Quá trình đổi mới sở hữu ở nước ta từ năm 1986 đến nay

Một phần của tài liệu Sở hữu và tác động của nó đối với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 80 - 95)

So với những năm trước đổi mới thì sở hữu ở nước ta hiện nay đã có sự đổi mới sâu sắc, gắn với quá trình Đảng ta đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong những năm trước đổi mới, sở hữu ở nước ta về cơ bản là không phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, do vậy nó đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của lực lượng sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, làm cho nền nông nghiệp ở nước ta trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu về lương thực, thực phẩm của nhân dân.

Do nhận thức không đúng về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nên trong thời kỳ trước đổi mới, chúng ta chỉ chấp nhận chế độ sở hữu công cộng dưới hai hình thức là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, còn các hình thức sở hữu khác thì thông qua cải tạo xã hội chủ nghĩa đã bị xóa bỏ nhanh chóng. Đối với sở hữu tư bản tư nhân thì bị cải tạo bằng tịch thu, trưng thu hoặc chuyển thành công tư hợp doanh. Còn sở hữu cá thể thì bị cải tạo bằng con đường hợp tác hóa. Những sai lầm về sở hữu thể hiện rõ nét ngay từ Đại hội III năm 1960. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Đảng rất chú ý đến vấn đề hợp tác hóa, coi hợp tác hoá nông nghiệp là một cuộc vận động cách mạng nhằm biến

chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất trong nông nghiệp thành chế độ sở hữu tập thể xã hội chủ nghĩa. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, về cơ bản, chủ trương trên vẫn được tiếp tục duy trì. Dù Văn kiện Đại hội V (1982) của Đảng khẳng định: trong một thời gian nhất định, ở miền Bắc nước ta có 3 thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể và cá thể), ở miền Nam có 5 thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, cá thể và tư bản tư nhân) [22, tr. 67], nhưng trên thực tế, chúng ta không thực sự tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tồn tại, phát triển. Nền sản xuất nông nghiệp vẫn theo mô hình hợp tác xã là chủ yếu.

Việc tiến hành cải tạo một cách ồ ạt các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, cũng như việc quá coi trọng thay đổi sở hữu tư nhân thành sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất dẫn tới việc không tìm ra cơ chế gắn người nông dân với ruộng đất. Với quá trình hợp tác hóa nông nghiệp, ruộng đất từ chỗ là tài sản riêng của người lao động bỗng chốc trở thành những tư liệu được tập thể hoá. Tính chủ động, sáng tạo của người nông dân bị suy giảm vì mọi ruộng đất và các tư liệu sản xuất chủ yếu trong xã hội phải được sử dụng theo phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch Nhà nước. Những sai lầm trong quá trình thiết lập chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa tất yếu dẫn đến tình trạng lực lượng sản xuất bị kìm hãm, không được huy động, khai thác, sử dụng một cách hiệu quả.

Những sai lầm về sở hữu nói riêng, quan hệ sản xuất nói chung đã làm triệt tiêu nhiều động lực quan trọng cho sự phát triển. Nền kinh tế nước ta thời kỳ trước đổi mới lâm vào trạng thái trì trệ trong một thời gian dài, khủng hoảng nghiêm trọng, sản xuất nông nghiệp không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của nhân dân: năm 1986 lạm phát 774,7% [22, tr. 477], năng suất lúa là 28,1 tạ/ha, sản lượng lúa là 16002,9 nghìn tấn [140, tr. 43]. Ở một số địa phương, tình trạng còn trầm trọng hơn nhiều. Chẳng hạn như ở hợp tác xã

Đoàn Xá (Hải Phòng), từ khi đưa nông dân lên hợp tác xã cấp cao, năng suất chỉ đạt 60kg/1 sào. Toàn hợp tác xã có 7000 nhân khẩu mà mỗi vụ thu hoạch được 160 tấn lúa, bằng 1/6 sản lượng thông thường. Trong số lúa đó, phải nộp nghĩa vụ cho Nhà nước 100 tấn, số còn lại là 60 tấn lúa được chia cho 7000 nhân khẩu, nghĩa là mỗi người bình quân chỉ có khoảng 8,5kg thóc trong 6 tháng [118, tr. 213]. Tình trạng khó khăn đó không chỉ có ở hợp tác xã nông nghiệp, mà còn là tình trạng phổ biến của rất nhiều xí nghiệp quốc doanh. Nước ta vốn là một nước nông nghiệp đầy tiềm năng, nhưng trước những khó khăn của nền kinh tế buộc nước ta phải nhập 528,5 nghìn tấn lương thực (quy thóc) vào năm 1986 [118, tr. 267] để giải quyết tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Trong khi đó, ruộng đất hoang chiếm diện tích khá lớn, năm 1985 là 12266,0 nghìn ha, chiếm khoảng 37,1% tổng diện tích các loại đất [118, tr. 125-126].

Khi nói về nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực nông nghiệp, Đảng nhấn mạnh: “Trong tổ chức lại sản xuất và cải tạo xã hội chủ nghĩa nông nghiệp, đã nhận thức đơn giản về chủ nghĩa xã hội, về chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, không nắm vững quy luật quan hệ sản xuất nhất định phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất... Đã chủ quan, nóng vội trong cải tạo, gò ép nhân dân vào hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, đưa hợp tác xã lên quy mô to, trình độ cao, tập thể hóa triệt để tư liệu sản xuất trong khi chưa có đủ điều kiện” [31, tr. 96].

Trước những khó khăn của nền kinh tế nói chung, nền sản xuất nông nghiệp nói riêng, tại Đại hội VI năm 1986, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, cơ bản nhất là đổi mới sở hữu, từ đó đã mở ra một cơ hội lớn cho sự phát triển của đất nước nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng.

Thực ra, trước khi Đại hội VI của Đảng diễn ra, đã có những bước đổi mới về sở hữu, nhưng những nội dung đổi mới này còn nhỏ lẻ, chưa mang tính hệ thống, chưa tạo được những thay đổi mang tính bước ngoặt, phải đến Đại hội VI của Đảng năm 1986 thì mới có những đổi mới căn bản. Một nhận thức quan trọng được Đảng ta rút ra tại Đại hội VI là: “lực lượng sản xuất bị kìm hãm không chỉ trong trường hợp quan hệ sản xuất lạc hậu, mà cả khi quan hệ sản xuất phát triển không đồng bộ, có những yếu tố đi quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Tình hình thực tế của nước ta đòi hỏi phải coi trọng những hình thức kinh tế trung gian, quá độ từ thấp đến cao, từ quy mô nhỏ, đến quy mô lớn. Trong mỗi bước đi của quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, phải đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, tạo ra lực lượng sản xuất mới; trên cơ sở đó tiếp tục đưa quan hệ sản xuất mới lên hình thức và quy mô mới thích hợp để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển” [23, tr. 57]. Đây là đổi mới nhận thức về mặt lý luận quan trọng nhất, có ý nghĩa đột phá, mở đường và chỉ đạo cho quá trình đổi mới nói chung, đổi mới sở hữu nói riêng.

Nếu như trước đổi mới, sở hữu được coi là mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, thì từ Đại hội Đảng lần thứ VI trở đi, sở hữu thực sự được coi là phương tiện để đạt được hiệu quả trong phát triển sản xuất xã hội.

Tại Đại hội VI, Đảng chủ trương đa dạng hóa hình thức sở hữu, thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta còn tồn tại trong một thời gian tương đối dài. Các thành phần kinh tế được Đảng ta xác định tại Đại hội VI là kinh tế xã hội chủ nghĩa và các thành phần kinh tế khác gồm: kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc. Việc đa dạng hóa các hình thức sở hữu cũng như việc thừa nhận nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần thể hiện sự nhận thức

mới của Đảng ta về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chủ trương này cũng cho thấy, quá trình đổi mới sở hữu của Đảng ta đã thực sự xuất phát từ thực trạng phát triển của lực lượng sản xuất: trình độ của lực lượng sản xuất còn thấp kém và có sự đan xen nhiều trình độ, có sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực, các ngành, các vùng. Vì vậy, việc đa dạng hóa các hình thức sở hữu, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một vấn đề mang tính quy luật và được Đảng ta coi là “một giải pháp có ý nghĩa chiến lược, góp phần giải phóng và khai thác mọi khả năng để phát triển lực lượng sản xuất” [23, tr. 56].

Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội VI về đa dạng hóa các hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế, hàng loạt các Nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật ra đời.

Ngày 09 tháng 3 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 27/NĐ về kinh tế tư doanh và Nghị định số 29/NĐ về kinh tế gia đình, cho phép phục hồi lại kinh tế tư nhân. Những bản Nghị định này góp phần thiết thực vào việc khai thác những tiềm năng kinh tế đã bị ách tắc nhiều năm trong mô hình kinh tế tập trung bao cấp, nó cho phép các hộ tư nhân được kinh doanh dễ dàng, kinh tế gia đình cũng được khuyến khích phát triển.

Cũng trong năm 1987, Nhà nước ta đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tạo ra hành lang pháp lý để thu hút các nguồn lực ngoài nước, đặc biệt là vốn và công nghệ hiện đại. Theo Luật này, Nhà nước hoan nghênh và khuyến khích các tổ chức và cá nhân nước ngoài đầu tư vốn và kỹ thuật vào Việt Nam. Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền sở hữu đối với vốn đầu tư và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài [87, tr. 3]. Kể từ khi đổi mới, đây là cơ sở pháp lý đầu tiên để các doanh nghiệp nước ngoài được tham gia vào nền sản xuất của đất nước.

Đến tháng 4 năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về cải tiến chế độ quản lý trong sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết đã chỉ ra những sai lầm trong mô hình hợp tác hóa trước đây, và “công nhận sự tồn tại lâu dài và tác dụng tích cực của kinh tế cá thể tư nhân trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, thừa nhận tư cách pháp nhân, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật” [31, tr. 115-116]. Với Nghị quyết này, các hộ nông dân cá thể được khuyến khích bỏ vốn và sức lao động để mở mang sản xuất.

Tháng 03 năm 1989, Hội nghị Trung ương 6 khóa VI đã diễn ra. Tại Hội nghị này, Đảng nhận thấy quyền sở hữu, sử dụng và thừa kế tài sản, quyền kinh doanh,...chưa được quy định thành luật nên nhiều người chưa yên tâm, mạnh dạn bỏ vốn sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, quan điểm của Đảng tại Hội nghị này là coi chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Cũng tại Hội nghị này, một điểm mới được Đảng chỉ ra là: các hình thức sở hữu không tồn tại biệt lập mà có nhiều loại hình hỗn hợp, đan xen nhau. Sự phân chia giản đơn các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa và phi xã hội chủ nghĩa, cũng như việc chia cắt và đối lập các hình thức sở hữu là không phù hợp với thực tế [31, tr. 483].

Nhằm hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng, năm 1990, Nhà nước ta đã ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp một chủ sở hữu tư nhân). Luật này quy định rõ: chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật; quyền sở hữu tư liệu sản xuất, quyền thừa kế về vốn, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân được Nhà nước bảo hộ [81, tr. 6]. Cũng trong năm 1990, Nhà nước ta ban hành Luật Công ty để điều chỉnh các doanh nghiệp đa sở hữu. Theo Luật này thì mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên cũng như các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội Việt Nam có quyền góp vốn đầu tư hoặc tham gia thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần theo Luật này; Nhà nước bảo

hộ quyền về sở hữu tư liệu sản xuất và công nhận sự tồn tại lâu dài, tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật của công ty [82, tr. 5-8]. Có thể khẳng định rằng, đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng cho sự hình thành, phát triển của sở hữu tư nhân và hỗn hợp.

Đến Đại hội VII năm 1991, vấn đề sở hữu và các thành phần kinh tế được Đảng ta xác định rõ ràng hơn so với Đại hội VI, phản ánh rõ nét hơn những đặc trưng của lực lượng sản xuất ở nước ta. Đảng chủ trương thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp. “Các hình thức sở hữu có thể hỗn hợp, đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh doanh đa dạng. Các doanh nghiệp không phân biệt quan hệ sở hữu đều tự chủ kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh với nhau, bình đẳng trước pháp luật” [25, tr. 115-116]. Như vậy, ngay từ Đại hội VII của Đảng, vấn đề bình đẳng giữa các hình thức sở hữu, các loại hình doanh nghiệp đã được đặt ra với mục đích tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, kích thích các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vấn đề sở hữu và thành phần kinh tế tiếp tục được khẳng định rõ trong Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp quy định: “Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng” [45, tr. 19]. Kể từ khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đây là lần đầu tiên chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu được khẳng định trong Hiến pháp, góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư thuộc khu vực kinh tế tư bản tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm sản xuất kinh doanh.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 1993, Luật đất đai được ban hành. Cũng thời điểm này, Chính phủ ban hành Nghị định 64/CP về giao đất nông nghiệp (27 - 9 - 1993), Nghị định số 02/CP (5 - 7 - 1994) về giao đất lâm nghiệp. Với những văn bản pháp luật này, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp, được sử dụng lâu dài vào mục đích sản xuất nông, lâm sản. Đặc biệt là với Luật đất đai năm 1993 thì “Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất [83, tr. 7]. Như vậy, quyền sử dụng đất của người nông dân đã bao quát rất nhiều các quyền lợi có từ đất đai, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sản xuất. Đặc biệt là người nông dân có quyền thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn sản xuất kinh doanh.

Năm 1995, Bộ luật Dân sự ra đời, nhiều nội dung quan trọng liên quan đến sở hữu đã được thể chế hóa về mặt pháp lý. Điều 173 của Luật này quy định rõ quyền sở hữu, quyền này bao gồm “quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm

Một phần của tài liệu Sở hữu và tác động của nó đối với lực lượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 80 - 95)