trình độ của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực này
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã nhiều lần khẳng định: sở hữu là mặt cơ bản nhất của quan hệ sản xuất. Mối quan hệ giữa sở hữu và lực lượng sản xuất tuân theo nguyên lý của mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Nghĩa là, sở hữu là do trình độ của lực lượng sản xuất quy định. Tuy nhiên, sở hữu có tính độc lập tương đối, tác động mạnh mẽ đến lực lượng sản xuất: nếu sở hữu phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất thì nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, nếu không phù hợp thì nó sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Nguyên lý này đúng trong mọi lĩnh vực của nền sản xuất, trong đó có lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, để lực lượng sản xuất phát triển, vấn đề quan trọng nhất là phải tạo ra được những quan hệ sở hữu phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất. Để tạo ra được những quan hệ sở hữu như vậy thì trước hết phải xác định được trình độ của lực lượng sản xuất. Chỉ khi nào sở hữu phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất thì lực lượng sản xuất mới được huy động và tham gia một cách tích cực vào quá trình sản xuất, mới được khai thác, sử dụng có hiệu quả, tức là có được môi trường thuận lợi để phát triển.
Trong thời kỳ trước đổi mới, chúng ta đã từng mắc sai lầm là đã xây dựng nên một chế độ sở hữu không phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, vượt trước trình độ của lực lượng sản xuất, làm cho lực lượng sản xuất, đặc biệt là lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp bị kìm hãm, không
thể phát triển. Điều đó càng chứng tỏ rằng, trong quá trình đổi mới sở hữu hiện nay, cần tuân thủ nguyên tắc sở hữu phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất. Tuyệt đối không được vì một mong muốn chủ quan nào đó mà xác lập nên một chế độ sở hữu không phù hợp, không căn cứ vào trình độ của lực lượng sản xuất. Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì điều này càng phải đặc biệt coi trọng.
Trong thời kỳ đổi mới, quá trình đổi mới sở hữu đúng đắn đã tác động rất tích cực đối với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, làm cho lực lượng sản xuất trong lĩnh vực này được giải phóng, được sử dụng hiệu quả hơn và đã có những bước phát triển quan trọng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy đã có những bước phát triển quan trọng, nhưng nhìn chung, lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển không đồng đều, đan xen nhiều trình độ. Chính vì vậy, để phát triển lực lượng sản xuất cũng như để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi quá trình đổi mới sở hữu cũng phải diễn ra theo hướng đa dạng hóa các hình thức sở hữu, xã hội hóa tư liệu sản xuất nhằm làm cho sở hữu thực sự phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất.
Như vậy, từ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đến thực tiễn Việt Nam đều cho thấy, chỉ khi nào sở hữu phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất thì lực lượng sản xuất mới có thể phát triển. Do vậy, quá trình đổi mới sở hữu nông nghiệp hiện nay phải luôn căn cứ vào lực lượng sản xuất, phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong quá trình đổi mới sở hữu trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay.