XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO

Một phần của tài liệu Các chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền (Trang 74 - 76)

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách và biện pháp thích hợp để tiến hành xóa đói giảm nghèo, kết hợp phát huy nội lực với trợ giúp quốc tế. Nhà nước đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và trợ giúp về điều kiện sản xuất, nâng cao kiến thức để người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo tự vươn lên thoát nghèo và cải thiện mức sống một cách bền vững đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện chính sách đặc biệt về trợ giúp đầu tư phát triển sản xuất, nhất là đất sản xuất; trợ giúp đất ở, nhà ở, nước sạch, đào tạo nghề và tạo việc làm cho đồng bào nghèo trong các dân tộc thiểu số. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích mạnh các doanh nghiệp, trước hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ giàu đầu tư vốn phát triển sản xuất ở nông thôn, nhất là nông thôn vùng núi. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đảng và Nhà nước liên tục có chính sách ưu tiên và dành một phần đáng kể nguồn vốn cho sự phát triển của các

dân tộc thiểu số. Có thời điểm, vốn đầu tư cho các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% tổng số vốn đầu tư phát triển của cả nước. Một loạt các chương trình, dự án lớn được tiến hành đồng bộ để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, đáng chú ý là Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi); Chương trình 132 (đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ dân làm mới và sửa chữa nhà ở); Chương trình 134 (Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn)... Ngoài ra, Chính phủ còn có nhiều chỉ thị, quyết định và biện pháp cụ thể đối với một số vùng đặc thù có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các chương trình, dự án này đã mang lại kết quả khả quan rõ rệt cho đồng bào dân tộc thiểu số, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước. Cơ sở hạ tầng ngày càng được đảm bảo, tỷ lệ thôn, bản có điện, đường, lớp học, nhà văn hóa, công trình thủy lợi tăng đều so với trước. Mức độ tăng trưởng kinh tế khu vực đồng bào dân tộc thiểu số tăng cao, thậm chí cao hơn mức tăng trưởng toàn quốc, số hộ đói nghèo giảm mạnh. "Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia từ hơn 60% cuối thập niên 1980 xuống 58% giai đoạn 1992 - 1993; 37% giai đoạn 1997 - 1998, năm 2004 còn khoảng 18%; năm 2007 là 14, 82% và năm 2008 là 13,8%" [24, tr. 113].

Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số định canh, định cư để ổn định đời sống cũng được quan tâm như: Giao đất cho hộ nghèo chưa được giao đất, đào tạo nghề miễn phí cho con em hộ nghèo, khuyến khích các đơn vị sử dụng lao động là con em các hộ nghèo; bao tiêu sản phẩm, bao cấp hoặc miễn phí đối với các loại hàng hóa thiết yếu (muối, dầu thắp…) cho đồng bào các dân tộc ở vùng cao, vùng sâu vùng xa… Bên cạnh đó, việc nâng cao, mở rộng giáo dục và y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng được hiện thực hóa thông qua các nghị định và chương trình của Chính phủ cũng như rất nhiều các dự án quốc tế. Nguồn vốn xóa đói giảm nghèo được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: từ ngân sách nhà nước, từ dân cư và các nguồn khác (ODA)... Vốn

ngân sách dành cho lĩnh vực này còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một số địa phương chưa chủ động đưa nguồn vốn đến người nghèo, thủ tục vay vốn còn cứng nhắc, tuyên truyền chưa sâu rộng dẫn đến tình trạng ngân hàng không dám cho vay và người nghèo cũng không dám vay vì thấy khó có khả năng thanh toán; do thiếu một cơ chế kiểm soát chặt chẽ nên nhiều khi nguồn vốn không đến được đúng những người cần vay. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã nghèo, vùng nghèo thường phải qua nhiều khâu, nhiều nấc trung gian lại thêm những khó khăn chủ quan như một số cán bộ thiếu kinh nghiệm, thiếu năng lực nên hầu như không có chương trình nào là không thấm thoát, "hao mòn" vốn. Như vậy, dù đã đạt được những thành quả nhất định nhưng công tác xóa đói giảm nghèo vẫn còn gặp nhiều hạn chế do thủ tục còn rườm rà, công tác tuyên truyền đến người nghèo chưa sâu rộng, sự quản lý của Nhà nước về nguồn vốn xóa đói giảm nghèo chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Xóa đói giảm nghèo là một chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, do vậy, Đảng ta cần có chủ trương đúng đắn về vấn đề này.

Một phần của tài liệu Các chức năng xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền (Trang 74 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)