1.3.1.1. Khái niệm KCN
Có nhiều quan niệm khác nhau về KCN và khu chế xuất. Các quan niệm này được xây dựng để thực hiện các mục tiêu nhất định như phát triển các KCN, quản lý nhà nước về KCN hoặc khai thác tác động của KCN đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Theo luật Đầu tư 2005 định nghĩa :
" Khu công nghiệp là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện
các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo quy định của Chính phủ ".(4)
Theo quy chế KCN, KCX, KCNC ban hành kèm theo Nghị định 36/CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ, khái niệm KCN, KCX được hiểu như sau :
"Khu công nghiệp là khu tập trung các doanh nghiệp KCN chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống ; do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, trong khu công nghiệp có thể có doanh nghiệp chế xuất".(5)
Trong giai đoạn toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế với sự chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp và kinh tế tri thức, quan niệm về KCN được mở rộng. Các giao dịch kinh tế không phải chỉ điều chỉnh bằng các quy định pháp lý trong nước mà còn bằng cả các quy định pháp lý quốc tế đặc biệt là những nguyên tắc của WTO. WTO cho phép thành lập các (4) Luật Đầu tư (2005)
KCN và khu chế xuất với những ưu đãi không được trái với các nguyên tắc điều chỉnh của WTO. Quá trình duy trì những ưu đãi này thường gắn với quá trình đàm phán giữa các bên và sau khi đã trở thành thành viên chính thức, các nước thành viên phải sửa đổi các ưu đãi "nổi trội" này để phù hợp với những nguyên tắc tự do, minh bạch và công bằng cũng như các thông lệ của WTO.
Qua các khái niệm được qui định trong luật và từ thực tế hình thành các KCN trong những năm trước đây ta có thể hiều :
Khu công nghiệp là một vùng lãnh thổ xác định, được phát triển có hệ thống, theo một kế hoạch tổng thể, nhằm cung cấp địa điểm cho các ngành công nghiệp với hệ thống kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng và các dịch vụ hỗ trợ phát triển ở mức độ khác nhau, được hưởng chính sách và cơ chế quản lý thích hợp tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia trong từng giai đoạn cũng như mức độ hội nhập của quốc gia đó.
1.3.1.2. Đặc điểm KCN.
• Về mặt pháp lý
KCN tập trung là một phần lãnh thổ của nước sở tại, các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp tập trung chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước sở tại. Ví dụ, các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN tập trung ở Việt Nam chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, trong đó bao gồm: Qui chế về KCN & KCX, Luật đầu tư , Luật lao động…
• Về mặt kinh tế
KCN tập trung là nơi tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp, cụ thể là:
- Huy động được các nguồn lực của nước sở tại, của nhà đầu tư nước ngoài đóng góp vào việc phát triẻn cơ cấu vùng và các ngành công nghiệp ưu tiên theo mục tiêu của nước sở tại.
- Việc phát triển kinh tế của KCN tập trung thuận lợi hơn so với các khu vực khác của đất nước.Đó là do các KCN được áp dụng quy chế và các thủ tục thông thoáng, hấp dẫn hơn các khu vực khác (trừ Khu chế xuất), chẳng hạn như: thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ; được hưởng khuyến khích tài chính, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội…đồng thời có cơ sỏ hạ tầng phát triẻn hiện đại hơn.
1.3.1.3. Vai trò của KCN
KCN phát triển thúc đẩy các vùng kinh tế mới của mỗi quốc gia, tạo lập và thúc đẩy các mối liên kết tích cực, trực tiếp và gián tiếp giữa các cơ sở kinh doanh trong và ngoài KCN để tạo ra những xung lực mới cho nền kinh tế. Chính sự liên kết này đã tạo cho KCN một khả năng tận dụng các nguồn lực trong nước, những nguồn lực được sử dụng kém hiệu quả ở nơi khác. KCN sẽ là đầu tầu kéo theo sự phát triển của vùng lân cận và các vùng khác của mỗi quốc gia. Như vậy, KCN có tác động lan tỏa đối với các vùng lân cận và cả nền kinh tế chứ không chỉ ở năng suất lao động, hay thu nhập của người lao động tăng cao hơn.
Thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển, thúc đẩy CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN.
KCN góp phần giải quyết việc làm thông qua việc sử dụng một lực lượng lớn lao động tại chỗ, tạo thêm nhiều việc làm mới, tạo thu nhập cho người lao động và thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu lao động, đào tạo kỹ năng, tay nghề cho người lao động, tạo cầu cho sự phát triển nhiều ngành nghề dịch vụ.
Với việc ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất, quản lý khoa học sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ, hiện đại hóa cách thức quản lý sản xuất.
Vấn đề ô nhiễm môi trường do các nhà mày sản xuất gây ra đang là một vấn đề nhức nhối. Việc xây dựng các KCN tập trung sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát, xử lí chất thải bảo vệ môi trường, giảm được chi phí cho việc xử lí chất thải. Đồng thời, các KCN tập trung còn là địa điểm tốt để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ các đô thị, các thành phố lớn, phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững.
1.3.2. Đặc điểm của việc thu hút FDI vào KCN
Thu hút FDI vào KCN cũng mang những đặc trưng của thu hút FDI nói chung. Các đặc trưng này bao gồm:
- Đây là một hoạt động có định hướng dựa trên chiến lược phát triển và mục tiêu thu hút FDI. Dựa trên cơ chế chính sách và pháp luật để thực hiện thu hút FDI.
- Hoạt động này được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú và được thực hiện bởi nhiều cấp, ngành của nước sở tại.
- “ Cùng có lợi” được coi là nguyên tắc cơ bản để giải quyết các quan hệ giữa các bên trong quá trình thu hút FDI.
- Có sự gặp gỡ, cọ xát giữa các nền văn hóa khác nhau trong quá trình thực hiện hoạt động. Có sự tham gia của nhiều bên với nhiều ngôn ngữ và quốc tịch khác nhau.
- Hoàn thiện, xây dựng môi trường đầu tư và xúc tiến đầu tư là hai nội dung quan trọng nhất của hoạt động thu hút FDI.
Bên cạnh những đặc trưng chung, hoạt động thu hút FDI vào KCN cũng mang những đặc trưng riêng do đặc điểm của KCN tạo ra. Các đặc trưng đó là:
- Đầu tư vào KCN là đầu tư tập trung khác với đầu tư ngoài KCN là đầu tư phân tán. Do đó, để thu hút được FDI vào KCN thì ta cần phải tạo ra môi trường đầu tư trong KCN có tính cạnh tranh cao hơn so với môi trường đầu tư ngoài KCN. Nước sở tại phải có nhiều chính sách và biện pháp ưu đãi hơn đối với việc đầu tư vào KCN.
- KCN là nơi tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp, đóng góp vào việc phát triển cơ cấu vùng và ngành công nghiệp nên mục tiêu thu hút FDI vào KCN phải tập trung thu hút về vốn và công nghệ. Phát huy được tác động dẫn dắt và lan tỏa của KCN đối với các vùng và khu vực xung quanh.
1.3.3. Nội dung của việc thu hút FDI vào KCN.
Hoạt động thu hút FDI vào KCN cũng mang những đặc điểm của hoạt động của hoạt động thu hút FDI nói chung. Do vậy, nội dung của hoạt động thu hút FDI vào KCN cũng giống như nội dung của hoạt động thu hút FDI nói chung. Tuy nhiên, trong nội dụng của hoạt động thu hút FDI vào KCN thì 2 công việc: xây dựng hoàn thiện môi trường đầu tư trong KCN và xúc tiến đầu từ vào KCN có sự khác biệt về nội dung và cách thức thực hiện. Trong phần này, em xin trình bày rõ hai công việc này.
1.3.3.1. Xây dựng và hoàn thiện môi trường đầu tư trong KCN.
Như đã trình bày, môi trường đầu tư được phân loại theo nhiều cách. Trong chuyên đề này, em xin sử dụng cách phân loại môi trường đầu tư theo các nhân tố cấu thành môi trường đầu tư trong khu công nghiệp. Do vậy, việc
xây dựng và hoàn thiện môi trường đầu tư trong KCN bao gồm các công việc cụ thể sau:
1.3.3.1.1. Xây dựng chiến lược, qui hoạch phát triển KCN.
Chiến lược phát triển KCN thể hiện quan điểm mục tiêu định hướng và các chính sách cơ bản để phát triển KCN trong một khoảng thời gian dài, ít nhất là 10 năm được xây dựng dựa trên cương lĩnh và đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước.
Xây dựng Chiến lược phát triển KCN phải dựa trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, chiến lược phát triển của vùng, lãnh thổ, chiến lược phát triển công nghiệp, chiến lược phát triển công nghệ…Đây là một công việc đặc biệt quan trọng đòi hỏi phải có sự tham mưu, lấy ý kiến từ trung ương đến địa phương, các bộ ngành và các tổ chức xã hội.
Qui hoạch phát triển KCN : là một công cụ vô cùng quan trọng trong chính sách KCN và là một nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại của các KCN trong tương lai. Hoạt động này là bước cụ thể hóa của chiến lược phát triển KCN theo thời gian và không gian nhất định. Ở tầm vĩ mô, qui hoạch tông thế phát triển KCN là việc xác định số lượng KCN, vị trí và qui mô từng khu, ngành hàng và lĩnh vực dự kiến thu hút đầu tư trong từng thời kì nhất định. Ở tầm vi mô (trong mỗi KCN) đó là việc xác định cơ cấu diện tích giữa đất giành cho sản xuất, đất giành cho các công trình kết cấu hạ tầng KCN, đất giành cho cây xanh và các công trình dịch vụ khac như : nhà ở cho người lao động, khu thương mại… và cơ cấu ngành hàng đầu tư.
Nếu quy hoạch phát triển KCN được xây dựng phù hợp với qui hoạch và chiến lược phát triển kinh tế xã hộicửa đất nước, của mỗi vùng, địa phương trong từng thời kì, phù hợp với qui hoạch phát triển ngành trên vùng lãnh thổ.
Đồng thời, KCN được đặt ở những nơi có đủ điều kiện để phát triển nó sẽ đảm bảo cho các KCN hoạt động có hiệu quả và ngược lại.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, quy hoạch phát triển KCN.
1.3.3.1.2. Xây dựng cơ sở hạ tầng KCN.
Cơ sở hạ tầng KCN được xây dựng bởi các nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KCN. Dựa trên qui hoạch về phát triển KCN đã được duyệt, các nhà đầu tư này sẽ thuê lại đất của nhà nước, tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng KCN bao gồm xây dựng hạ tầng về: đường nội bộ, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, hệ thống cấp điện, cấp nước, hệ thống thông tin liên lạc…Sau khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng, nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KCN sẽ cho các nhà đầu tư thứ cấp khác thuê lại mặt bằng, nhà xưởng có sẵn để họ tiến hành sản xuất kinh doanh. Nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KCN sẽ thu phí cho thuê đất, phí duy tu hạ tầng và các loại phí dịch vụ khác mà họ cung cấp cho các nhà đâu tư thứ cấp.
Lợi thế của KCN chính là cơ sở hạ tầng đã được xây dựng đồng bộ và hiện đại, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để tiến hành hoạt động xây dựng nhà xưởng hoặc sản xuất kinh doanh ngay lập tức của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư thứ cấp sẽ không phải mất thời gian vào các công việc như: giải phóng và chuẩn bị mặt bằng xây dựng, duy tu và sửa chữa cơ sở hạ tầng…cũng như được sử dụng các dịch vụ tiện ích khác. Lợi thế này giúp cho KCN tăng khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư với các khu vực ngoài KCN.
Chính từ tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, nước sở tại cần phải có nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN.
1.3.3.1.3. Xây dựng hệ thống biện pháp ưu đãi về kinh tế.
Để tạo ra lợi thế thu hút đầu tư vào KCN thì hệ thống biện pháp ưu đãi về kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng. Hệ thống biện pháp này phải thể hiện được tính cạnh tranh so với những khu vực ngoài KCN và phải được thể chế hóa về mặt pháp lý.
Mục tiêu cao nhất của các nhà đầu tư là lợi nhuận. Có nhiều yếu tố tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp, song yếu tố tác động trực tiếp nhất là các loại thuế ( thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thuế xuất nhập khẩu). Vì vậy, chính sách ưu đãi của nhà nước cũng chủ yếu tập trung vào các loại thuế này .
Hệ thống biện pháp ưu đãi về kinh tế bao gồm : ưu đãi về thuế ( thuế VAT, thuế TNDN, thuế Xuất nhập khẩu…), các hỗ trợ về tài chính như: vay vốn ưu đãi, giá thuê đất, thời gian khấu hao tài sản cố định…Các biện pháp ưu đãi về kinh tế này được ban hành bới Chính phủ áp dụng cho phạm vị cả nước và được ban hành bởi địa phương áp dụng cho phạm vi của từng địa phương.
1.3.3.1.4. Xây dựng cơ chế đầu tư và tổ chức quản lý KCN.
Quản lý nhà nước đối với KCN cần phải có sự phân chia rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quản quản lý nhằm làm cho bộ máy đó vận hành một cách thông suốt để quản lý hiệu quả đối với hoạt động của KCN. Bộ máy tổ chức quản lý KCN cần phải gọn nhẹ, tinh giảm, hạn chế đến mức thấp nhất tệ quan liêu, giấy tờ, phiền nhiễu và tránh tình trạng cơ quan nhà nước can thiệp trực tiếp vào công việc của chủ đầu tư.
Xây dựng cơ chế đầu tư hiệu quả, thông thoáng và nhanh gọn. Cơ chế đầu tư chủ yếu liên quan đến công tác: thẩm tra dự án, cấp mới, điều chỉnh, thu hồi các loại giấy chứng nhận đầu tư.
• Thẩm tra dự án FDI.
Hoạt động này là việc nghiên cứu và phản biện một cách có tổ chức, khách quan và khoa học những nội dung cơ bản của một dự án FDI nhằm đánh giá tính hợp lí, mức độ hiệu quả và tính khả thi của dự án từ đó đưa ra quyết định cấp giấy phép hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đối với dự án FDI.
• Cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư trong KCN.
Sau khi thẩm định dự án FDI, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành cấp giấy phép đầu tư cho các dự án FDI theo quyết định phân cấp giấy phép đầu tư của chính phủ.Việc phân cấp giấy phép đầu tư để hướng tới các dự án FDI có thể khác nhau về số cấp và tiêu chuẩn phân cấp cụ thể nhưng giống nhau ở một số vấn đề có tính nguyên lý chung: Đó là các dự án quy mô lớn, đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân thường do các cơ quan nhà nước cao nhất nắm giữ từ đó phân cấp dần cho các cơ quan nhà nước cấp thấp hơn.
Trong qua trình thực hiện dự án, một số dự án có nhu cầu mở rộng hoặc thu nhỏ hoạt động sản xuất của mình, các cơ quan nhà nước sẽ xem xét để điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cùa các dự án đó.