ích, tạo việc làm cho người nông dân trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp
Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở nước ta hiện nay, cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng một phần đất nông nghiệp để phục vụ cho quá trình đó. Điều đó cũng có nghĩa là nhiều diện tích đất nông nghiệp sẽ bị thu hồi, quyền sử dụng đất nông nghiệp của nhiều hộ nông dân sẽ phải chuyển cho các tổ chức, cá nhân khác. Theo chúng tôi, để quá trình thu hồi
đất nông nghiệp không tác động tiêu cực đến lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, không làm bần cùng hóa người nông dân thì cần phải chú ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, phải đảm bảo lợi ích cho người nông dân trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp.
Trong những năm vừa qua, tình trạng thu hồi đất nông nghiệp thường gắn với những hiện tượng tiêu cực, thiếu sót, lợi ích của người nông dân bị thu hồi đất không được đảm bảo. Nhiều diện tích đất đai được đền bù với giá rẻ mạt nhưng sau khi thu hồi lại được bán cho các tổ chức, cá nhân khác với giá cao hơn hàng trăm lần so với giá đền bù. Điều này khiến cho người nông dân vốn đã bị mất đi một tư liệu sản xuất quan trọng nhất, lại ở trong hoàn cảnh dễ bị kích động và có những suy nghĩ, hành động tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật. Do vậy, một mặt, cần phải xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp; mặt khác, trong quá trình xây dựng giá đền bù, cần phải dựa trên nhiều cơ sở khác nhau, trong đó có cơ sở là dự định giá bán cho các tổ chức, cá nhân sau khi đã trừ đi chi phí san lấp mặt bằng và các chi phí khác (dự định giá bán dựa trên cơ sở những giao dịch đã thực hiện thành công của những mảnh đất tương tự). Trong trường hợp cần thiết, người nông dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận giá đền bù, Nhà nước chỉ tạo ra cơ chế, chính sách và giải quyết các thủ tục giấy tờ. Nếu lợi ích của người nông dân được đảm bảo, và nếu công khai, minh bạch trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp thì chắc chắn quá trình thu hồi đất nông nghiệp sẽ không căng thẳng và phức tạp như thời gian vừa qua.
Thứ hai, đào tạo nghề và tạo việc làm cho những người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp.
Quá trình thu hồi đất nông nghiệp, chuyển quyền sử dụng đất của người nông dân cho những tổ chức, cá nhân khác sẽ khiến cho người nông dân không còn tư liệu sản xuất quan trọng nhất để tiến hành hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, tất yếu họ phải chuyển sang những ngành nghề khác. Trong điều kiện người nông dân là bộ phận có trình độ thấp nhất so với lao động trong các ngành nghề khác thì việc thay đổi nghề nghiệp là một vấn đề lớn và rất khó khăn đối với họ. Vì vậy, trong quá trình thu hồi đất nông nghiệp, một mặt Nhà nước phải tính đến khả năng việc thu hồi đất đó có khả năng tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân địa phương hay không, mặt khác phải có kế hoạch và kinh phí để đào tạo nghề cho họ, tạo cơ hội việc làm cho họ ngay tại nơi họ đang sinh sống.
Để thu hồi đất nông nghiệp không ảnh hưởng tiêu cực đến lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, không dẫn đến tình trạng người nông dân bị bần cùng hóa, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, quan trọng nhất là phải đảm bảo lợi ích và tạo việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 4
Để lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển thì điều quan trọng nhất là phải xây dựng các quan hệ sản xuất nói chung, quan hệ sở hữu nói riêng, phù hợp với trình độ phát triển của nó.
Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới, nhờ quá trình đổi mới sở hữu đúng đắn, lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta đã có bước phát triển quan trọng, năng suất lao động trong nông nghiệp ngày càng cao, không những đảm bảo được nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước mà còn vươn lên vị trí hàng đầu về xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông nghiệp khác.
Tuy nhiên, sở hữu ở nước ta hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định, cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đòi hỏi quan hệ sở hữu phải có giải pháp khắc phục. Những giải pháp mà chúng tôi đưa ra trên đây chính là nhằm làm cho sở hữu thực sự phù hợp, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.
KẾT LUẬN
Sở hữu là mặt cơ bản nhất của quan hệ sản xuất, chịu sự quy định của lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, nó có tính độc lập tương đối, tác động mạnh mẽ trở lại lực lượng sản xuất: nếu phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất thì nó sẽ tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi cho lực lượng sản xuất, qua đó thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất; ngược lại, nếu không phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất thì nó sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Nguyên lý này đúng trong mọi lĩnh vực của nền sản xuất, trong đó có lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Ở nước ta trước những năm thực hiện đường lối đổi mới, chúng ta đã mắc sai lầm chủ quan duy ý chí trong việc thiết lập chế độ sở hữu, đã hình thành nên một chế độ sở hữu không thực sự phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, do vậy đã kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất nói chung, lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Trước những khó khăn của nền sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới đất nước, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm với nội dung cốt lõi là đa dạng hóa các hình thức sở hữu, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Những chủ trương, chính sách đổi mới sở hữu ở nước ta trong những năm qua về cơ bản là đúng đắn, phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, phù hợp với thực trạng của nền sản xuất nông nghiệp, do vậy nó đã tác động tích cực đến sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp: làm cho tất cả các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất trong lĩnh vực này đều có bước phát triển quan trọng; quá trình sản xuất nông nghiệp ngày càng mang tính chất xã hội hóa; sự phân công lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phù hợp; khả năng ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều, từ đó đã tạo ra năng suất lao động
trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta ngày càng cao, nền nông nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, sở hữu ở nước ta hiện nay vẫn có những hạn chế nhất định, nhất là sở hữu trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số chủ trương, chính sách hiện hành về sở hữu chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, gây ra những khó khăn nhất định cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, theo chúng tôi, cần phải đổi mới sở hữu hơn nữa. Quá trình đổi mới này phải đảm bảo sự phù hợp của sở hữu với trình độ của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; phải giải quyết được bài toán: vừa có thể tập trung được tư liệu sản xuất trong nông nghiệp để tiến hành sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, vừa phải đảm bảo lợi ích và sự công bằng đối với người nông dân. Chúng tôi tin rằng, nếu những giải pháp về việc tiếp tục đổi mới sở hữu mà chúng tôi đưa ra trong luận án này được áp dụng trên thực tế thì chắc chắn sở hữu sẽ góp phần tạo ra những môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.