vực nông nghiệp còn hạn chế, hiệu quả sử dụng chưa cao
Thực tế cho thấy, ở đâu có đầu tư thì ở đó có phát triển. Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã có sự phát triển rất mạnh mẽ.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phát triển đó là quá trình đổi mới kinh tế, đặc biệt là đổi mới sở hữu, đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn và các nguồn lực khác của nước ngoài được tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam
Kể từ khi mở cửa, hội nhập đến năm 2013, nước ta đã thu hút được 268691,6 triệu USD, tổng số vốn đã thực hiện là 111692,9 triệu USD [148, tr. 182]. Những con số này thể hiện sự thành công của Việt Nam trong việc thu hút các nguồn lực thuộc sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn hết sức hạn chế. Các dự án FDI nông nghiệp nhỏ cả về quy mô và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng FDI của cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như thế mạnh phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. Mặt khác, so với hoạt động FDI trong các lĩnh vực khác, hiệu quả thực hiện các dự án trong lĩnh vực này không cao. Tính từ năm 1998 đến năm 2012, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đã thu hút 562 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là trên 2,942 tỷ USD; 89 dự án liên doanh và các hình thức khác với tổng vốn đăng ký là 233,731 triệu USD. Bình quân mỗi năm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thu hút gần 37 dự án đầu tư nước ngoài (trong đó dự án FDI là 31 dự án) tương đương với khoảng 196 triệu USD (FDI là 179 triệu USD). Nhìn chung, các dự án FDI trong nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu các dự án FDI gắn liền với nguồn nguyên liệu của địa phương. Trong năm 2014, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết 9 tháng đầu năm 2014, Việt Nam thu hút được 1.152 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới; 417 dự án đăng ký tăng vốn với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 11,18 tỷ USD. Tuy nhiên, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ thu hút được 14 dự án mới và 8 dự án tăng vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 68,45 triệu USD, chiếm hơn 0,5% tổng vốn đầu tư [53].
Trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam hiện nay, đây được coi là lĩnh vực khuyến khích và đặc biệt khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ khó thu hút vốn mà các dự án FDI vào lĩnh vực nông nghiệp đa phần là các dự án có quy mô nhỏ, trung bình khoảng 6,6 triệu USD. Trong khi vốn trung bình của một dự án FDI là khoảng 14,7 triệu USD. Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong những năm qua, tỷ trọng vốn FDI trong nông nghiệp là rất thấp trong cơ cấu ngành kinh tế và có xu hướng ngày càng giảm. Nếu như cách đây 15 năm, vốn FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư FDI thì 3 năm trở lại đây, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 0,5% tổng vốn đầu tư. Một điều đáng lưu ý nữa là, hiện có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, đứng đầu là Đài Loan, nhưng nhiều nhà đầu tư chủ yếu đến từ khu vực châu Á có nền công nghệ chưa cao như Thái Lan, Đài Loan, Indonesia. Còn các nước có nền công nghệ cao như Mỹ, Nhật Bản, EU lại chưa có nhiều dự án FDI vào nông nghiệp [53].
Thực tế cho thấy, ngay cả khi nước ta đã thu hút được một lượng nhất định nguồn lực thuộc sở hữu nước ngoài tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp, thì những nguồn lực này cũng chưa được phát huy tốt, hiệu quả sử dụng không cao. Trong số các dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp, nhiều dự án triển khai chậm, thậm chí đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ; số dự án bị giải thể trước thời hạn chiếm tỷ lệ khá cao so với các lĩnh vực đầu tư khác (khoảng 30% so với mức bình quân là 20%) [162]. Trong lĩnh vực trồng trọt và chế biến nông sản, các nhà đầu tư mới chỉ tập trung khai thác tiềm năng, nguồn lực sẵn có về đất đai, lao động; thiếu những dự án tạo giống cây, giống con mới; chưa tập trung triển khai nuôi, trồng, chế biến các loại rau quả xuất khẩu có hàm lượng kỹ thuật cao, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân làm cho khu vực nông nghiệp chưa thu hút được FDI, theo chúng tôi, cơ bản là những nguyên nhân sau: (1) các doanh nghiệp FDI không được phép thuê lại ruộng đất thuộc quyền sử dụng của nông dân; (2) hoạt động sản xuất khu vực nông nghiệp gắn liền với thiên nhiên, chịu sự tác động trực tiếp của các quy luật tự nhiên, thời tiết khí hậu,... nên có tính rủi ro cao; (3) không đảm bảo về kết cấu hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực, nguồn cung cấp nguyên liệu; (4) nông nghiệp Việt Nam vẫn mang tính sản xuất nhỏ, manh mún, tự cung, tự cấp; 5) chưa có phương thức hợp tác phù hợp với trình độ còn nhiều hạn chế của người nông dân;...
Tình hình đó đòi hỏi phải tiếp tục có những giải pháp phù hợp, khắc phục những rào cản liên quan đến sở hữu, tạo ra những điều kiện thuận lợi để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thuộc sở hữu nước ngoài tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nước ta.