tập trung tư liệu sản xuất nông nghiệp với những mô hình phù hợp
Sẽ không thể có một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại nếu như vẫn còn tình trạng mỗi hộ nông dân sở hữu những mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán. Vì vậy, để đưa nền sản xuất nông nghiệp nước ta tiến lên nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn thì việc tích tụ, tập trung ruộng đất là tất yếu.
Thực ra, vấn đề tích tụ ruộng đất, tăng quy mô sở hữu tư liệu sản xuất nông nghiệp đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm giải quyết, thể hiện ở Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); đặc biệt là Luật Đất đai năm 2013. Luật Đất đai năm 2013 không chỉ chú trọng đến vấn đề mở rộng quy mô đất nông nghiệp mà còn chú trọng đến tăng thời hạn thuê đất nông nghiệp. Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm; hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau: không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long; không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 129 của Luật này [86, tr.147-153].
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, chủ trương và chính sách đất đai hiện nay còn mâu thuẫn giữa một bên là những nhóm chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tập trung, tích tụ đất đai nhằm tăng hiệu quả kinh tế, và bên kia là các nhóm chính sách hướng tới đảm bảo công bằng, ổn định xã hội, tránh phân hoá giàu nghèo [135]. Mâu thuẫn này không có nghĩa là chúng ta sẽ không quan tâm thực hiện chính sách tích tụ đất đai, mà vấn đề là ở chỗ cần phải làm sao để tích rụ đất đai không dẫn đến tình trạng xung đột lợi ích giữa các bên. Để thực hiện tốt quá trình tích tụ đất đai, mở rộng quy mô sở hữu tư liệu sản xuất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chúng tôi cho rằng, Nhà nước chỉ cần tạo ra cơ chế, chính sách và những quy
định cần thiết khi tích tụ đất đai. Công việc còn lại sẽ do nông dân có ruộng và cá nhân, tổ chức muốn tích tụ đất đai tự quyết định. Nghĩa là, cá nhân, tổ chức nào muốn tích tụ đất đai sẽ phải trực tiếp thỏa thuận với nông dân có ruộng trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo lợi ích các bên.
Theo chúng tôi, để quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sở hữu tư liệu sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp một cách hiệu quả, đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, thì nên triển khai theo những mô hình dưới đây.
Thứ nhất: mô hình công ty cổ phần nông nghiệp.
Tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ có các hộ nông dân cá thể, tiểu chủ, hợp tác xã, mà còn có các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước. Trong số các doanh nghiệp này, có những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cây và con giống, có những doanh nghiệp thu mua và sơ chế nông sản, có những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hàng nông sản,... Hầu hết các doanh nghiệp này đều có quy mô rất nhỏ, rất khó có thể đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt là hoạt động của họ tương đối tách biệt so với các hộ nông dân cá thể, do vậy không tận dụng được ưu thế của các hộ nông dân, còn các hộ nông dân cũng hầu như không nhận được sự trợ giúp từ các doanh nghiệp này.
Ưu thế của các hộ nông dân là ruộng đất và sức lao động; ưu thế của các doanh nghiệp là vốn, cung ứng thiết bị, vật tư, phân bón, cây, con giống,... và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, cần tăng cường sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như việc ký hợp đồng giữa các doanh nghiệp với các hộ nông dân. Tuy nhiên, để khắc phục triệt để tình trạng manh mún, phân tán, quy mô nhỏ trong sản xuất nông
nghiệp mà vẫn đảm bảo được lợi ích của các bên, theo chúng tôi, các công ty cổ phần nông nghiệp cần được coi là một trong các giải pháp quan trọng.
Mô hình công ty cổ phần nông nghiệp mà chúng tôi đề xuất là mô hình có sự đóng góp cổ phần của các hộ nông dân và doanh nghiệp. Nông dân không có vốn, do vậy họ sẽ đóng góp cổ phần bằng ruộng đất, trên cơ sở ruộng đất rộng lớn được hình thành từ sự đóng góp của các hộ nông dân, các doanh nghiệp tiến hành đầu tư vốn, khoa học công nghệ để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty cổ phần nông nghiệp khác các hợp tác xã ở chỗ, nó phủ định sự tồn tại của kinh tế cá thể của người nông dân, nó cũng không tồn tại dưới dạng sở hữu kép và hạch toán kép như hợp tác xã mà nó tồn tại dưới dạng sở hữu cổ phần của các cổ đông, do vậy nó không thể hoạt động theo luật Hợp tác xã mà phải hoạt động theo luật Doanh nghiệp, tuân theo những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần. Lúc này, người nông dân là cổ đông của công ty cổ phần nông nghiệp, nghĩa là đồng sở hữu công ty này. Thu nhập của họ sẽ là lợi tức từ cổ phần và lương làm việc cho chính công ty mà mình có cổ phần (cần phải xây dựng cơ chế để nông dân có cổ phần trở thành lao động cơ hữu của các công ty này).
Mô hình công ty cổ phần nông nghiệp mà chúng tôi đưa ra như trên sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định khi áp dụng, đặc biệt là vấn đề sở hữu. Khi đã đóng góp cổ phẩn dưới dạng ruộng đất thì đương nhiên ruộng đất đó sẽ không còn là sở hữu riêng của người nông dân nữa mà sẽ trở thành sở hữu chung của công ty cổ phần nông nghiệp, tức là ruộng đất cũng như mọi tư liệu sản xuất, mọi nguồn lực của công ty sẽ thuộc sở hữu của tất cả các cổ đông. Đây là điều mà không phải hộ nông dân nào cũng sẵn sàng. Tuy nhiên, nếu được áp dụng trên thực tế mô hình này sẽ mở ra cơ hội để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, hình thành nên những
thương hiệu hàng nông nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sẽ là tốt hơn nếu mô hình này có sự đóng góp cổ phần của các nhà khoa học hoặc các viện nghiên cứu, bởi lẽ sự tham gia của họ sẽ giúp cho quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn.
Thứ hai: mô hình liên kết trực tiếp giữa các hộ nông dân và doanh nghiệp.
Thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay đang xuất hiện mô hình liên kết trực tiếp giữa người nông dân và doanh nghiệp qua hợp đồng, trong đó doanh nghiệp trực tiếp cung ứng các yếu tố đầu vào cho hộ nông dân và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho họ. Mô hình này phù hợp với những nơi mà các hộ nông dân có nhiều đất đai, ao hồ, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.
Trong những năm qua, mô hình này đã xuất hiện ở một số địa phương và rất thành công, điển hình là sự hợp tác giữa Công ty Bảo vệ thực vật An Giang với các hộ nông dân. Sau 04 năm tổ chức thực hiện, đến năm 2014, công ty này đã ký hợp đồng liên kết với hơn 28 nghìn hộ nông dân với diện tích trồng lúa lên đến 65,7 nghìn ha (bình quân 2,3 ha/hộ). Từ năm 2006, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã bắt tay xây dựng mô hình Cánh đồng lớn để phục vụ nông dân. Mô hình này đã giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, giảm bớt nỗi lo về đầu ra cho hạt lúa, nâng cao thu nhập. Hộ nông dân phải cam kết sử dụng giống lúa, phân bón, hóa chất mà Công ty Bảo vệ thực vật An Giang cung cấp, thực hiện qui trình canh tác theo hướng dẫn của Công ty. Nông dân được cung ứng giống, thuốc, phân bón và trả chậm với lãi suất 0% đến cuối vụ, được hỗ trợ miễn phí các khoản bao bì, vận chuyển, sấy và bao tiêu lúa theo giá thị trường. Công ty có một lực lượng 1.300 cán bộ kỹ thuật hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, quản lý chất lượng, hỗ trợ thu hoạch cho bà con nông dân. Bình quân 1 cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ 20 -25 hộ nông dân. Nông dân được gửi lúa trong kho của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang 30
ngày không tính phí. Nông dân ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng để hạch toán chi phí sản xuất, giúp truy xuất được nguồn gốc, yếu tố then chốt để nâng cao giá trị thương hiệu gạo khi ra thị trường [115].
Mô hình liên kết trực tiếp giữa người nông dân và doanh nghiệp qua hợp đồng có ưu điểm là không thay đổi sở hữu, không thay đổi quyền sử dụng đất (điều mà các hộ nông dân luôn băn khoăn, lo lắng mỗi khi tham gia các mô hình hợp tác, liên doanh liên kết), nhưng vẫn có thể tích tụ được ruộng đất, tập hợp được tư liệu sản xuất, nông dân được hỗ trợ cả đầu vào và đầu ra, có thể hình thành được thương hiệu có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa hiện đại. Tất nhiên, như chúng tôi đã khẳng định, mô hình này chỉ phù hợp với những nơi mà các hộ nông dân có nhiều ruộng đất, ao hồ, họ không nhất thiết phải tham gia các hợp tác xã hay công ty cổ phần nông nghiệp mà vẫn có thể tiến hành sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đối với những nơi ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, các hộ nông dân ít ruộng đất, tư liệu sản xuất thì rất khó áp dụng mô hình này.
Thực chất quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất là một quá trình đổi mới sở hữu trong nông nghiệp và quá trình phân công lại lao động xã hội, tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, ruộng đất và các nguồn lực khác trong lĩnh vực nông nghiệp.