Môi trường đầu tư quốc gia bao gồm nhiều nhân tố cấu thành. Các nhân tố thuộc môi trường đầu tư của một quốc gia được thể hiện trong hình dưới đây.
Trong các nhân tố của môi trường đầu tư quốc gia nói trên, các nhân tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút FDI đó là:
• Nhân tố về mặt pháp lý :
Hệ thống pháp luật đầu tư là thành phần quan trọng của môi trường đầu tư, bao gồm các văn bản luật, các văn bản quản lý hoạt động đầu tư (như hướng dẫn đầu tư, đánh giá, thẩm định dự án và quản lý các hoạt động đầu tư,...) nhằm tạo nên hành lang pháp lý đồng bộ và thuận lợi nhất cho hoạt động FDI.
Các quy định trong hệ thống pháp luật đầu tư của nước sở tại phải đảm bảo sự an toàn về vốn và cuộc sống cá nhân cho nhà đầu tư khi hoạt động đầu tư đó của họ không làm phương hại đến an ninh quốc gia. Nội dung của hệ thống luật ngày càng đồng bộ, chặt chẽ, không chồng chéo, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế thì khả năng hấp dẫn FDI càng cao.
Chính sách ĐTNN bao gồm một hệ thống các chính sách, công cụ và biện pháp thích hợp mà Nhà nước áp dụng để điều chỉnh các hoạt động đầu tư quốc tế của một quốc gia.
Những chính sách FDI phù hợp theo nghĩa rộng thường được xác định là những chính sách tốt nhất nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh nội địa cạnh tranh và năng động. Những nguyên tắc về tính minh bạch, tính không phân biệt đối xử là phương tiện để thu hút các công ty nước ngoài và để có thể hấp thụ được những lợi ích từ sự hiện diện của chúng trên thị trường nội địa. Những chính sách kinh tế của nước sở tại có khả năng làm tối đa hoá lợi ích và tối thiểu hoá chi phí cho các dự án FDI triển khai đều có sức thuyết phục các nhà ĐTNN bỏ vốn đầu tư.
Các chính sách ĐTNN hấp dẫn FDI của nước tiếp nhận chủ yếu bao gồm : chính sách thương mại, chính sách tiền tệ, các mức ưu đãi về tài chính, tiền tệ, ưu đãi về thuế…
• Nhân tố về cơ sở kết cấu hạ tầng
Cơ sở hạ tầng là công cụ để thu hút FDI. Ngoại trừ đối với các nhà ĐTNN chuyên kinh doanh trong lĩnh vực hạ tầng, còn sự phát triển của cơ sở hạ tầng kỹ thuật của một quốc gia tiếp nhận FDI luôn là điều kiện vật chất hàng đầu để các chủ đầu tư có thể nhanh chóng thông qua các quyết định, và triển khai trên thực tế các dự án đầu tư đã cam kết. Một tổng thể hạ tầng phát triển phải bao gồm một hệ thống giao thông vận tải phát triển với các cầu,
cảng, đường xá, kho bãi và các phương tiện vận tải đủ sức bao phủ quốc gia và đủ tầm hoạt động quốc tế; một hệ thống bưu điện thông tin liên lạc viễn thông với các phương tiện nghe-nhìn hiện đại, có thể nối mạng thống nhất toàn quốc và toàn cầu; hệ thống điện nước dồi dào và phân bổ tiện lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống và một hệ thống mạng lưới cung cấp các loại dịch vụ khác phát triển rộng khắp, đa dạng và có chất lượng cao (y tế, giáo dục, giải trí, các dịch vụ hải quan, tài chính, ngân hàng, thương mại, quảng cáo, kỹ thuật v.v..).
• Nhân tố về lao động
Để có thể hấp thụ được những lợi ích từ việc chuyển giao công nghệ và củng cố kỹ năng của lực lượng lao động cũng như kỹ năng quản lý của FDI, nguồn nhân lực nội địa cần phải được phát triển đạt mức có khả năng hấp thụ và liên kết được những tri thức do các nhà ĐTNN cung cấp. Một thực tế phổ biến trên thế giới cho thấy, dòng vốn nước ngoài đổ vào một nước càng nhiều và càng được khai thác có hiệu quả khi nước đó có năng lực hấp thụ vốn ĐTNN càng cao. Một nước càng kém phát triển càng ít có cơ hội để tiếp nhận tư bản nước ngoài.
Đội ngũ nhân lực có kỹ thuật cao là điều kiện hàng đầu để một nước nghèo vượt qua được những hạn chế về tài nguyên thiên nhiên và trở nên hấp dẫn các nhà ĐTNN. Việc thiếu các nhân lực kỹ thuật lành nghề, các nhà lãnh đạo, quản lý cao cấp, các nhà doanh nghiệp tài ba và sự lạc hậu về trình độ khoa học - công nghệ trong nước sẽ khó lòng đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư để triển khai các dự án của họ, làm chậm và thu hẹp lại dòng vốn nước ngoài chảy vào trong nước.
Mức độ phát triển kinh tế bao gồm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, GDP/đầu người có ảnh hưởng lớn tới quyết định của nhà đầu tư.
Qui mô và tính chất thị trường tiềm năng. Yếu tố này qui định qui mô và tính chất của hoạt động sản xuất và hướng luồng đầu tư vào các sản phẩm và lĩnh vực mà thị trường có nhu cầu. Vì vậy, nhà ĐTNN thường hướng đến các thị trường lớn để đầu tư.
Hệ thống doanh nghiệp trong nước. Một hệ thống doanh nghiệp trong nước phát triển, đủ sức hấp thụ công nghệ chuyển giao, và là đối tác ngày càng bình đẳng với các nhà ĐTNN, là điều kiện cần thiết để nước tiếp nhận đầu tư có thể thu hút được nhiều và hiệu quả hơn dòng vốn nước ngoài. Hệ thống các doanh nghiệp đó phải bao gồm cả những doanh nghiệp sản xuất lẫn dịch vụ ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề và thành thạo các nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, đủ sức giữ được thị phần thích đáng tại thị trường trong nước và ngày càng có sức cạnh tranh quốc tế.
• Nhân tố thuộc về vị trí địa lý và tự nhiên.
Các nhân tố này bao gồm: yếu tố sẵn có của nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, vị trí thuận lợi cho hoạt động vẩn chuyển, giao thương, điều kiện về khí hậu thời tiết…Những nhân tố này có ảnh hưởng thuận lợi hoặc khó khăn trong quá trình tiến hành hoạt động sản xuất. Vì vậy, nó cũng có ảnh hưởng đến việc ra quyết định đầu tư của nhà đầu tư.