nhà trường phổ thông. Bối cảnh hiện tại là sự giao thoa giữa chương trình, tài liệu dạy học hiện hành (2006) và chương trình, tài liệu dạy học mới (2018). Tuy nhiên, phải thấy là mục tiêu khi dạy học VBTS theo QĐKT cần được soi chiếu và kiểm soát bởi chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới đã được chính thức thực hiện từ tháng 2 năm 2019. Theo chương trình này, văn bản tự sự với các yếu tố cơ bản trở thành nội dung đầu vào. Yêu cầu cần đạt về năng lực đọc hiểu văn bản tự sự (năng lực chuyên môn) và các năng lực chung khác cùng các phẩm chất được hình thành, bồi đắp gắn với nội dung và phương pháp đọc văn bản tự sự trở thành đầu ra của quá trình dạy học. Chẳng hạn, đầu vào của nội dung dạy học văn bản tự sự (truyện ngắn) ở lớp 11 được chương trình xác định: “Truyện ngắn hiện đại: không gian, thời gian, câu chuyện, nhân vật, người kể chuyện, điểm nhìn và sự thay đổi điểm nhìn, lời người kể chuyện, lời nhân vật”. Văn bản được gợi ý trong phần ngữ liệu gồm : Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Chí Phèo, Đời thừa (Nam Cao), Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Người trong bao (Sê-khốp),... Từ đầu vào này, hoạt động dạy học đọc hiểu văn bản tự sự theo quan điểm kiến tạo cần đảm bảo mục tiêu đầu ra là học sinh có thể đọc hiểu được nội dung, đọc hiểu được hình thức của văn bản tự sự, liên hệ kết nối để phản hồi, đánh giá được văn bản tự sự đó, có khả năng đọc mở rộng các văn bản tự sự có độ khó tương đương trong và ngoài chương trình ở các bối cảnh đọc nhà trường và ngoài xã hội. Đây là mục tiêu cuối cùng, mục tiêu lớn nhất. Từ mục tiêu này, để kiểm soát tốt quá trình kiến tạo ý nghĩa của học sinh, người dạy cần cụ thể hóa mục tiêu chung vào từng văn bản đọc hiểu cụ thể. Ví dụ, đây là mục tiêu đầu tiên trong yêu cầu “đọc hiểu nội dung văn bản văn học” thuộc chương trình đọc hiểu lớp 11: “Phân tích được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, sự kiện, nhân vật và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm; nhận xét được những chi tiết quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản”. Mục tiêu trên sẽ được cụ thể hóa thành những nội dung cụ thể hơn khi tổ chức dạy học đọc hiểu văn bản “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam) như nhận diện đề tài trẻ em, phân tích các chi tiết thể hiện bức tranh đời sống phố huyện, phân tích các chi tiết thể hiện tâm trạng của nhân vật Liên, nhận ra và phân tích, đánh giá được chi tiết đặc sắc về hình ảnh chuyến tàu đêm trong văn bản…
Với tư cách là cái đích, mục tiêu dạy học đọc hiểu văn bản tự sự sẽ quyết định việc người dạy, người học lựa chọn các hoạt động kiến tạo nào để đáp ứng chuẩn đầu ra về phẩm chất, năng lực được xác định trong chương trình dạy học.
3.1.2. Đảm bảo môi trường kiến tạo dân chủ, tích cực trong dạy học đọc hiểu VBTS VBTS
Môi trường học tập bao gồm tất cả các yếu tố bên trong và bên ngoài luôn tác động tích cực hay tiêu cực vào quá trình dạy học. Môi trường bên ngoài là GV, bạn học, trường lớp, gia đình và xã hội. Môi trường bên trong bao gồm đời sống tinh thần và thể
chất của HS. Đó là tiềm năng trí tuệ, năng lực tư duy, tình cảm, ý chí, khát vọng lí tưởng, nội tâm, kinh nghiệm, phẩm chất, phương pháp học tập…
Điều quan trọng nhất trong quan hệ thân thiện, dân chủ, tích cực của dạy học kiến tạo tri thức là đề cao sự tôn trọng lẫn nhau giữa thầy và trò. Đó là tiền đề tạo ra sự độc lập, khai phóng, đầy trách nhiệm của HS trong quá trình nhận thức và kiến tạo tri thức.
Người thầy trong dạy học kiến tạo ngày càng đặt niềm tin chắc chắn vào học trò để họ tự do phát triển tri thức, cá tính, nhân cách, để thực sự hiểu tự học là tự ý thức bản thân, tự điều chỉnh đi tới mục đích. Ngay cả động cơ học tập tích cực, chủ động cũng phải xuất phát từ HS để họ trải nghiệm và được thử thách trong việc tìm kiếm thông tin mới của chủ thể học tập, nhằm phát triển quan niệm đúng đắn về sự tích cực trí tuệ của bản thân. Sự tích cực trí tuệ của HS bao gồm cả năng lực siêu nhận thức như năng lực mở rộng sự hiểu biết về quá trình học tập của bản thân diễn ra một cách thực chất. Điều này được quan tâm trước hết là thao tác tư duy, kĩ năng làm kế hoạch, giám sát điều khiển và đánh giá kết hoạch học tập. Bên cạnh đó là chiến lược tiếp thu, lưu giữ, sử dụng hiểu biết tri thức, kĩ năng, thái độ hiện có, nhằm giải quyết thông minh các vấn đề nảy sinh trong học tập. Thậm chí cả niềm vui học tập, niềm tin vào kết quả định hướng hành động, đưa ra những quyết định sáng suốt kịp thời trong học tập, kể cả những phương tiện, công cụ khác của nhận thức như trực giác, kinh nghiệm thực tế cũng được coi là siêu nhận thức.
Hoạt động kiến tạo ý nghĩa của HS trong đọc hiểu văn bản diễn ra trong một môi trường cụ thể. Yếu tố môi trường có thể tác động vào động cơ, niềm tin, ý chí, sự tự tin về khả năng đọc hiểu của mình ở bản thân người học. Đây là những yếu tố vốn thuộc “phần chìm” của “tảng băng” năng lực. Tác động tích cực sẽ làm cho sự vận hành, kết nối các yếu tố này hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu đầu ra (bề nổi) của tảng băng năng lực đó. Đặc biệt, từ tiếp cận theo QĐKT, HS được gieo niềm tin rằng họ có thể đọc được văn bản tự sự dựa trên những yếu tố nền tảng đã có của mình cũng như những yếu tố mình cần và có thể tìm kiếm, bổ trợ thêm để tòa nhà tri thức được xây dựng trong quá trình đọc hiểu thêm bề thế, vững chãi. Mỗi người kiến tạo nên tác phẩm từ văn bản theo nền tảng của cá nhân họ. Ý nghĩa của tác phẩm là sự “thương lượng” giữa nhà văn với bạn đọc, giữa các bạn đọc HS với nhau, giữa bạn đọc HS với bạn đọc thầy cô. Hiểu biết này cho thấy tính chất dân chủ của hoạt động kiến tạo trong đọc hiểu. Nếu môi trường được tạo dựng không có độ mở của sự dân chủ, tích cực thì chắc chắn HS sẽ không sẵn sàng dám bộc lộ tất cả những gì họ đang thực sự hiểu về văn bản đọc. Kết quả là họ sẽ chỉ nói ra những gì thầy cô giáo muốn nghe, lựa chọn sản phẩm đọc hiểu được xây dựng sẵn từ người khác để tiếp nhận, vì làm như thế “độ an toàn” sẽ cao hơn là dám chấp nhận dấn thân, tự mình làm một cuộc hành trình đọc hiểu nhiều khó khăn, thử thách, lại hàm chứa những rủi ro thất bại.