dựng chế độ sở hữu
Trong điều kiện của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phải thực sự coi sở hữu là phương tiện để thực hiện lợi ích, không nên coi sở hữu là mục đích của các chính sách. Trước đổi mới, do những sai lầm chủ quan, duy ý chí trong quá trình xây dựng quan hệ sản xuất nói chung, quan hệ sở hữu nói riêng, nên đã dẫn đến sự trì trệ của nền sản xuất. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển của lực lượng sản xuất thì chúng ta cần phải khắc phục được sai lầm này. Điều đó cũng có nghĩa là trong quá trình xây dựng chế độ sở hữu hiện nay, chúng ta cần phải xuất phát từ hiện thực khách quan, tuân theo quy luật khách quan, tức là phải xuất phát từ thực trạng phát triển của lực lượng sản xuất để xây dựng chế độ sở hữu.
Quá trình đổi mới sở hữu ở nước ta trong những năm qua về cơ bản đã khắc phục được tính chủ quan, duy ý chí. Tuy nhiên, theo chúng tôi, hiện nay vẫn còn ảnh hưởng của quan niệm cũ. Nghĩa là tình trạng chủ quan duy ý chí trong xây dựng chế độ sở hữu vẫn chưa được khắc phục triệt để, vẫn còn có sự phân biệt các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế. Văn kiện Đại hội XI của Đảng cũng như các văn kiện trong các kỳ Đại hội trước đó khẳng định các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng thực tế của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cho thấy vẫn còn có sự phân biệt theo hình thức sở hữu, thành phần kinh tế. Chẳng hạn như kinh tế tập thể, hàng loạt các chính
sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn, thuế, đất đai,... cho các hợp tác xã đã được triển khai. Đây là những ưu ái mà nhiều thành phần kinh tế khác không có được. Mặc dù được ưu ái như vậy nhưng trên thực tế các hợp tác xã luôn có hiệu quả sản xuất kinh doanh kém nhất so với các bộ phận còn lại. Để khắc phục tình trạng chủ quan, duy ý chí trong xây dựng chế độ sở hữu, theo chúng tôi, cần phải chú ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, tạo sự bình đẳng thực sự giữa các hình thức sở hữu, các
thành phần kinh tế tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi cho rằng, việc thực hiện chính sách ưu đãi đặc biệt cho một số thành phần kinh tế như hiện nay là không thực sự cần thiết. Bởi lẽ, điều quan trọng nhất trong thời kỳ quá độ là phải hình thành được những hình thức sở hữu, những thành phần kinh tế có tác dụng giải phóng, huy động và khai thác hiệu quả lực lượng sản xuất nói chung, lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Nếu cứ tiếp tục thực hiện những chính sách ưu đãi đặc biệt như vậy, thì điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn chưa từ bỏ được quan niệm coi sở hữu là mục đích chứ không phải là phương tiện để thực hiện lợi ích và phát triển kinh tế, và khi đó tất yếu dẫn đến tình trạng lực lượng sản xuất bị di chuyển đến những khu vực không có khả năng khai thác hiệu quả, làm lãng phí lực lượng sản xuất và thất thoát tài sản của Nhà nước. Điều này không ảnh hưởng gì đến định hướng xã hội chủ nghĩa, thậm chí có thể tốt hơn cho định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ, khi không phải thực hiện những chế độ ưu tiên dành cho các hợp tác xã thì ngân sách nhà nước sẽ bớt đi được một gánh nặng, khi đó nguồn vốn và các nguồn lực vật chất khác của Nhà nước sẽ được đầu tư vào những khu vực kinh tế có hiệu quả hơn, hoặc được dùng để giải quyết những nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng ta hiện nay là “xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu” [28, tr. 84].
Thứ hai, khuyến khích những hình thức sở hữu, những thành phần kinh
tế, những loại hình doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này có nghĩa là: một mặt, phải thực hiện chính sách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa các loại hình doanh nghiệp; mặt khác, phải khuyến khích những thành phần kinh tế, những loại hình doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh nào, thành phần kinh tế nào càng có hiệu quả sản xuất, kinh doanh tốt càng phải được ưu tiên, khuyến khích, được nhận chế độ ưu đãi đặc biệt (chẳng hạn như lợi nhuận càng cao được giảm thuế càng nhiều và được ưu tiên khi vay vốn sản xuất, kinh doanh); thành phần kinh tế nào, loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh nào kém hiệu quả thì sẽ không nhận được sự ưu đãi đó. Hiện nay, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chúng ta đang ưu tiên, đang khuyến khích những thành phần kinh tế, những loại hình sản xuất kinh doanh (hợp tác xã nông nghiệp) không có khả năng khai thác hiệu quả lực lượng sản xuất. Còn giải pháp mà chúng tôi đưa ra là ưu tiên, khuyến khích những thành phần kinh tế, những loại hình doanh nghiệp có khả năng khai thác hiệu quả lực lượng sản xuất, tức là những thành phành phần kinh tế, những loại hình sản xuất kinh doanh dựa trên sở hữu tư nhân, hỗn hợp. Khi thực hiện giải pháp này, lực lượng sản xuất sẽ được khai thác hiệu quả hơn, sẽ phát triển nhanh hơn, sẽ sớm thực hiện được những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội hơn, trước hết là mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thứ ba, khắc phục tâm lý e ngại chệch hướng xã hội chủ nghĩa bằng việc
xác định rõ hơn yếu tố quan trọng nhất đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế nói chung, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói riêng. Trong tư duy hiện nay, khi nói đến yếu tố đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta thường nhấn mạnh đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; tính chất nền tảng của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân. Khi
nào còn quan niệm kinh tế nhà nước là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa thì khi đó sẽ vẫn còn những ưu tiên, ưu ái đặc biệt cho thành phần kinh tế này. Nghĩa là sẽ không có sự bình đẳng thực sự giữa các hình thức sở hữu, thành phần kinh tế. Theo chúng tôi, cần có sự thay đổi tư duy về vấn đề này. Trong điều kiện của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, không thể phủ nhận vai trò to lớn của kinh tế nhà nước. Nhưng chúng tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa chính là vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước. Đảng sẽ đề ra những chủ trương, chính sách; Nhà nước sẽ xây dựng hệ thống pháp luật cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế hoạt động, vừa đảm bảo lợi ích của các chủ thể kinh tế, vừa phải tuân theo những chuẩn mực, nguyên tắc, bản chất của chủ nghĩa xã hội. Điều này cho phép chúng ta tạo ra sự bình đẳng thực sự giữa các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế.
Như vậy, trong quá trình đổi mới sở hữu nói chung, đổi mới sở hữu trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, chúng ta cần khắc phục được tính chủ quan duy ý chí trong việc xác lập các chế độ sở hữu, tránh tình trạng phân biệt đối xử giữa các hình thức sở hữu, giữa thành phần kinh tế. Chỉ như vậy thì mới có thể tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể sở hữu, giữa các thành phần kinh tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, và chỉ như vậy chúng ta mới có thể đưa nền nông nghiệp chuyển sang nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.