Kết cấu truyện kể hay văn xuôi tự sự là cách tổ chức các yếu tố ngoại diên để hình thành một vọng tuyến soi sáng ý nghĩa và giá trị của tác phẩm.
Với HS cần giúp họ gọi tên và phân biệt nội dung của bố cục, kết cấu và cấu trúc tác phẩm văn xuôi tự sự. Sự phân biệt này phụ thuộc vào sự quan sát, tiếp cận trong khi đọc VBTS. Bố cục là sự theo dõi thời gian xảy ra của cốt truyện. Kết cấu là lối tiếp cận những tình tiết, biến cố trong không gian nghệ thuật, còn cấu trúc là sự tổng hòa hai lối tiếp cận trên. Chính vì thế mà cấu trúc VBTS là một loại tri thức cần được vận dụng sau khi HS đã nắm được bố cục và kết cấu tác phẩm. Nhìn chung cấu trúc bao gồm các yếu tố được biểu hiện đặc biệt trong các cấp độ phụ thuộc nhau như đề tài, chủ đề, tư tưởng chủ đề, hệ thống hình tượng, ngôn ngữ.
Cần giúp HS nhận diện và hiểu ý nghĩa nghệ thuật của các loại hình kết cấu như kết cấu “đầu cuối tương ứng” trong truyện Chí Phèo; kết cấu “đảo ngược sự kiện, vừa tạo điểm nhấn bằng sự kiện và biến cố” trong truyện Vợ nhặt; kết cấu “dòng tâm tư”
trong truyện Hai đứa trẻ; kết cấu “đối thoại và độc thoại nội tâm” trong truyện Lão Hạc; kết cấu “tự thú” trong truyện Một người Hà Nội; kết cấu “dòng ý thức của nhân vật trong cuộc và nhân vật ngoài cuộc” trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa.
Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 đã bổ sung một số tác phẩm tự sự ở trung học phổ thông. Những tác phẩm mang hơi thở hiện đại của văn xuôi tự sự được chọn đưa vào bên cạnh những tác phẩm thành danh và ghi được những dấu ấn phát triển thể loại tự sự từ thế hệ có tuổi đời gần nhau như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng đến lứa sau có cách viết dữ dội, đào sâu vào hiện thực đắng cay với thái độ trung thực hơn như Bảo Ninh với “Mây trắng còn bay”, như Nguyễn Huy Thiệp với “Muối của rừng”, như Nguyễn Quang Lập với “Tiếng lục lạc”. Đây là cách làm mới những hiểu biết đa dạng về sự sáng tạo không ngừng của văn học trong nhà trường đồng thời tạo cơ hội cho bạn đọc - học sinh suy nghĩ về “những con đường chưa đi” của sự đọc hiểu và thế nào là “văn học phản ánh hiện thực” và đâu là “sự sáng tạo trong cách viết” của nhà văn đúng nghĩa và thế nào là “sự trưởng thành về phẩm chất và năng lực đọc hiểu” được khích lệ bởi việc tự đọc văn, đọc nhiều lần, đọc như không bao giờ đầy đủ luôn đồng hành với HS.
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi phát hiện ra một điều thú vị đáng lưu ý, đó là tài năng kiệt xuất của nhà bác học L.Vygotxky. Về tâm lý học ông là chỗ dựa để hiểu được thuyết kiến tạo xã hội, đúng hơn là kiến tạo xã hội nhận thức nhằm đề cao hành động học như “cách thức tư duy trong hành động”. Bên cạnh đó L. Vygotxky còn là người có những đóng góp mới cho lý thuyết văn xuôi tự sự rất độc đáo.
Phương pháp phân tích tác phẩm “Hơi thở nhẹ” của nhà văn lưu vong Nga tại Pháp - Bunhin rất thuyết phục trên cơ sở bám sát vào cốt lõi của truyện kể như bố cục, kết cấu, cấu trúc nghệ thuật văn xuôi tự sự với khái niệm phân bố, sự kiện, tình tiết, giọng điệu, ý nghĩa hiển lộ và tiềm tàng mà L. Vygotxky tạo ra.
L. Vygotxky rất chú trọng đến “tài liệu trong truyện kể” như là tất cả những gì mà tác giả nhận được từ cuộc sống, từ quan hệ sinh hoạt đời thường, lịch sử, hoàn cảnh xã hội, tính cách, tình huống, trường hợp có thật đã từng tồn tại trước khi có truyện kể. Việc phân bố những tài liệu này theo quy luật kết cấu nghệ thuật chính là hình thức của tác phẩm. Thứ hình thức này không chỉ là hình thức bên ngoài mà là hình thức tác phẩm được mở ra như một yếu tố khắc phục, cải biến tính trơ lì và bất động của hình thức cũ.
Nếu trong dạy học, GV phân tích tìm hiểu tài liệu này như là nội dung tác phẩm thì bạn đọc - HS sẽ nhận ra một trật tự được thay đổi như thế nào và với cách phân bố các phần như thế không phải bằng lý lẽ mà là “cách kể tư liệu sống ấy”.
Đối với L. Vygotxky, cốt truyện là chất liệu của tự sự. Đó là hệ thống sự kiện, các hành động chưa được tác giả gia công sáng tạo. Ông dành thuật ngữ/khái niệm tình tiết để gọi cốt truyện đã được cải biến theo kiểu của văn học. Theo cách đó thì cốt truyện là chất liệu thô còn tình tiết truyện kể mới là hình thức nghệ thuật của tác phẩm tự sự. Theo dõi tiếp ta biết chỉ khi nào sự phân bố có nghệ thuật các sự kiện làm cho chúng biến thành một cốt truyện nghệ thuật thoát ra khỏi trình tự thời gian thông thường của câu chuyện thì sẽ được xem là cốt truyện tác phẩm tự sự. Sự phân bố sự kiện theo đường thẳng tự nhiên với một trật tự xác định được, ta sẽ có được bố cục của truyện kể. Bố cục theo L. Vygotxky mang tính năng động hơn cốt truyện.
Khi dạy học đọc hiểu VBTS, GV cần tìm hiểu xem vì sao tác giả lại xây dựng khối tài liệu đó theo kiểu như vậy? Với mục đích nào tác giả lại mở đầu bằng sự kiện, tình tiết đó. Việc đảo lại trình tự tình tiết có ý nghĩa gì trong nghệ thuật dẫn dắt sự hồi hộp căng thẳng cho người đọc. Hệ thống phân bố sự kiện và hành động làm nổi bật lên những tình tiết rõ ràng của tác phẩm tự sự nói với người đọc điều gì? Phải chăng tác giả đã sống và lớn lên trong chính cuộc sống ấy và tìm thấy vẻ đẹp đặc biệt ở các sự kiện đó và cũng có thể đó là sự đánh giá hay cách hiểu của người đọc bất đồng với nhận thức và biểu hiện của tác giả trong tác phẩm. Có thể tìm thấy điều này trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
Bản thân tài liệu làm thành nội dung truyện kể vốn đã chứa đựng một nghĩa đơn giản nào đó nhưng nhờ bố cục tổ chức lại nội dung tài liệu truyện kể theo một hàm ý mới và phân bố nội dung truyện kể theo một phương án khác đã tạo cho những cái đó trở thành nghệ thuật trong “hình thức tự sự”.
GV cần hỗ trợ HS đánh giá được cái hay của việc tổ chức bản thân ngôn ngữ của tác giả như cách lựa chọn từ ngữ, cú pháp, miêu tả kết hợp với trần thuật xen kẽ với các đoạn đối thoại của nhân vật. Những cái đó được co cụm lại súc tích hay dàn trải, phơi bày hay ẩn chìm, điêu luyện tinh tế hay gan ruột suồng sã, uyên bác hay dân dã, tụ tập vào kiến tạo nghĩa hay tan loãng ra trong sự kết nối liên tưởng của người đọc.
Sự lý thú trong lý thuyết tự sự của L. Vygotxky là chỗ ông đã đi ngược lại sự khẳng định của mỹ học cổ điển về văn học trong suốt bao thế kỷ về sự hài hòa của nội dung và hình thức. Qua đó, giúp chúng ta phát hiện ra đây là sự nhầm lẫn tai hại với kiểu dạy học Văn đơn giản không chạm tới được vai trò sáng tạo hình thức nghệ thuật đa dạng của tác phẩm phức tạp rất nhiều nhưng chúng ta đã không nhận ra.
Nguyên lý hay sự nhận định của L. Vygotxky về “hình thức tiêu diệt nội dung”
được hiểu chính xác là hình thức gắn kết với nội dung, đấu tranh và khắc phục nội dung bậc thấp từ ngôn từ đến hình tượng mới tạo nên được chiều sâu của nội dung và ý nghĩa tư tưởng của đề tài, chủ đề, chủ đề tư tưởng và giá trị đương thời lịch sử và giá trị đương đại, thời sự của chúng.
Thực chất của vấn đề “hình thức tiêu diệt nội dung” buộc người đọc tiến hành nguyên tắc đọc là đối thoại buộc nội dung ý nghĩa và giá trị của tác phẩm không được
tĩnh tại nằm yên trong sự hoàn tất. Đối thoại là bản chất của ý thức tư tưởng con người và lại càng phải phát huy hơn nữa trong kiến tạo xã hội về tri thức. Ý nghĩ của con người chỉ trở thành ý nghĩ đích thực khi nó trở thành tư tưởng với điều kiện tiếp xúc năng động với ý nghĩ của người khác được thể hiện thành tiếng nói khác và cũng là một ý thức khác được diễn đạt thành ngôn ngữ. Đối thoại chính là cơ hội khắc phục sự hiểu biết có giới hạn của cá nhân HS trong dạy học kiến tạo.