Xây dựng chính sách pháp luật đối với KCN

Một phần của tài liệu Tăng cường thu hút FDI vào các Khu công nghiệp ở Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Trang 44 - 45)

Chính sách và pháp luật đối với KCN chính là công cụ quản lý KCN của nhà nước và là cơ sở pháp lý bảo đảm cho hoạt động của nhà đầu tư. Việc xây dựng chính sách pháp luật đối với KCN vừa phải đảm bảo sự thông thoáng, khuyến khích được các NĐT đầu tư vào KCN vừa phải đảm bảo được sự quản lý của Nhà nước và phù hợp với thông lệ, luật chơi chung của quốc tế.

Nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn đầu tư trong một môi trường luật pháp rõ ràng, đơn giản, có tính ổn định, lâu dài, qui định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của nhà đầu tư. Một hệ thống pháp luật có tính pháp lý cao, các thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn sẽ là nhân tố hấp dẫn các nhà đầu tư.

1.3.3.2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào

KCN.

Xúc tiến đầu tư vào KCN là một hoạt động quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá về KCN, các dự án tiếp nhận đầu tư trong KCN, cung cấp các thông tin liên quan đến các dịch vụ đầu tư cho các nhà ĐTNN. Nội dung chính của hoạt động xúc tiến đầu tư vào KCN bao gồm các công việc cụ thể sau :

Thành lập các cơ quan chuyên trách về xúc tiến đầu tư vào KCN ở các cấp.

Việc thành lập các cơ quan chuyên trách về xúc tiến đầu tư vào KCN là rất cần thiết, đảm bảo được năng lực, hiệu quả và sự chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Các cơ quan xúc tiến đầu tư có thể bao gồm các cơ quan của Chính phủ, các bộ ngành và của từng địa phương. Các cơ quan này có thể đặt văn phòng đại diện của mình tại nước ngoài để tạo thuận lợi trong hoạt động của mình tại nước ngoài.

Xây dựng danh mục thu hút FDI vào KCN.

Danh mục này cho biết các ngành nghề, các lĩnh vực trong KCN được Chính phủ và địa phương khuyến khích đầu tư, không khuyến khích đầu tư hay cấm đầu tư. Dựa trên danh mục này, các nhà ĐTNN sẽ lựa chọn các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư thích hợp với mình. Ngoài ra, danh mục này cũng nhằm đảm bảo thực hiện được các mục tiêu thu hút FDI của Chính phủ nước sở tại.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư.

Các cơ quan chuyên trách về xúc tiến đầu tư có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư. Các chương trình xúc tiến đầu tư này rất đa dạng có thể là một số hoạt động sau : tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư kết hợp với các chuyến thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo đứng đầu nhà nước, tổ chức hội thảo giới thiệu về cơ hội đầu tư ở trong và ngoài nước, xây dựng các trang thông tin chuyên về hoạt động xúc tiến đầu tư, phát hành các ấn bản về đầu tư giới thiệu về : sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, các thành tựu đã đạt được, các chính sách ưu đãi đầu tư...

Để hoạt động xúc tiến đầu tư này đạt hiệu quả cao thì cần có một chiến lược về xúc tiến đầu tư, sự hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và của từng KCN nước sở tại.

Một phần của tài liệu Tăng cường thu hút FDI vào các Khu công nghiệp ở Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Trang 44 - 45)