2.1.4.1 Các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp a) Nhu cầu thị trường
Trong điều kiện cơ chế thị trường, mỗi doanh nghiệp phải bám sát nhu cầu và đưa ra những sản phẩm dịch vụ mà thị trường cần. Việc điều tra phân tích nhu cầu thị trường phải được coi là một trong những công tác quan trọng hàng đầu trong quản lí doanh nghiệp. Trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của doanh nghiệp, yếu tố quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất đến phương hướng và mức độ đa dạng hóa sản phẩm chính là nhu cầu thị trường.
- Kiểu cách, mẫu mã, kích cỡ mỗi loại sản phẩm mà thị trường đòi hỏi. Việc phân khúc nhu cầu thị trường có ý nghĩa quan trọng trong việc phân tích nhu cầu thị trường về mỗi loại sản phẩm. Vì vậy, để cung cấp hàng hóa dịch vụ với số lượng, chất lượng, giá cả cụ thể theo đúng yêu cầu của khách hàng thì việc phân đoạn thị trường có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp.
- Nhu cầu sản phẩm có liên quan đến người tiêu dùng, nghĩa là phân tích bề rộng nhu cầu các loại sản phẩm. Để xác định phương hướng đa dạng hóa sản phẩm, cũng cần xem xét điều kiện để sản xuất, kết cấu và tính chất sản phẩm.
- Các loại sản phẩm có thể thay thế, việc phân tích các loại sản phẩm này nhằm hạn chế rủi ro khi thực hiện đa dạng hóa sản phẩm.
- Sự vận động của sản phẩm trong chu kì sống của nó. Việc đa dạng hóa nếu nhằm vào sản phẩm đang ở chu kì suy thoái thì sẽ làm tăng rủi ro trong kinh doanh.
Mỗi doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế thị trường đều bị chi phối bởi quy luật cạnh tranh. Quy luật này đòi hỏi doanh nghiệp phải có cơ cấu sản phẩm và danh mục sản phẩm hợp lí để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong thị trường. Nếu cơ cấu sản phẩm không phù hợp, tất yếu sản phẩm của doanh nghiệp đó sẽ bị đào thải. Do đó, buộc doanh nghiệp cần có chiến lược hợp lí.
c) Các chính sách của Nhà nước
Mỗi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều phải tuân thủ các chính sách và quy định của Nhà nước. Các chính sách của Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó có thể là tác động tích cực hoặc tiêu cực. Chính sách của nhà nước được thể hiện qua các công cụ như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách thuế, chính sách về đất đai...
2.1.4.2 Các nhân tố bên trong doanh nghiệp a) Trình độ nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực là một trong những nguồn lực quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Để thực hiện bất kì chiến lược kinh doanh nào, mỗi doanh nghiệp cần có đội ngũ công nhân có chuyên môn và kiến thức cần thiết. Nếu một doanh nghiệp có nguồn nhân lực có kĩ năng, chuyên môn, nghề nghiệp tốt thì năng suất lao động sẽ cao, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thành công và ngược lại. Như vậy, nhân lực là một trong những nhân tố có ảnh hưởng lớn đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Hệ thống cơ sở vật chất, khoa học-công nghệ
Trong nền kinh tế hiện đại hiện nay, sự phát triển của mỗi doanh nghiệp không thể tách rời sự phát triển của công nghệ. Muốn phát triển đa dạng, mở rộng quy mô buộc doanh nghiệp đó phải có một nền tảng vững chắc về cơ sở vật chất. Khoa học-công nghệ giúp cho quá trình sử dụng đầu vào trở nên đa dạng hơn. Từ một nguyên liệu đầu vào thô ban đầu, doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều loại sản phẩm hơn, chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn.
c) Quy mô về nguồn vốn
Để có thể phát triển sản xuất, mỗi doanh nghiệp cần có một lượng vốn nhất định để đầu tư đầu vào, nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị,...Đối với các công ty cổ phần, vốn là một công cụ để thu hút nguồn đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ căn cứ vào cơ cấu về chất lượng và số lượng vốn để quyết định có nên đầu tư vào doanh nghiệp đó hay không? Rõ ràng, vốn là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Nguồn vốn cũng là một trong những công cụ để kiểm tra hoạt động của đơn vị và lựa chọn chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp.