2.1.2.1 Nhu cầu thị trường phong phú, đa dạng và thường xuyên biến đổi
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, nhu cầu của con người ngày càng đa dạng. Trong thời kì kế hoạch hóa tập trung, nhu cầu thị trường mang yếu tố cứng nhắc, bị ảnh hưởng bởi yếu tố cung thì ngày nay nhu cầu là yếu tố thực sự quyết định sự vận động của thị trường. Rau quả là một trong những mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày của con người. Thị trường rau quả là một thị trường lớn, phát triển kinh doanh trong thị trường này sẽ đem lại cho các doanh nghiệp nguồn lợi nhuận đáng kể.
2.1.2.2 Do tiến bộ của khoa học kĩ thuật nên chu kì sống của sản phẩm bị rút ngắn
Ngày nay, các cuộc cách mạng công nghệ diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng. Một khối lượng đồ sộ các phát minh, sáng chế ra đời đã tạo ra ngày càng nhiều công nghệ, máy móc, thiết bị, công nghệ mới. Chính vì vậy, chu kì của sản phẩm ngày càng bị rút ngắn. Các doanh nghiệp phải xem xét, đánh giá sản phẩm đang ở giai đoạn nào trong chu kì sống để có chiến lược phát triển đúng đắn. Nếu sản phẩm đang ở giai đoạn bão hòa thì doanh nghiệp cần tìm cách để cải tiến sản phẩm đó nhằm kéo dài tuổi thọ và đưa ra những sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
2.1.2.3 Xu hướng chuyên môn hóa kết hợp với đa dạng hóa trong sản xuất kinh doanh
Việc nhận thức đúng mối quan hệ giữa chuyên môn hóa và đa dạng hóa là cơ sở để xác định con đường đi đúng đắn của doanh nghiệp. Khi mức độ đa dạng sản phẩm càng cao thì mức độ chuyên môn hóa càng thấp và ngược lại. Tuy nhiên, về nội dung đó không phải là hai quá trình độc lập mà có mối quan hệ gắn bó, ràng buộc lẫn nhau. Bản thân sản phẩm chuyên môn hóa của doanh nghiệp cũng cần phải được cải thiện về cả hình thức và nội dung, tăng thêm kiểu dáng mẫu mã để phù hợp với nhu cầu thị trường. Qua đó, sản phẩm chuyên môn hóa của doanh nghiệp cũng cần được đa dạng hóa về chủng loại. Với nhiều doanh nghiệp, việc thực hiện chuyên môn hóa thường không sử dụng hết nguồn lực của mình. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực, doanh nghiệp cần mở rộng danh mục sản phẩm của mình, tức là đa dạng hóa sản phẩm.
2.1.2.4 Hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn trong kinh doanh
Hạn chế rủi ro do thuế cao vào một số sản phẩm của doanh nghiệp đang kinh doanh, luật pháp chống độc quyền, cấm mở rộng kinh doanh ngành, sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đang tham gia.
2.1.2.5 Đa dạng hóa góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
Đa dạng hóa trên cơ sở nguồn lực sẵn có sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất, tăng lợi nhuận kinh doanh.
Đa dạng hóa tạo cơ hội thâm nhập thị trường quốc tế, nắm bắt kỹ thuật mới.