riêng. Điều đó sẽ làm cho lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là người lao động và tư liệu sản xuất ở các hợp tác xã nông nghiệp không được sử dụng với hiệu quả cao nhất. Thực tế cho thấy, mặc dù được ưu tiên như vậy, nhưng các hợp tác xã nói chung, hợp tác xã nông nghiệp nói riêng, luôn có hiệu quả sản xuất kinh doanh kém nhất so với các bộ phận còn lại.
Theo chúng tôi, sở dĩ vẫn còn tình trạng chủ quan duy ý chí trong quá trình xây dựng chế độ sở hữu chủ yếu là do chúng ta còn có tâm lý e ngại chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Để khắc phục tâm lý này, đòi hỏi chúng ta phải xác định các yếu tố đảm bảo cho định hướng xã hội chủ nghĩa một cách rõ ràng hơn, đầy đủ hơn.
3.2.2. Sở hữu nhỏ, phân tán đang cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất nông nghiệp sản xuất nông nghiệp
Hầu hết tư liệu sản xuất nông nghiệp ở nước ta đều tồn tại dưới dạng quy mô nhỏ, phân tán. Điều đó không chỉ thể hiện ở quy mô sở hữu của các hộ nông dân cá thể mà còn biểu hiện ở quy mô sở hữu của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ nhất, về sở hữu của các hộ nông dân cá thể.
Tư liệu sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất là đất đai. Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, khi công cụ sản xuất thủ công còn phổ biến, sở hữu nhỏ về ruộng đất chưa phải là rào cản của sự phát triển lực lượng sản xuất nông nghiệp, thậm chí nó còn có tác động rất tích cực đến nền sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng mỗi hộ nông dân có vài mảnh ruộng
nhỏ và phân tán đang là một trở lực lớn đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm qua, tuy Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm khắc phục tình trạng trên, nhưng thực tế cho thấy vấn đề này vẫn chưa được giải quyết và còn nhiều lúng túng. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn: năm 1999, 70.36% hộ nông dân có diện tích canh tác khoảng 0.5ha; chỉ có 3.46% số hộ có diện tích canh tác lớn hơn 3ha. Đến năm 2010, tỷ lệ hộ có diện tích đất canh tác nhỏ hơn 0.5ha có giảm nhưng không đáng kể. Trên cả nước, tỷ lệ này vẫn là 67.38%. Trong đó, đồng bằng Sông Hồng đạt tỷ lệ cao nhất với 94.46%, miền núi phía Bắc là 63.9%, bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 79.54% [1]. Bên cạnh quy mô nhỏ thì mức độ manh mún, phân tán về sở hữu đất đai ở Việt Nam rất cao. Trung bình một hộ có 5 -7 mảnh đất khác nhau, tổng khoảng cách từ nơi ở đến ruộng của các hộ dân là khoảng 4,7km [135].
Việc Nhà nước giao quyền sử dụng cho các hộ nông dân những mảnh ruộng nhỏ và phân tán như hiện nay đã làm cho tư liệu sản xuất nông nghiệp không được khai thác với hiệu quả cao nhất; năng suất lao động trong nông nghiệp của Việt Nam luôn thấp nhất so với các nước trong khu vực và tăng rất chậm. Giá trị gia tăng nông nghiệp trên mỗi lao động của Việt Nam năm 2011 đạt chưa tới 400 USD/người, thấp hơn cả Lào và Campuchia [135]. Trong cơ cấu kinh tế, ngành nông nghiệp có tốc độ tăng giá trị gia tăng thấp so với công nghiệp, dịch vụ và chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 18,4% trong GDP (năm 2013) nhưng lại sử dụng đến 47% tổng lao động xã hội (tỷ lệ này ở Thái Lan là 39%, Inđônêsia 35%, Trung Quốc 34%, Philíppin 32%, Malaysia 11%, Hàn Quốc 6,5%, Singgapore 1% [137].
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sở hữu nhỏ, phân tán về ruộng đất. Một là, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta ít nhưng lại phải chia đều cho một lượng người quá lớn (năm 2013, diện tích trồng lúa là 7899,4 nghìn ha, dân số nước ta là 89708,9 nghìn người, trong đó có 60834,0 nghìn người sống ở nông thôn, chiếm tỷ lệ 67,81% dân số cả nước [148, tr.65]) làm cho diện tích canh tác bình quân đầu người thấp. Hai là, trong
quá trình giao ruộng khoán cũng như quá trình phân đất nông nghiệp cho nông dân luôn phải đảm bảo nguyên tắc công bằng. Tuy nhiên, ở mỗi địa bàn nhất định, độ màu mỡ của đất sản xuất là không giống nhau, khoảng cách với khu dân cư cũng có sự khác biệt. Do vậy, mỗi hộ nông dân sẽ nhận được nhiều mảnh ruộng để có thể đảm bảo một cách tương đối về độ màu mỡ, khoảng cách của các thửa ruộng,...
Nếu tiếp tục tồn tại tình trạng giao quyền sử dụng cho các hộ nông dân những mảnh ruộng nhỏ và phân tán thì chắc chắn sẽ cản trở quá trình ứng dụng khoa học, vận hành công nghệ hiện đại vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nghĩa là sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.
Thứ hai, về sở hữu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, không chỉ có các hộ nông dân cá thể, tiểu chủ mà còn có các doanh nghiệp thuộc nhiều hình thức sở hữu khác nhau, bao gồm cả sở hữu nhà nước và tư nhân. Tuy nhiên, cho dù là dựa trên hình thức sở hữu nào thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có quy mô nhỏ với số lượng rất hạn chế.
Năm 2013, trong tổng số 34677 doanh nghiệp thì chỉ có 1561 doanh nghiệp nông nghiệp và các hoạt động dịch vụ có liên quan. Trong đó có 199 doanh nghiệp có quy mô dưới 0,5 tỷ đồng; 131 doanh nghiệp có quy mô từ 0,5 đến dưới 1 tỷ đồng; 457 doanh nghiệp có quy mô từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng; 185 doanh nghiệp có quy mô từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng; 313 doanh nghiệp có quy mô từ 10 đến dưới 50 tỷ đồng; 141 doanh nghiệp có quy mô từ 50 đến dưới 200 tỷ đồng; 61 doanh nghiệp có quy mô từ 200 đến dưới 500 tỷ đồng; 74 doanh nghiệp có quy mô từ 500 tỷ đồng trở lên [148, tr. 285, 291].
So với kinh tế cá thể, tiểu chủ thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô sở hữu lớn hơn. Tuy nhiên, nếu so với các lĩnh vực khác thì hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều có quy mô rất nhỏ. Trong tổng số 1561 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các hoạt động dịch vụ có liên quan thì chỉ có 589 doanh nghiệp có quy mô trên 10 tỷ đồng. Cả nước có 2753 doanh nghiệp có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên thì chỉ có 74 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp [148, tr. 285,291]. Với số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp khiêm tốn và quy mô nhỏ như vậy thì rất khó có thể khai thác được các tiềm năng của ngành nông nghiệp. Các số liệu thống kê năm 2012 cho thấy, doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các hoạt động dịch vụ có liên quan chỉ đạt 49424 tỷ đồng (trong khi đó, tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi ngành kinh tế ở nước ta là 1167844 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp này là 7828 tỷ đồng (lợi nhuận trước thuế của tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi ngành kinh tế ở nước ta là 358825 tỷ đồng) [148,tr.251,321]. Nhìn chung, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các hoạt động dịch vụ có liên quan đều rất thấp
so với các lĩnh vực khác và so với mặt bằng chung, không tương xứng với tiềm năng của nền nông nghiệp.
Nguyên nhân của tình trạng trên, một mặt là do ngành nông nghiệp với trình độ thấp như ở nước ta hiện nay còn lệ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, năng suất thấp, rủi ro cao, chưa tạo ra được sự hấp dẫn các nhà đầu tư; mặt khác là do đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp còn có nhiều rào cản, nhất là những rào cản liên quan đến sở hữu. Nhà nước chưa tạo ra được các cơ chế, chính sách thuận lợi để hình thành sở hữu quy mô lớn khiến cho các doanh nghiệp muốn đầu tư lớn về nông nghiệp cũng rất khó khăn. Tình hình đó đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục.