Nhóm giải pháp về luật pháp, chính sách

Một phần của tài liệu Tăng cường thu hút FDI vào các Khu công nghiệp ở Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Trang 112 - 113)

Mục tiêu hàng đầu của việc hoàn thiện luật pháp, chính sách để thu hút đầu tư nói chung và đối với KCN nói riêng là tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng. Việc này bao gồm: hoàn thiện về hệ thống chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý và sự minh bạch, công khai, đơn giản của thủ tục hành chính theo hướng phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Để thực hiện nhiệm vụ này cần phải thực hiện các công việc sau đây:

Tiếp tục rà soát pháp luật, chính sách để sửa đổi hoặc loại bỏ các điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư không phù hợp với cam kết của Việt Nam với WTO và có giải pháp đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư liên quan. Xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp về lộ trình cam kết mở cửa đầu tư nước ngoài làm cơ sở xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư.Thực hiện các cam kết về cải cách thể chế, trong đó quan trọng nhất là hệ thống pháp luật về thuế và các chính sách phi thuế quan. Thực hiện các bước cắt giảm thuế theo lịch trình cam kết với Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA ), Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc ( ACFTA ) và WTO, đồng thời đưa ra các phương án để loại trừ hàng rào phi thuế quan như: cắt giảm, tiến tới xóa bỏ hạn ngạch, trợ cấp bù lỗ xăng dầu, cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ tệ quan liêu, tham nhũng.

Chấn chỉnh tình trạng ban hành và áp dụng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trái với quy định của pháp luật. Tăng cường tập huấn, phổ biến nội dung và lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Hệ thống chính sách pháp luật về đất đai, lao động, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng cần được xúc tiến, đảm bảo cho hệ thống chính sách và mô

hình QLNN đối với KCN có tính động bộ và cơ chế thực thi hữu hiệu. Quốc hội cần nhanh chóng thông qua Luật Chống độc quyền, Luật Chống bán phá giá và các luật thương mại khác. Thực thi nghiêm túc luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể hóa Luật Cạnh tranh để nâng cao hiệu lực thi hành, nhằm bảo vệ cạnh tranh trung thực, lành mạnh, xử lý nghiêm hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi cản trở, hạn chế cạnh tranh, độc quyền...

Theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh. Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn các luật mới, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua trong năm 2006 có liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Ban hành các ưu đãi khuyến khích đầu tư đối với các dự án xây dựng các công trình phúc lợi (nhà ở, bệnh viện, trường học, văn hoá, thể thao) cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, đảm bảo sự tương thích với các luật pháp hiện hành.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và mỗi nước thành viên EU, Hoa Kỳ.

Một phần của tài liệu Tăng cường thu hút FDI vào các Khu công nghiệp ở Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Trang 112 - 113)