lượng sản xuất nông nghiệp
Hình thức sở hữu tập thể là cơ sở hình thành nên thành phần kinh tế tập thể mà các hợp tác xã là nòng cốt. Trong điều kiện của nền sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay, sở hữu tập thể trong nông nghiệp tồn tại chủ yếu dưới dạng sở hữu của các hợp tác xã nông nghiệp. Do vậy, nói đến hợp tác xã nông nghiệp chính là nói đến mô hình kinh tế điển hình nhất được hình thành trên cơ sở sở hữu tập thể. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp phản ánh hiệu quả sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu nông nghiệp, đặc biệt là ruộng đất.
Trong những năm qua, các nguồn lực thuộc sở hữu tập thể chưa phát huy được hiệu quả, biểu hiện ở sự yếu kém của các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp. Năm 2013, cả nước có 19.800 hợp tác xã và gần 380 nghìn tổ hợp tác với 13,5 triệu xã viên, tổ viên. Lực lượng lao động này chiếm 25,4% tổng số lao động cả nước nhưng chỉ đóng góp khoảng 5% GDP cả nước. Theo Liên minh hợp tác xã Việt Nam, lợi nhuận bình quân của một
hợp tác xã năm 2014 là 246 triệu đồng/năm, tức là một ngày chỉ có 670 nghìn đồng. Các số liệu thống kê hiện nay cho thấy, chỉ có khoảng 10% số hợp tác xã nông nghiệp làm ăn đạt hiệu quả tốt, khoảng 60-70% số hợp tác xã hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, còn lại khoảng 20-30% hợp tác xã đã phải ngừng hoạt động. Chỉ 9% hợp tác xã thực hiện tiêu thụ sản phẩm của xã viên. Như vậy, với số lượng khoảng 1000 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả trong tổng số hơn 10.339 hợp tác xã nông nghiệp ở 9.000 xã của cả nước, với số hộ xã viên chiếm khoảng 4 - 5% hộ nông dân cả nước thì mô hình hợp tác xã hiện nay không thể đóng vai trò dẫn dắt nông nghiệp Việt Nam đi lên trong thời kỳ cạnh tranh toàn cầu [115].
Như chúng ta đã biết, kinh tế tập thể là một trong hai thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể) được xác định là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Do vậy, kinh tế tập thể luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước kể cả trước và trong thời kỳ đổi mới. Tính đến nay, hợp tác xã ở Việt Nam đã trải qua 2 mô hình cơ bản, thời kỳ trước đổi mới là mô hình tập thể hóa tư liệu sản xuất, trong thời kỳ đổi mới là mô hình hợp tác xã cổ phần. Cho dù đã có sự đổi mới về mô hình rất mạnh mẽ nhưng đến nay, hợp tác xã nói chung, hợp tác xã nông nghiệp nói riêng vẫn hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đó, theo chúng tôi là do quá trình hình thành sở hữu tập thể chưa thực sự xuất phát từ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất, chưa xây dựng được một mô hình hợp tác xã phù hợp. Thực tiễn đó đòi hỏi phải tiếp tục có những giải pháp mới mang tính đột phá thì mới có thể khắc phục được tình trạng yếu kém của các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay.