cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu tập thể
Như chúng ta đã biết, sở hữu tập thể là cơ sở hình thành kinh tế tập thể. Trong điều kiện nước ta hiện nay thì kinh tế tập thể chủ yếu tồn tại dưới mô hình hợp tác xã. Hợp tác xã đã xuất hiện ở nước ta cách đây khoảng 60 năm, gắn với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Mô hình này đã có vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, mô hình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, ngay cả khi chuyển từ mô hình tập thể hóa tư liệu sản xuất sang mô hình hợp tác xã cổ phần thì các hợp tác xã ở nước ta vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa phát huy được những nguồn lực sở hữu tập thể nói chung, sở hữu tập thể trong nông nghiệp nói riêng. Vì vậy, để kinh tế hợp tác xã ở nước ta hiện nay phát triển thì cần phải tiếp tục đổi mới, trong quá trình đó cần phải học hỏi kinh nghiệm trên thế giới.
Trên thế giới, hợp tác xã ra đời cách đây khoảng 150 năm. Từ thực tiễn 150 năm đó, có thể đúc kết 9 nguyên tắc thành lập và hoạt động cơ bản của các hợp tác xã như sau: (1) Tự giúp đỡ lẫn nhau; (2) Tự chịu trách nhiệm; (3) Tự quản lý; (4) Mỗi xã viên có quyền biểu quyết như nhau; (5) Bản chất kép (xã viên vừa là chủ sở hữu hợp tác xã vừa là khách hàng mua (sử dụng) dịch vụ của hợp tác xã); (6) Thị trường kép (thị trường bên ngoài là thị trường tiêu thụ hàng hóa của chính các xã viên hợp tác xã, còn thị trường bên trong là thị trường dịch vụ do hợp tác xã cung cấp cho xã viên. Tức là sản phẩm của hợp tác xã chính là các dịch vụ mà hợp tác xã cung ứng cho xã viên chứ không phải là các sản phẩm do bản thân các xã viên tạo ra và sẽ bán ra thị trường xã hội. Vì các xã viên vẫn tiếp tục sản xuất, kinh doanh nên họ không đem tư liệu sản xuất, đất đai, nhà xưởng, vốn liếng của mình góp vào hợp tác xã để hình thành tài sản chung. Họ chỉ góp vốn để hợp tác xã có thể hoạt động và cung cấp dịch vụ lo đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho họ. Các hợp tác xã luôn có vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm của các xã viên); (7) Sở hữu kép và hạch toán kép; (8) Giám sát kép (định kỳ Liên minh hợp tác xã cấp trên tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của các hợp tác xã và bản thân từng hợp tác xã cũng tự kiểm tra, giám sát hoạt động của mình thông qua hoạt động của Ban Kiểm soát). Chính nhờ phương thức giám sát kép này mà
tỷ lệ phá sản của các hợp tác xã tại Đức là 0,06% năm 2012, thấp nhất trong tất cả các loại hình doanh nghiệp. Sau 150 năm phát triển, các hợp tác xã đang hoạt động ở 180 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 800 triệu xã viên, tạo việc làm cho 3 tỷ người. Riêng ở châu Âu có gần 290.000 hợp tác xã với 140 triệu xã viên, trong đó có 30.000 hợp tác xã nông nghiệp; (9) Có trách nhiệm với xã hội [115].
Những nguyên tắc trên có ý nghĩa rất lớn cho quá trình đổi mới, phát triển hợp tác xã ở nước ta hiện nay. Thực tế cho thấy, ở nước ta hiện nay đã xuất hiện một số hợp tác xã được hình thành dựa trên những nguyên tắc này, trong đó điển hình nhất phải kể đến mô hình của hợp tác xã Quý Hiền ở huyện Bảo Thắng – Lào Cai. Sự hình thành, phương thức hoạt động và kết quả sản xuất kinh doanh của hợp tác xã này không phải là sự phủ định kinh tế hộ gia đình, sở hữu của hợp tác xã không phải là sự thay thế sở hữu của hộ gia đình mà chỉ có một phần sở hữu của hộ gia đình chuyển hóa thành sở hữu của hợp tác xã. Điều đó có nghĩa là hợp tác xã không xóa bỏ, không làm thay vai trò chủ hộ sản xuất của người nông dân tự hạch toán mà bằng việc cung cấp các dịch vụ đầu vào với giá thấp hơn, chất lượng cao hơn, thực hiện qui hoạch sản xuất nông nghiệp, tổ chức tiêu thụ sản phẩm của hộ xã viên. Hợp tác xã đã làm sản xuất, kinh doanh của các hộ hiệu quả hơn, thu nhập cao hơn, cạnh tranh thắng lợi trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt và hội nhập quốc tế. Điều này hoàn toàn phù hợp với 9 nguyên tắc thành lập và hoạt động của các hợp tác xã trên thế giới đã được tổng kết qua thực tiễn 150 năm qua [115].
Từ kinh nghiệm của thế giới và thực tiễn Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, trong quá trình xây dựng, phát triển hợp tác xã hiện nay, cần phải chú ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, không nên coi hợp tác xã nông nghiệp như là một sự phủ định kinh tế cá thể của người nông dân, mà phải coi hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tồn tại song song với kinh tế cá thể để hỗ trợ kinh tế cá thể của người nông dân.
Điều này liên quan trực tiếp đến vấn đề sở hữu. Trong quan niệm cũ trước đây, hợp tác xã như là một sự phủ định, thay thế kinh tế cá thể, khi đã vào hợp tác xã, ruộng đất của các hộ nông dân sẽ trở thành ruộng đất của hợp tác xã. Cách làm này không được người nông dân hưởng ứng và đã được thực tiễn chứng minh là không phù hợp, đã bị xóa bỏ. Sau này, đặc biệt là từ khi luật Hợp tác xã năm 1996 ra đời, một mô hình mới đã được hình thành, đó là hợp tác xã cổ phần. Tuy nhiên, ngay cả với mô hình mới này thì các hợp tác xã vẫn chưa hoạt động hiệu quả, bởi lẽ người nông dân nhận thấy họ không có nhiều lợi ích khi trở thành cổ đông của các hợp tác xã; hợp tác xã chưa có sự hỗ trợ hiệu quả cho các hộ nông dân; chưa hình thành được cơ chế gắn bó chặt chẽ giữa hợp tác xã với các hộ nông dân. Thực tế đó đòi hỏi phải tiếp tục điều chỉnh mô hình hợp tác xã theo hướng hợp tác xã tồn tại song song và hỗ trợ kinh tế cá thể của hộ nông dân, có cơ chế gắn bó chặt chẽ giữa hợp tác xã và các hộ nông dân từ đầu vào đến đầu ra của quá trình sản xuất kinh doanh, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Thứ hai, duy trì sở hữu kép và hạch toán kép trong các hợp tác xã nông nghiệp.
Điều này có nghĩa là: các xã viên sở hữu tài sản của mình để sản xuất, kinh doanh, đồng thời sở hữu một phần trong tài sản, lợi nhuận của hợp tác xã. Với tư cách là một doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các dịch vụ cho xã viên có thu tiền để trang trải chi phí, duy trì hoạt động, không để lỗ. Do đó phải hạch toán hoạt động của hợp tác xã. Còn mỗi xã viên do có tài sản riêng
và xản xuất, kinh doanh riêng nên phải hạch toán hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, tự chịu trách nhiệm về lời, lỗ của mình. Cho nên, khi đánh giá hiệu quả hoạt động của hợp tác xã không chỉ đánh giá xem hợp tác xã đó thu được lợi nhuận là bao nhiêu mà phải đánh giá thu nhập từng hộ xã viên có được nhờ sử dụng các dịch vụ do hợp tác xã cung ứng là bao nhiêu, so với thu nhập của các hộ không tham gia hợp tác xã thì thế nào.
Thứ ba, đảm bảo tính tự nguyện trong quá trình hình thành hợp tác xã nông nghiệp.
Chúng ta cũng không nên coi hợp tác xã là một loại hình sản xuất kinh doanh cần phải ưu tiên, mà cần phải coi hợp tác xã cũng bình đẳng như những loại hình sản xuất kinh doanh khác. Vì vậy, Nhà nước chỉ đóng vai trò là xây dựng các cơ chế, chính sách, pháp luật cho quá trình thành lập và hoạt động của hợp tác xã. Nghĩa là quá trình thành lập và hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp phải là sự tự nguyện của các hộ nông dân trên cơ sở pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước. Khi các hợp tác xã đem lại lợi ích thực sự của các xã viên, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thì nó sẽ được các hộ nông dân tự nguyện tham gia. Đây sẽ là điều kiện quan trọng nhất đảm bảo sự phát triển bền vững của các hợp tác xã.
Như vậy, để các nguồn lực thuộc sở hữu tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp được khai thác, sử dụng hiệu quả, chúng ta phải tiếp tục đổi mới mô hình hợp tác nông nghiệp. Phải coi hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức kinh tế tồn tại song song với kinh tế cá thể để hỗ trợ kinh tế cá thể của người nông dân; phải duy trì sở hữu kép, hạch toán kép và phải đảm bảo tính tự nguyện, bình đẳng trong quá trình hình thành và hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp.