Sự tác động của sở hữu đối với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp

Một phần của tài liệu Sở hữu và tác động của nó đối với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 72 - 80)

vực nông nghiệp

Trong mối quan hệ giữa sở hữu với lực lượng sản xuất thì trình độ của lực lượng sản xuất quy định các quan hệ sở hữu, đến lượt mình, các quan hệ sở hữu cũng tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Quá trình sản xuất nông nghiệp có tính đặc thù riêng của nó mà công nghiệp và các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác không có. Tính đặc thù đó

biểu hiện ở chỗ toàn bộ quá trình sản xuất đều gắn với thiên nhiên, chịu sự chi phối của các quy luật tự nhiên, tư liệu lao động chủ yếu là đất đai.

Khi nói về mối quan hệ giữa sở hữu và lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, Ph.Ăngghen cho rằng, trong các xã hội tiền tư bản, khi lực lượng sản xuất còn ở trình độ thủ công thì những tư liệu sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thường thuộc về sở hữu của những người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ph.Ăngghen viết: “Trước nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, tức là trong thời trung cổ, khắp nơi đều có nền sản xuất nhỏ mà cơ sở của nó là chế độ sở hữu tư nhân của những người lao động đối với những tư liệu sản xuất của họ: nông nghiệp của những tiểu nông, tự do hay nông nô, thủ công nghiệp ở thành thị. Những tư liệu lao động - đất đai, nông cụ, dụng cụ thủ công – là những tư liệu lao động của cá nhân, chỉ nhằm cho việc sử dụng của cá nhân, do đó chúng nhất định phải nhỏ bé, tí hon, có hạn. Cũng chính vì thế mà thường thường chúng thuộc về bản thân người sản xuất” [102, tr. 373]. Đây chính là biểu hiện của sự phù hợp, tương thích giữa sở hữu và lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở các xã hội tiền tư bản. Chính trình độ thủ công của lực lượng sản xuất đã dẫn đến sự ra đời và tồn tại của sở hữu nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Đến lượt mình, sở hữu nhỏ đó đã tác động tích cực cho sự phát triển của lực lượng sản xuất, giúp cho lực lượng sản xuất từng bước tiến đến những trình độ cao hơn.

Khi lực lượng sản xuất chuyển từ trình độ thủ công lên trình độ công nghiệp, xã hội phong kiến dần bị thay thế bởi xã hội tư bản chủ nghĩa, mối quan hệ giữa sở hữu và lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã có những thay đổi lớn. Việc địa chủ trở thành người cho thuê đất một cách thuần túy chính là do quan hệ sở hữu ruộng đất đã bị “cải tạo” theo phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ở đây, có sự tách rời giữa quyền sở hữu ruộng đất và quyền kinh doanh ruộng đất theo kiểu tư bản chủ nghĩa. Việc quyền sở hữu

mang những hình thái cho phép nông nghiệp có thể kinh doanh theo phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là sản phẩm của tính đặc trưng của phương thức sản xuất đó [107, tr. 240]. Theo C.Mác, công lao của chủ nghĩa tư bản đối với phát triển nền nông nghiệp hàng hóa là ở chỗ, nó đã tách quyền sở hữu ruộng đất khỏi quyền kinh doanh trên ruộng đất, biến sở hữu ruộng đất thành sở hữu “thuần túy” kinh tế [107, tr. 245]. Đây là một điều kiện quan trọng để nhà tư bản có thể tích tụ, mở rộng quy mô sở hữu ruộng đất, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Ở đây, C.Mác đã nhận thấy rất rõ tính quy định của lực lượng sản xuất đối với sở hữu, chỉ khi nào lực lượng sản xuất đến trình độ công nghiệp mới dẫn đến sự thay đổi của sở hữu trong nông nghiệp, đó chính là việc tách quyền sở hữu ruộng đất khỏi quyền kinh doanh ruộng đất, làm cho sở hữu ruộng đất thành sở hữu thuần túy kinh tế. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong một chừng mực nhất định, việc tách quyền sở hữu ruộng đất khỏi quyền kinh doanh ruộng đất đã tác động tích cực đến sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở các nước tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy mà so với các xã hội trước, lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản, bao gồm cả lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, có sự phát triển và đồ sộ hơn nhiều so với lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước cộng lại như cách nói của C.Mác. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nói chung, về ruộng đất nói riêng, nhiều khi trở thành lực cản đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Quá trình điều chỉnh mạnh mẽ quan hệ sở hữu theo hướng dân chủ hóa quan hệ sở hữu, xã hội hóa tư liệu sản xuất ở các nước tư bản chủ nghĩa từ những năm 70 của thế kỷ XX đến nay cho thấy rõ điều đó. Chính những điều chỉnh này đã làm cho lực lượng sản xuất ở các nước tư bản chủ nghĩa,

trong đó có lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, có sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.

Ruộng đất là một vấn đề lớn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhìn chung, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đều nhấn mạnh, sau khi giai cấp công nhân đã giành được chính quyền, cần phải đưa nông dân vào các hợp tác xã, cần phải chuyển chế độ tư hữu ruộng đất sang chế độ công hữu, chế độ sở hữu hợp tác xã (sở hữu tập thể) về ruộng đất nhằm thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với việc xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng thực sự. Khi nói về vấn đề này, V.I.Lênin chỉ rõ rằng: “Ruộng đất phải là sở hữu của toàn dân, và một chính quyền có tính chất toàn quốc phải quy định điều đó” [70, tr. 220]. Đồng thời, V.I.Lênin cũng nhấn mạnh: Người nông dân muốn sử dụng có hiệu quả đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì phải có điều kiện, như phải có vốn và tư liệu sản xuất khác, phải có chuyên gia kỹ thuật và cuối cùng là phải có tổ chức [69, tr. 227-230].

Trong những năm đầu của nhà nước Xôviết, V.I.Lênin đã soạn thảo một kế hoạch hợp tác hóa nông nghiệp một cách nghiêm túc, có căn cứ khoa học. V.I.Lênin đã nghiên cứu vấn đề về cơ sở kinh tế của kế hoạch hợp tác hóa. Một trong những điều kiện chủ yếu tiên quyết là quốc hữu hóa ruộng đất. Quốc hữu hóa ruộng đất tạo khả năng cho việc thống nhất các mảnh ruộng đất nhỏ do những nông hộ cá thể đang sử dụng vào những dải ruộng đất lớn để tổ chức các doanh nghiệp tập thể. Người nông dân không sợ mất các mảnh đất sở hữu riêng của mình. Nền sản xuất nông nghiệp lớn xã hội chủ nghĩa không thể có được khi vẫn còn chế độ sở hữu ruộng đất nhỏ tư nhân. Vì vậy, việc xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân, thiết lập chế độ công hữu về ruộng đất là một cuộc cách mạng lớn về ruộng đất, tạo ra cơ sở cho quá trình hình thành nền sản xuất nông nghiệp xã hội chủ nghĩa.

V.I.Lênin đã nhìn thấy ý nghĩa to lớn của hợp tác hóa là ở chỗ nó kết hợp các lợi ích cá nhân của người nông dân với lợi ích xã hội và toàn dân. Đối với V.I.Lênin, để đưa người nông dân tiến lên chủ nghĩa xã hội thì hợp tác xã là “con đường giản đơn nhất, dễ dàng nhất và dễ tiếp thu nhất…” [76, tr. 422]. Tuy đặc biệt nhấn mạnh đến các mô hình kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, nhưng theo V.I.Lênin, việc này không thể tùy tiện mà phải có những điều kiện vật chất cần thiết. Điều kiện tiên quyết để chuyển các hộ nông dân nhỏ lên con đường của nền kinh tế tập thể lớn là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nó như máy móc, điện khí hóa, sử dụng các phương pháp quản lý kinh tế khoa học. Chỉ có sử dụng kỹ thuật, máy kéo và máy móc vào nông nghiệp về cơ bản và với tốc độ nhanh mới làm chuyển biến được người tiểu nông cũng như nền nông nghiệp. Sự kỳ diệu của kỹ thuật trước tiên cần đi vào việc cải tạo chính nền sản xuất của đại đa số dân cư từ thủ công nghiệp chủ đạo thiếu tự giác theo lối xưa, sang thủ công nghiệp dựa trên cơ sở khoa học và những thành tựu của khoa học [72, tr.364-365].

Cùng với việc coi trọng những điều kiện vật chất cần thiết của quá trình tập thể hóa nông nghiệp, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin còn nhấn mạnh đến sự tự nguyện của người nông dân và tính tuần tự, lâu dài của quá trình hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo nền nông nghiệp từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ph.Ăngghen cho rằng, “chúng ta sẽ cố gắng tìm đủ mọi cách để làm cho số phận của họ được dễ chịu hơn, để cho họ chuyển sang hợp tác xã được dễ dàng hơn, nếu họ quyết định như thế, và thậm chí để họ có thời gian suy nghĩ với tư cách là người sở hữu mảnh đất của họ nếu họ chưa có thể quyết định như thế” [104, tr. 738]. Đối với V.I.Lênin, ông phản đối việc cưỡng bức nông dân vào hợp tác xã, xóa bỏ quyền sở hữu của nông dân bất chấp hiệu quả kinh

tế và nguyện vọng của họ. Việc đề xuất và vận dụng chính sách Kinh tế mới (NEP) cho thấy, Lênin đã luôn chú ý đến trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong quá trình thay đổi quan hệ sản xuất nói chung, quan hệ sở hữu nói riêng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là, việc chuyển nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, tư hữu nhỏ sang nền sản xuất nông nghiệp lớn dựa trên chế độ công hữu về ruộng đất là một quá trình lâu dài, lệ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, không thể chủ quan, nóng vội.

Những luận điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác – Lênin cho thấy, để sở hữu tác động tích cực, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thì cần phải chuyển chế độ tư hữu sang chế độ công hữu về ruộng đất, phải chuyển những mảnh ruộng nhỏ lẻ của những người nông dân cá thể thành những dải đất rộng lớn của hợp tác xã. Các ông cũng luôn nhấn mạnh đến tính lâu dài, sự tự nguyện của người nông dân và những điều kiện vật chất cần thiết để thực hiện quá trình đó. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác hóa nông nghiệp ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây, nhiều nguyên tắc và điều kiện mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đưa ra đã không được tuân thủ. Trái lại, quá trình hợp tác hóa nông nghiệp đó mang nặng tính chủ quan, duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan. Chính vì vậy, quá trình hợp tác hóa nông nghiệp với việc biến ruộng đất của các hộ nông dân cá thể thành sở hữu chung của tập thể, của các hợp tác xã đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng, sụp đổ của nhiều nước xã hội chủ nghĩa. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, nhiều nước đã nhận ra sai lầm của quá trình hợp tác hóa nông nghiệp trước đây và đã có những thay đổi kịp thời, đã hình thành nên

những quan hệ sở hữu thực sự phù hợp với lực lượng sản xuất, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngày nay, khi lực lượng sản xuất phát triển với trình độ công nghiệp hiện đại, mang tính xã hội hóa cao đã kéo theo tính xã hội hóa của sở hữu đối với các tư liệu sản xuất trong nông nghiệp, đặc biệt là đất đai. Do nhu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tất yếu dẫn đến sự hình thành những diện tích đất đai rộng lớn thuộc sở hữu của nhiều người. Điều đó đã tác động tích cực đến sự phát triển của lực lượng sản xuất, làm cho năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng cao, nguồn lương thực thực phẩm trở nên dồi dào cho dù lao động trong lĩnh vực này chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn.

Như vậy, sự tác động của sở hữu đối với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tuân theo nguyên lý chung của mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; đồng thời, chịu sự chi phối của những yếu tố mang tính đặc thù của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Để sở hữu tác động tích cực đến sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thì quan hệ sở hữu phải phù hợp với lực lượng sản xuất và phù hợp với tính đặc thù của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Mọi sai lầm chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan trong quá trình xây dựng quan hệ sở hữu đều có tác động tiêu cực, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có nhiều đặc điểm mang tính đặc thù. Sản phẩm của nền sản xuất nông nghiệp là lương thực, thực phẩm, đó là kết quả của quá trình gieo trồng, nuôi dưỡng, chăm sóc các giống cây trồng, vật nuôi. Các giống cây trồng, vật nuôi luôn sinh trưởng, phát triển theo những quy luật sinh học nhất định trong môi trường tự nhiên. Chính vì lệ thuộc trực tiếp vào điều kiện tự nhiên, quy luật tự nhiên nên mọi diễn biến của điều kiện tự nhiên đều tác động trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Lực lượng sản xuất trong nông nghiệp là tổng thể hữu cơ các yếu tố tư liệu sản xuất và người lao động trong nông nghiệp, cơ bản nhất là người nông dân, đất đai và nông cụ. Sở hữu luôn là một trong những điều kiện quan trọng nhất của sản xuất, đồng thời nó là phương tiện để thông qua đó con người thực hiện lợi ích của mình. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tư liệu sản xuất chủ yếu là ruộng đất. Do vậy, sở hữu ruộng đất chi phối mạnh mẽ nhất đến đặc điểm của sở hữu nông nghiệp, đồng thời là điều kiện quan trọng nhất để tiến hành sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sự tác động của sở hữu đối với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ngoài việc tuân theo nguyên lý chung của mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, còn chịu sự chi phối của những yếu tố mang tính đặc thù của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nếu sở hữu phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, phù hợp với tính đặc thù của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì nó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lực lượng sản xuất; trong trường hợp ngược lại, lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ bị kìm hãm. Chính vì vậy, để lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ, cần phải tránh mọi sai lầm chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan trong quá trình xây dựng chế độ sở hữu.

Chương 3:

Một phần của tài liệu Sở hữu và tác động của nó đối với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 72 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w