Tác động tích cực của sở hữu đối với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thời kỳ đổi mớ

Một phần của tài liệu Sở hữu và tác động của nó đối với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 95 - 108)

lĩnh vực nông nghiệp thời kỳ đổi mới

Quá trình đổi mới sở hữu nói riêng, quan hệ sản xuất nói chung trong gần 30 năm qua với việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tất cả các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến sự phát triển của lực lượng sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. So với những năm đầu đổi mới, lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta đã có những bước phát triển quan trọng.

Thứ nhất, sở hữu tác động tích cực đến tất cả các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, làm cho các yếu tố này có sự biến đổi tích cực, phát triển mạnh mẽ.

(1) Tác động của sở hữu đối với người lao động trong nông nghiệp:

Trước đổi mới, người nông dân chủ yếu làm việc trong các hợp tác xã nông nghiệp, đời sống vô cùng khó khăn. Năm 1986, trong tổng số 27398,9 nghìn lao động trên phạm vi cả nước, có 19786,8 người làm việc ở khu vực

kinh tế tập thể, chiếm 72,2% lao động cả nước; khu vực kinh tế tư nhân, cá thể không được khuyến khích, thậm chí luôn bị tìm mọi cách để hạn chế, xóa bỏ, do vậy chỉ có 3652,2 nghìn lao động làm việc ở khu vực này, chiếm 13,3% lao động cả nước [140,tr.15]. Trong bối cảnh quá trình hợp tác hóa ở nhiều nơi mang tính gò ép, kinh tế cá thể bị hạn chế và từng bước bị xóa bỏ, người nông dân đã không thể phát huy tốt năng lực của mình. Có những hợp tác xã, sau khi phải nộp nghĩa vụ cho Nhà nước, mỗi người bình quân chỉ có khoảng 8,5 kg thóc trong 6 tháng [118, tr. 213]. Quá trình đổi mới sở hữu dẫn đến hàng loạt hợp tác xã nông nghiệp bị giải thể, ruộng đất được giao cho các hộ nông dân, điều đó cũng có nghĩa là hàng loạt người lao động từ các hợp tác xã chuyển sang khu vực kinh tế tư nhân với mô hình kinh tế chủ yếu là cá thể, tiểu chủ. Đến năm 2013, hợp tác xã nông nghiệp theo mô hình tập thể hóa tư liệu sản xuấtgiống như thời kỳ trước đổi mới không còn tồn tại, thay vào đó là hợp tác xã cổ phần. Hiện nay, cả nước có khoảng 10339 hợp tác xã nông nghiệp nhưng chỉ có 4 – 5% hộ nông dân tham gia [115]. Tuy vậy, họ không phải là những xã viên giống như trước đổi mới (việc làm, thu nhập hoàn toàn lệ thuộc vào các hợp tác xã, không thể đồng thời làm kinh tế cá thể vì ruộng đất là của các hợp tác xã). Hầu hết các xã viên hợp tác xã hiện nay, ngoài việc tham gia vào các hợp tác xã nông nghiệp, họ còn làm kinh tế cá thể, tức là họ vừa đóng góp cổ phần để tham gia các hợp tác xã, vừa tiến hành sản xuất kinh doanh trên phần ruộng đất được giao.

Như vậy, quá trình đổi mới sở hữu đã làm cho lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp dịch chuyển mạnh mẽ từ các thành phần kinh tế dựa trên sở hữu công cộng sang các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ thành phần kinh tế tập thể sang thành phần kinh tế tư nhân (chủ yếu là mô hình cá thể, tiểu chủ), và họ đã tạo ra một năng suất lao động lớn hơn nhiều khi họ còn làm việc ở thành phần kinh tế tập thể. Nếu như trước

Khoán 10 nước ta thiếu lương thực triền miên, thì chỉ sau khi giao đất của hợp tác xã cho các hộ nông dân theo tinh thần của Khoán 10 khoảng một năm, nước ta đã xuất khẩu được 1,4 triệu tấn gạo [130, tr.272]. Đây là một sự biến đổi tích cực của lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một sự chuyển biến tích cực nữa của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ngày càng cao. Trong những năm trước đổi mới, do điều kiện vật chất của đất nước và của các hộ nông dân gặp nhiều khó khăn, việc đào tạo bồi dưỡng cho người nông dân không được quan tâm đúng mức. Do vậy, hầu hết lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đều chưa qua đào tạo. Người nông dân tiến hành những hoạt động sản xuất chủ yếu bằng sức mạnh cơ bắp và kinh nghiệm là chính, do vậy năng suất lao động rất thấp. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới với việc hình thành nên những quan hệ sở hữu đúng đắn, người nông dân được giao đất và được chủ động tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trên phần ruộng đất được giao, cùng với việc đầu tư mua sắm máy móc, giống mới,... họ phải học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, quá trình đổi mới sở hữu đúng đắn đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lực lượng sản xuất, tạo ra những điều kiện vật chất thuận lợi cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật cho người nông dân. Chính vì vậy, trong những năm qua, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên ở nông thôn đã qua đào tạo có xu hướng ngày càng tăng: năm 2005 là 7,6%, đến năm 2013 tăng lên 11,2% [148, tr. 125]. Nếu so sánh với thành thị thì tỷ lệ lao động đã qua đạo tạo ở nông thôn còn chưa cao (năm 2013, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên ở thành thị đã qua đào tạo là 33,7%), nhưng số liệu trên đã phần nào phản ánh sự chuyển biến tích cực của lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay.

Gắn với quá trình đổi mới sở hữu là nhiều việc làm mới đã được tạo ra, hầu hết người lao động nông thôn đều có việc làm ổn định. Với những tư liệu sản xuất mà mình đang có (thông qua chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước,...), người nông dân có thể tự mình sản xuất như một đơn vị kinh tế độc lập tự chủ; người nông dân cũng có thể làm việc cho các chủ trang trại, các hợp tác xã, các doanh nghiệp tư nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp,... Thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết người nông dân đều có những việc làm phụ bên cạnh việc canh tác đất đai thuộc quyền sử dụng của mình. Vì vậy, thu nhập và đời sống của họ ổn định và có xu hướng tăng. Thu nhập bình quân của người nông dân năm 2013 ước đạt khoảng 19,97 triệu đồng/năm, gấp 2,18 lần so với mức 9,2 triệu đồng năm 2008. Nếu loại bỏ yếu tố trượt giá thì thu nhập của người dân nông thôn năm 2013 tăng 36% so với năm 2008, bình quân mỗi năm tăng 6,4% [4, tr. 11]. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở nông thôn nhìn chung là thấp. Năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi ở nông thôn lần lượt là: 1,54% và 3,31% [148, tr. 135].

(2) Tác động của sở hữu đối với tư liệu sản xuất trong nông nghiệp:

Tư liệu sản xuất trong nông nghiệp bao gồm đối tượng lao động trong nông nghiệp, công cụ lao động trong nông nghiệp và điều kiện vật chất cần thiết của quá trình sản xuất nông nghiệp.

Đối tượng lao động trong nông nghiệp chủ yếu là đất đai và các loại giống cây trồng, vật nuôi. Trong những năm trước đổi mới, ruộng đất thuộc về các hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã nông nghiệp được hình thành trong điều kiện trình độ của lực lượng sản xuất nông nghiệp rất thấp, không phù hợp với quy luật khách quan. Do vậy, những tư liệu sản xuất của các hợp tác xã trở thành thứ “cha chung không ai khóc”, không được quản lý và khai

thác hiệu quả, thậm chí lãng phí (năm 1986 có 12266,0 nghìn ha ruộng đất bị bỏ hoang [140, tr.126]). Với việc đổi mới sở hữu, các hộ nông dân được giao ruộng đất, được đảm bảo về lợi ích cùng hàng loạt các cơ chế, điều kiện thuận lợi khác, nhờ đó mà nhiều tư liệu sản xuất nông nghiệp đã được huy động để tham gia vào quá trình sản xuất và được khai thác một cách hiệu quả. Nếu như năm 1986, diện tích trồng lúa là 5688,6 nghìn ha [140, tr.46] thì đến năm 2013, diện tích trồng lúa đã tăng lên 7899,4 nghìn ha [148, tr. 373]. Nếu như sản lượng lúa năm 1986 là 16002,9 nghìn tấn, năng suất lúa là 28,1 tạ/ha [140,43] thì đến năm 2013 (sơ bộ) sản lượng lúa đã tăng lên 44076,1 nghìn tấn, năng suất lúa đạt 55,8 tạ/ha [148, tr. 135-136], tăng hơn rất nhiều so với thời kỳ trước đổi mới.

Công cụ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chính là các loại nông cụ. Trong những năm trước đổi mới, việc sử dụng máy móc vào việc sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế. Hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp đều được tiến hành bằng những công cụ sản xuất thủ công kết hợp với sức kéo của động vật. Đến nay, công cụ sản xuất nông nghiệp đã từng bước được cơ khí hóa, nhiều máy móc hiện đại đã được đưa vào sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Thống kê của viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam bình quân đạt 1,16 cv/ha canh tác, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mức độ trang bị động lực cao nhất cả nước đạt 1,85 cv/ha; tỷ lệ cơ giới hóa cả nước trong sản xuất nông nghiệp: cây lúa đạt 72%, các cây trồng cạn (mía, dứa, ngô, đậu, lạc) đạt 65%. Nếu tính theo các khâu, riêng đối với lúa, tỷ lệ sử dụng máy cho tưới đạt 85%; tuốt đập 84%; vận chuyển 66%; sấy 38,7%; thu hoạch 15-20%; xay xát 95%;... [11] Nếu so sánh với một số nước khác ở châu Á (như Thái Lan, Hàn Quốc, trung Quốc,..) thì vấn đề sử dụng máy móc trong

sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn nhiều hạn chế, nhưng nếu so với thời kỳ trước đổi mới, khi chưa có chủ trương đa dạng hóa các hình thức sở hữu, thì những số liệu trên thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, thể hiện rõ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Nếu không có sự đổi mới sở hữu thì chắc chắn quá trình công nghiệp hóa các công cụ sản xuất nông nghiệp không thể có được những thành tựu như hiện nay. Bởi lẽ, thực tiễn đã chứng minh, chỉ khi nào quan hệ sản xuất nói chung, quan hệ sở hữu nói riêng, phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, thì lúc đó lực lượng sản xuất mới có thể phát triển. Trước đổi mới, quá trình hợp tác hóa nông nghiệp vi phạm quy luật khách quan, không phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, đã làm cho lực lượng sản xuất bị kìm hãm, không được khai thác hiệu quả, dẫn đến năng suất lao động thấp, hầu như các hợp tác xã đều gặp khó khăn, không có điều kiện để đầu tư, hiện đại hóa nông cụ; đối với các hộ nông dân cá thể, do không được tạo điều kiện thuận lợi nên họ cũng rất khó khăn, không thể đầu tư để cơ khí hóa quá trình sản xuất. Khi quan hệ sản xuất được đổi mới, quá trình đa dạng hóa sở hữu được thực hiện, người nông dân được giao ruộng đất và được tạo những điều kiện thuận lợi để sản xuất kinh doanh, lúc này họ mới có khả năng, điều kiện mua sắm máy móc để phục vụ quá trình sản xuất. Thực tế cho thấy hầu hết các máy móc đang được sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp hiện nay đều là do các hộ nông dân tự trang bị, điều này rất khó có thể có được trong thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp trước đây.

Điều kiện vật chất cần thiết của quá trình sản xuất nông nghiệp chính là những yếu tố tham gia gián tiếp vào quá trình sản xuất nông nghiệp như hệ thống đường xá, cầu cống, phương tiện vận chuyển, hệ thống thủy lợi, thông tin liên lạc phục vụ cho quá trình sản xuất nông nghiệp. So với nông cụ thì sự tác động của sở hữu đến điều kiện vật chất cần thiết của quá trình sản xuất

nông nghiệp có sự khác biệt nhất định và không dễ hình dung. Sự khác biệt này xuất phát từ việc các điều kiện này thường đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn với nhiều điều kiện kỹ thuật cầu kỳ, tự các hộ nông dân rất khó có thể thay đổi được những điều kiện này. Chúng ta có thể hình dung sự tác động của sở hữu đối với điều kiện vật chất cần thiết của quá trình sản xuất nông nghiệp như sau: quá trình đa dạng hóa các hình thức sở hữu (kéo theo sự thay đổi toàn diện quan hệ sản xuất) đã tác động tích cực đến lực lượng sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, khi nền kinh tế phát triển, Nhà nước mới có được tiềm lực vật chất để đầu tư cho nông nghiệp, trong đó có hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lưới, thông tin liên lạc,...; khi đổi mới sở hữu, nhiều thành phần kinh tế được hình thành và phát triển (nhất là kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài), khi đó chúng ta mới có thể huy động nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực của mọi thành phần kinh tế cho việc hiện đại hóa các điều kiện vật chất cần thiết của quá trình sản xuất nông nghiệp (quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay là điển hình cho việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cùng với các nguồn lực của Nhà nước để xây dựng và hiện đại hóa các công trình công cộng ở nông thôn). Nhờ có quá trình đổi mới sở hữu mà điều kiện vật chất cần thiết cho quá trình sản xuất nông nghiệp đã thay đổi căn bản. Nếu như những năm đầu đổi mới, điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho quá trình sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường xá, thông tin liên lạc,... thì đến nay, những điều kiện vật chất này đã có những thay đổi lớn. Theo Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7

khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban chỉ đạo sơ kết 05 năm

thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X ngày 06/01/2014, trong 5 năm qua (2009 - 2013), tổng năng lực tưới của hệ thống thủy lợi tăng 70.000 ha so với năm 2008, đảm bảo tưới chủ động cho khoảng 6,92 triệu ha trồng lúa (đạt 90%), khoảng 1,5 triệu ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, tiêu thoát nước cho 1,75 triệu ha đất nông nghiệp. Đã củng cố được 794 km đê sông và

đê biển. Đến nay (2013) đã có 98,3% số xã có đường ô tô về trung tâm xã, trong đó 87,4% số xã có đường đến ủy ban nhân dân xã được nhựa, bê tông hóa. Hệ thống điện nông thôn tiếp tục được nâng cấp, mở rộng. Đến hết năm 2013, tỷ lệ xã có điện ước đạt 99,89% và tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện đạt 97,3%. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa. Internet tốc độ cao đã đến được hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã; khoảng 55% số xã có điểm truy cập internet công cộng; vùng phủ sóng 3G đã đạt trên 80% dân số; tỷ lệ xã có điện thoại công cộng là 97%. Hầu hết người dân khu vực nông thôn được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông phổ cập [4, tr. 8]. Đây chính là một trong những biểu hiện quan trọng của sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Như vậy, so sánh với những năm trước đổi mới thì tất cả các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay đều được phát huy, phát triển trong những điều kiện thuận lợi, được sử dụng hiệu quả hơn, có những biến đổi tích cực cả về số lượng và chất lượng.

Một phần của tài liệu Sở hữu và tác động của nó đối với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 95 - 108)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w