Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

Một phần của tài liệu Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), Thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình (Trang 43 - 48)

3.1.1 Lịch sử hình thành và phát triển của công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao

3.1.1.1 Thông tin chung về Công ty

Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là một đơn vị thành viên của Tổng công ty Rau quả Việt Nam, là thành viên của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tiền thân là nông trường quốc doanh Đồng Giao, được thành lập vào ngày 26/12/1955, sau đổi tên thành Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Dưới đây là một số thông tin cơ bản về Công ty:

Tên đầy đủ

: CÔNG TY CỔ PHẦM THỰC PHẨM XUẤT KHẨU ĐỒNG GIAO

Tên quốc tế :

DONG GIAO FOODSTUFF EXPORT JONT STOCK COMPANY

Tên viết tắt : DOVECO

Trụ sở chính : Phường Trung Sơn – Thị xã Tam Điệp – Tỉnh Ninh Bình VP đại diện : Số 162 - Nguyễn Ngọc Nại - quận Thanh Xuân - Hà Nội Điện thoại : 84.30.3770353

Fax : 84.30.3864325

Email : ctcpxkdg@.hn.vnn.vn Website : www.doveco.com.vn

Vị trí địa lí

Công ty CPTPXK Đồng Giao đóng trên địa bàn Thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, cách trung tâm thành phố Ninh Bình 12km về phía Nam.

Phía Bắc giáp xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư Phía Nam giáp huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa Phía Đông giáp xã Yên Thắng, huyện Yên Mô Phía Tây giáp xã Sơn Hà, huyện Nho Quan

Công ty có địa hình tương đối đa dạng, bao gồm đồng bằng, đồi núi trung du và đặc biệt là có quốc lộ 1A chạy qua. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các tiểu vùng kinh tế, thuận tiện trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa đến nơi tiêu thụ.

Điều kiện thời tiết, khí hậu

Công ty nằm trên địa bàn Thị Xã Tam Điệp, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam, gió Lào khô nóng vào mùa hè. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 22,3 0C, độ ẩm không khí trung bình từ 75-80%, tổng số giờ nằng là 1250-1500 giờ. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1496mm, tập trung từ tháng 6 đến tháng 9. Điều kiện tự nhiên và thời tiết khí hậu của vùng phù hợp với việc phát triển các loại cây ăn quả như: dứa, lạc tiên, vải, cà phê, lạc...

3.1.1.2 Lịch sử hình thành và phát triển của Công ty

Công ty CPTPXK Đồng Giao là một trong những công ty có lịch sử phát triển lâu đời. Tiền thân là Nông trường quốc doanh Đồng Giao, được thành lập vào ngày 26/12/1955. Quá trình phát triển của Công ty được chia thành năm giai đoạn:

Giai đoạn từ năm 1955 – 1975:

Đây là quá trình Nông trường Đồng Giao vừa được thành lập nên gặp nhiều khó khăn, phương hướng sản xuất liên tục thay đổi. Đến giữa năm 1956, 1200 cán bộ công nhân của Nông trường hăng say lao động, tập trung vào nhiệm vụ duy nhất là khai hoang. Được sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh ủy, Ủy Ban hành chính tỉnh Ninh Bình, đến cuối năm 1957, hơn 2000 ha rừng hoang vu đã được thay bằng những cánh đồng bằng phẳng, rộng mênh mông chạy dài từ Đồi Vải đến Trại Ngọc Dốc Giang (giáp tỉnh Thanh Hóa).

Cà phê là loại cây trồng chiếm diện tích lớn nhất và gắn bó với nông trường hơn 30 năm. Năm 1957, giống cây cà phê mít được đưa vào trồng, đây được coi là biểu tượng của Nông trường khi đó, sau 7 năm diện tích cà phê đạt 1317 ha. Tuy nhiên, trong lịch sử cây cà phê ở Đồng Giao chỉ có hai mùa bội thu là vụ cà phê năm 1965 với sản lượng là 1400 tấn và năm 1973 với sản lượng 1800 tấn. Do sự hạn chế về quá trình chăm sóc, cũng như điều kiện thời tiết bất lợi, cây cà phê liên tục bị thua lỗ.

Năm 1965, Nông trường được Bộ Nông nghiệp trang bị cho một nhà máy hiện đại với công nghệ của Cộng hòa liên bang Đức, đầu máy, xe tải, đường rải đá với chiều dài 30 km.

Năm 1967, dứa được đưa về trồng thử nghiệm với diện tích 0,5 ha ở Đồng Giao đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Nông trường. Năm 1971, cây dứa được đưa vào trồng ở Đồng Giao với diện tích 65 ha. Năm 1973, vụ dứa đầu tiên thu hoạch với sản lượng 26 tấn, đến năm 1974 sản lượng đã tăng lên 84 tấn và năm 1975 sản lượng dứa đạt 333 tấn. Diện tích trồng dứa của nông trường tăng từ 65 ha lên 220ha năm 1975.

Giai đoạn từ năm 1976 – 1990

Từ năm 1972, dứa đã trở thành cây trồng chính, tồn tại và phát triển cùng với những bước thăng trầm, trở thành biểu tượng cho sự bền bỉ vươn lên của Nông trường Đồng Giao. Cây có duyên nợ lâu đời, đã một thời được mệnh danh là nữ hoàng đen, trải qua bao khó khăn, bom đạn vẫn gắn bó với mảnh đất, con người Đồng Giao và khẳng định giá trị kinh tế của mình. Năm 1977, sản lượng dứa của Nông trường đạt 2000 tấn. Cây dứa gắn liền với mảnh đất và cuộc sống của con người Đồng Giao, đi vào trong từng câu hát, lời thơ:

“Tôi ngơ ngẩn giữa sắc vàng dứa chín Một sắc vàng tin cậy của Đồng Giao”

Trước sự phát triển nhanh cả về diện tích và sản lượng dứa quả, một vấn đề đặt ra đối với Nông trường là làm thế nào phải chế biến, tiêu thụ và

xuất khẩu để nâng cao giá trị kinh tế cho cây dứa. Ngày 22/3/1978, quyết định về việc đầu tư xây dựng nhà máy dứa đông lạnh với công suất 5000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư hơn 5,3 tỷ đồng đã được phê duyệt. Năm 1979, sản lượng dứa đông lạnh là 198 tấn. Đến năm 1982, sản phẩm dứa đông lạnh đạt 458 tấn, năm 1986 đạt 1035 tấn và đến 1990 đạt 2000 tấn. Các sản phẩm của Nông trường cung cấp cho các thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Liên Xô.

Nông trường đã khôi phục lại cây cà phê, đẩy nhanh tốc độ trồng mới, đưa giống cà phê chè Cutara vào thay thế cho giống cà phê Tiphica. Tuy nhiên, giống cà phê mới không đem lại cho Nông trường lợi nhuận mong muốn, đến năm 1985 cây cà phê đã bị xóa sổ trên bản đồ Nông trường Đồng Giao, nhường chỗ cho sự phát triển của cây dứa.

Giai đoạn từ 1991 – 1999

Thời kì này, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới có nhiều biến động. Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết năm 1991 đã khiến thị trường xuất khẩu truyền thống bị thu hẹp. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Đồng Giao bước vào thời kì khó khăn, thử thách. Từ năm 1991-1994, nhà máy đông lạnh vẫn hoạt động nhưng sản lượng giảm dần: năm 1991 sản xuất 768 tấn, năm 1992 là 230 tấn, năm 1993 là 260 tấn và đến 1994 sản xuất 360 tấn. Diện tích dứa giảm, từ chỗ chiếm 50% diện tích đất nông nghiệp xuống còn 15% vào năm 1996. Sau khi chương trình 1triệu tấn đường của Chính phủ được triển khai, Nông trường đã chủ trương trồng mía để thay thế khi thị trường xuất khẩu dứa khó khăn. Năm 1993 diện tích trồng mía là 10 ha, năm 1995 là 115 ha, năm 1997 là 752 ha và đến năm 1999 diện tích là 627 ha. Tuy nhiên, sau đó giá mía trên thị trường lại sụt giảm mạnh, hiệu quả kinh tế của cây mía thấp, vì thế diện tích trồng mía bị thu hẹp.

Ngày 28/01/1993, Bộ Nông và Công nghiệp thực phẩm cho phép Xí nghiệp xây dựng mới nhà máy đồ hộp chế biến rau quả với công suất 1500

tấn/năm. Từ đó việc tiêu thụ dứa ổn định, sản lượng trong từ năm 1994-2000 là 6600 tấn, trong đó dứa hộp chiếm 85%, còn lại là rau quả khác. Cây dứa đã được hồi sinh tại vùng đất Đồng Giao. Tuy vậy, giống dứa Queen cho năng suất không cao, không được thị trường thế giới ưa chuộng. Năm 1998, sau khi tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước, cây dứa Cayen đã được đưa về trồng tại Đồng Giao, cho năng suất cao đồng thời đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Năm 1999, năng suất dứa Cayen đạt 45 tấn/ha.

Giai đoạn 2000 – 2005

Ngày 07/06/2000, Nông trường Đồng Giao 2 được sát nhập vào Công ty thực phẩm Đồng Giao, đánh dấu một bước phát triển mới. Công ty thực hiện khôi phục và mở rộng vùng nguyên liệu dưa chuột, ngô ngọt, ngô rau...ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định...Giai đoạn 2000-2005, diện tích dứa liên tục tăng, năm 2003 là 1100 ha, tổng sản lượng dứa quả đạt 90000 tấn. Công ty tạo việc làm cho 5000 lao động trong và ngoài tỉnh Ninh Bình. Bên cạnh đó, Công ty đã đề xuất và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án “Cải tạo nâng cấp và đổi mới thiết bị Nhà máy chế biến thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình”. Đây là một thuận lợi cho Đồng Giao, mở ra một thời kì tự lực, tự chủ, xây dựng và phát triển kinh tế, đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, sẵn sàng thâm nhập vào thị trường trong nước và thế giới.

Năm 2001, Công ty sản xuất được 2598 tấn sản phẩm các loại. Năm 2005 sản xuất được 6473 tấn sản phẩm, tăng xấp xỉ 2,5 lần. Năm 2002, Công ty vinh dự được nhận danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lược vũ trang nhân dân thời kì chống Mỹ cứu nước”, chứng chỉ ISO 9001 phiên bản 2000 và chứng chỉ HACCP. Điều này có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu sự phát triển và hội nhập, là chìa khóa để thương hiệu DOVECO hội nhập vào thị trường thế giới. Thông qua các hội chợ ở Đức, Pháp, Nhật Bản,...khách hàng từ EU đến Hoa Kì, từ Đông Nam Á đến Nhật Bản đã kí kết hợp đồng mua bán với Đồng

Giao. Năm 2003 và năm 2004, Công ty đã được Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam tặng danh hiệu Sao vàng đất Việt và Bộ thương mại khen tặng về việc tìm kiếm thị trường mới.

Giai đoạn 2006 đến nay

Chiến lược cải cách kinh tế của Đảng và Nhà nước đang bước vào thời kì đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, Đồng Giao - một đơn vị hoạt động kinh tế cũng không đứng ngoài dòng chảy chung đó. Ngày 01/06/2006, theo Quyết định số 253/QB/BNN-TCCB của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao được đổi tên thành Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, đánh dấu một bước phát triển mới. Công ty đầu tư máy ép thuỷ lực 20 tấn nhằm tận dụng tối đa nguyên liệu dứa, tăng hiệu suất thu hồi lên 10%. Do đó, các sản phẩm của Công ty tung ra thị trường luôn đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như: ngô ngọt, ngô nghiện đóng hộp, vải pure, vải cô đặc, lạc tiên pure. Hiện nay, công ty đang nghiên cứu để đa dạng hóa các loại sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của con người.

Một phần của tài liệu Chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), Thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w