuất phát từ nhu cầu của cả hai phía. Ðiều này đòi hỏi khi xây dựng các chính sách pháp luật phải xuất phát từ yêu cầu phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động của công dân; cần loại bỏ tư duy xây dựng pháp luật chỉ nhằm thuận tiện cho sự quản lý của nhà nước, của bộ máy công quyền. Vì vậy, trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phải tiến hành xã hội hóa quá trình ban hành các văn bản, chính sách pháp luật, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân, để nhân dân được tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách pháp luật liên quan tới mình; từ đó bảo đảm hài hòa lợi ích giữa công dân - xã hội - nhà nước. Việc thực hiện tốt những nguyên tắc trên sẽ tránh việc ban hành chính sách một chiều chỉ xuất phát từ cơ quan nhà nước, dẫn đến khi triển khai không phù hợp với thực tiễn; khi đó mới sửa đổi sẽ vừa gây thiệt hại cho xã hội, tốn kém ngân sách và đặc biệt là gây mất niềm tin của nhân dân vào bộ máy quản lý nhà nước. Đối với Nhà nước ta hiện nay, khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đều đăng tải công khai để lấy ý kiến của nhân dân. Nhân dân có quyền thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành.

Vấn đề quyền ưu tiên của cá nhân trong mối quan hệ tác động lẫn nhau với nhà nước, với bộ máy công quyền, không chỉ được thực hiện trong quá trình xây dựng, ban hành các chính sách pháp luật mà còn phải được thực hiện trong suốt quá trình tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật của các cơ quan công quyền. Để thực hiện được những nội dung này, trước hết phải xác lập rõ ràng địa vị pháp lý của cá nhân, công dân và của nhà nước trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cần quy định về mặt pháp luật, nghĩa vụ của nhà nước, của các cơ quan công quyền, của các cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực hiện những hoạt động bắt buộc để phục vụ công dân.

Hiến pháp 92, Điều 8 quy định:

Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền [51].

và Điều 51 quy định: "Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội" [51].

Việc nhận thức được những quy định trên sẽ có tác động mạnh mẽ đến ý thức và hoạt động của các công chức trong bộ máy công quyền, từ đó hình thành trong họ thái độ tôn trọng "khách hàng" của mình cũng như các quyền và lợi ích của "khách hàng". Trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo quyền lợi ích của nhân dân thì việc đầu tiên là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt của nhân dân để tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền của mình một cách thuận lợi nhất. Cùng với việc tạo hành lang pháp lý, nhà nước phải xây dựng và nâng cao văn hóa công vụ của bộ máy nhà nước với vai trò từ tư tưởng "cai trị" sang tư tưởng "phục vụ". Cán bộ, công chức phải

là công bộc của nhân dân, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, doanh nghiệp... Nhà nước cần phải xây dựng tiêu chuẩn về văn hóa công vụ, văn hóa công sở đối với mỗi cơ quan hành chính. Văn hóa công vụ phải được thể hiện trong cách làm việc hàng ngày của mỗi cán bộ, công chức ở mọi ngành, mọi cấp từ trung ương đến cơ sở.

Một phần của tài liệu Các chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)