Sự tác động của sở hữu đối với lực lượng sản xuất

Một phần của tài liệu Sở hữu và tác động của nó đối với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 68 - 72)

Sở hữu là mặt cơ bản nhất của quan hệ sản xuất, do vậy sự tác động của nó đối với lực lượng sản xuất tuân theo nguyên tắc của mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

Thứ nhất, khi sở hữu phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất thì nó thúc đẩy mạnh mẽ lực lượng sản xuất phát triển.

Ở trạng thái phù hợp này thì quan hệ sản xuất nói chung, sở hữu nói riêng, "tạo địa bàn đầy đủ" cho lực lượng sản xuất phát triển. Điều đó có nghĩa là, nó tạo điều kiện sử dụng và kết hợp một cách tối ưu giữa người lao động với tư liệu sản xuất và do đó lực lượng sản xuất có cơ sở để phát triển hết khả năng của nó. Sự phù hợp này thường được biểu hiện như sau: người lao động làm việc một cách tích cực, tự giác, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, phát huy được năng lực của bản thân; tư liệu lao động được sử dụng, khai thác hiệu quả, từ đó dẫn đến năng suất lao động tăng cao.

Nhìn chung, trong mọi hình thái kinh tế - xã hội, đều có những giai đoạn mà quan hệ sản xuất nói chung, sở hữu nói riêng, thực sự phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, nên đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lực lượng sản xuất trong xã hội đó. Ngay trong chủ nghĩa tư bản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chính những quan hệ sản xuất, quan hệ sở hữu tư sản đã tạo ra những tư liệu sản xuất hết sức mạnh mẽ [97, tr.604].

Lực lượng sản xuất chỉ có thể phát triển khi quan hệ sở hữu phù hợp với trình độ của nó, cho nên, để phát triển lực lượng sản xuất trong quá trình xây dựng xã hội mới, cần phải đảm bảo nguyên tắc sở hữu phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất.

Thứ hai, khi sở hữu không phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất thì nó sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Sự không phù hợp của sở hữu với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là trạng thái mà ở đó, sở hữu cản trở quá trình huy động, khai thác, sử dụng các nguồn lực của nền sản xuất. Khi đó, lực lượng sản xuất sẽ bị kìm hãm, không thể phát triển. Sự không phù hợp này thường biểu hiện ở chỗ: người lao động không tích cực, không nhiệt tình, không phát huy được năng lực của mình trong quá trình sản xuất; tư liệu sản xuất không được sử dụng, khai thác hiệu quả, khiến cho nền sản xuất trì trệ, năng suất lao động thấp.

Sự không phù hợp của sở hữu với lực lượng sản xuất xảy ra trong hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất, ở giai đoạn cuối mỗi hình thái kinh tế - xã hội, khi lực lượng sản xuất đã thay đổi về chất nhưng quan hệ sở hữu vẫn chưa thay đổi, làm cho lực lượng sản xuất bị cản trở, không thể phát triển. Điều này được thể hiện rõ nét ở giai đoạn cuối của hình thái kinh tế - xã hội phong

kiến. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng: “Những tư liệu sản xuất và trao đổi, làm cơ sở cho giai cấp tư sản hình thành, đã được tạo ra từ trong lòng xã hội phong kiến. Những tư liệu sản xuất và trao đổi ấy phát triển đến một trình độ nhất định nào đó thì những quan hệ mà trong đó xã hội phong kiến tiến hành sản xuất và trao đổi, tổ chức nông nghiệp và công nghiệp theo lối phong kiến, - nói tóm lại, những quan hệ sở hữu phong kiến không còn phù hợp với những lực lượng sản xuất đã phát triển. Những cái đó đã cản trở sản xuất, chứ không làm cho sản xuất tiến triển lên” [97, tr.603]. Ở tình huống này, cần phải tiến hành cách mạng xã hội để mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất. Trường hợp thứ hai, quan hệ sở hữu vượt trước trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Điều này được thể hiện rõ nét trong quá trình cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất mới ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Trong điều kiện lực lượng sản xuất còn nhiều hạn chế, phát triển không đồng đều, nhưng các nước này đã vội vã thiết lập chế độ công hữu, tìm mọi cách để hạn chế và xóa bỏ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, làm cho lực lượng sản xuất bị kìm hãm, nền sản xuất trì trệ. Trên thực tế, đây là một bài học kinh nghiệm sâu sắc mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra tại Đại hội lần thứ VI năm 1986. Ở trường hợp thứ hai này, đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh kịp thời những quan hệ sở hữu, hình thức sở hữu không phù hợp theo nguyên tắc sở hữu phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất.

Thực tế lịch sử cho thấy, không phải lúc nào quan hệ sở hữu cũng phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, sự không phù hợp của quan hệ sở hữu với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất tất yếu nảy sinh mâu thuẫn giữa chúng và đặt ra yêu cầu cần phải được giải quyết. Mâu thuẫn này xuất hiện là do chúng có bản chất vận động không giống nhau: lực lượng sản xuất luôn không ngừng vận động, phát triển gắn với thực tiễn sản xuất, còn quan hệ sở hữu luôn mang tính ổn định tương đối, thậm chí bảo thủ do nó

luôn gắn với lợi ích của các giai cấp thống trị nhất định nên luôn được các giai cấp này duy trì, bảo vệ. Cho nên, “tới một giai đoạn nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có, hay - đây chỉ là biểu hiện pháp lý của những quan hệ sản xuất đó – mâu thuẫn với những quan hệ sở hữu, trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển” [100, tr. 15]. Vẫn theo C.Mác, “để khỏi bị mất kết quả đã đạt được, để không bị mất đi những thành quả của văn minh, con người buộc phải thay đổi tất cả các hình thức xã hội đã kế thừa vào thời điểm mà phương thức quan hệ của con người không còn phù hợp với những lực lượng sản xuất đã có được” [108, tr. 658].

Tất nhiên mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sở hữu diễn ra trong một quá trình lâu dài, mâu thuẫn đó trở nên gay gắt trong giai đoạn cuối của mỗi hình thái kinh tế - xã hội. Việc xác lập nên một quan hệ sở hữu mới chỉ có thể diễn ra khi những điều kiện vật chất đã trở nên chín muồi. Bởi vì, “không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ” [100, tr. 15-16].

Rõ ràng rằng, những quan hệ kinh tế nói chung, quan hệ sở hữu nói riêng, luôn có những tác động không nhỏ tới sự phát triển của lực lượng sản xuất. Khi không còn phù hợp với lực lượng sản xuất thì quan hệ sở hữu trở thành một lực cản rất lớn đối với sự phát triển của của lực lượng sản xuất. “Từ chỗ là những hình thức phát triển của lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại của một cuộc cách mạng xã hội” [100, tr. 15]. C.Mác còn chỉ rõ rằng: tất cả mọi cuộc cách mạng từ những cuộc cách mạng chính trị, từ cuộc cách mạng

đầu tiên đến cuộc cách mạng cuối cùng, đều được tiến hành để bảo hộ sở hữu thuộc một loại nào đó,...[103, tr. 173].

Khi cuộc cách mạng xã hội đã thành công thì ngay lúc đó chế độ sở hữu mới được xác lập vẫn chưa phải đã thực sự hoàn chỉnh. Việc hoàn chỉnh chế độ sở hữu mới được diễn ra cùng với sự phát triển của thực tiễn, chính trong sự phát triển của thực tiễn con người mới có điều kiện để nhận thức đầy đủ hơn về chế độ sở hữu mà mình đang xây dựng. Nếu như trong quá trình xây dựng xã hội mới, có những hình thức sở hữu không phù hợp dẫn đến mâu thuẫn với lực lượng sản xuất, đòi hỏi phải được giải quyết nhưng con người không phát hiện được, cũng như khi mâu thuẫn đã được phát hiện mà giải quyết không được hoặc giải quyết một cách sai lầm thì sự kìm hãm của quan hệ sở hữu sẽ trở thành nhân tố phá hoại lực lượng sản xuất. Do vậy, một yêu cầu thường trực được đặt ra là quan hệ sở hữu phải luôn phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Như vậy, tuy chịu sự chi phối, quy định của lực lượng sản xuất nhưng sở hữu có tính độc lập tương đối, tác động mạnh mẽ trở lại lực lượng sản xuất. Nếu phù hợp với lực lượng sản xuất thì sở hữu sẽ tác động tích cực, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển; trong trường hợp ngược lại, nó sẽ kìm hãm, thậm chí phá hoại lực lượng sản xuất.

Một phần của tài liệu Sở hữu và tác động của nó đối với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w