2.4.1. QĐKT trong dạy học
Quan điểm được hiểu rộng hơn định nghĩa. Nó gần với tư tưởng nhưng còn mơ hồ trừu tượng chưa định hình như tư tưởng, nơi xuất phát của lý thuyết đã có nội dung cụ thể được biểu hiện bằng hệ thống khái niệm, thuật ngữ. Hiểu tư tưởng là hiểu mục đích cuối cùng của đối tượng tức là phải diễn giải, xác định tư tưởng.
Hiện nay người nghiên cứu dùng QĐKT, tư tưởng kiến tạo, lý thuyết kiến tạo. Giữa chúng có sự phân biệt rất mong manh cần lưu ý. Không ai có thể đưa ra những định nghĩa chắc chắn. Khi vận dụng QĐKT chúng tôi chủ yếu đặt nó vào vị trí quán triệt những nội dung cơ sở của lý thuyết và tư tưởng kiến tạo trong quá trình dạy học đọc hiểu VBTS.
QĐKT trong dạy học góp phần điều chỉnh lại cơ chế dạy học truyền thống bằng cách tập trung nhiều hơn vào hành động học tập tích cực của HS để tạo nên tri thức mới trên nền tảng tri thức và kinh nghiệm đã có.
Có những lý do chính đáng để quan điểm kiến tạo trong dạy học ngày nay tồn tại. Về mặt văn hóa, gồm cả thành tựu văn hóa và thái độ văn hóa đòi hỏi con người cần tiếp thu những gì hợp lý của thành tựu khoa học đã đạt được và trân trọng sự tiến bộ chung của nhân loại.
Về mặt thời đại, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thông tin, tri thức, trí khôn nhân tạo để phát triển năng lực và nhân phẩm con người chứ không hủy hoại bản sắc người bằng thượng tôn rôbốt. Phải chắt lọc thông tin đầy ắp để có tri thức và từ tri thức hữu dụng để có thể sống cuộc đời mình bằng sự hiền minh sáng suốt. Hòa nhập vào thế giới, đại bộ phận chúng ta sống khá đầy đủ về vật chất tiêu dùng và dư thừa thông tin, tri thức không còn phù hợp về mặt chân lý và hữu dụng nữa nên phải kiến tạo, tức là tự làm lấy cho mình những tri thức mới từ kiến thức nền đã biết. Nói vậy cũng có nghĩa là dạy học kiến tạo không chỉ chú trọng vào hành động học của HS mà còn phải phát triển tư duy sáng tạo ở họ mới có khả năng kiến tạo nên tri thức mới trong quá trình nhận thức. Quá trình dạy học kiến tạo như chúng ta biết không chỉ bao gồm nhận thức trí tuệ đã được đúc kết thành khoa học mà còn phát huy cái mà Sôcơrát (470-399 trước Công nguyên) đã nêu lên về chủ thể cá nhân có ý thức về mình, để từ cái đang tồn tại có thật ấy trở thành cơ sở vật chất của tư duy như một hoạt động không thể thiếu trong quá trình nhận thức để sáng tạo tri thức. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển triết học và tâm lý học, “cái thế giới tinh thần vô hạn và vĩnh hằng của con người với hai thuộc tính “tư duy” và “trí tưởng tượng” đã được đánh thức để nhận ra con người cần phải biết suy nghĩ về chính mình, trong trường hợp này là biết suy nghĩ về cách học, trước tiên là học tư
duy để học lấy việc học bằng tự kiến tạo tri thức cho mình để dùng trong thực tiễn cuộc đời tốt đẹp hơn.
Những điều vừa trình bày có liên quan đến những nội dung thiết yếu như ai kiến tạo? Chính HS nhưng không thể quên vai trò của GV. HS có nhiệm vụ kiến tạo tri thức mới, GV kiến tạo tri thức cơ bản và con đường nhận thức bằng tư duy để học sinh tìm kiếm tri thức mới hơn. Đôi khi GV phải kiến tạo siêu nhận thức hỗ trợ học sinh trong dạy học bằng tư duy phản biện và sáng tạo. Quá trình này được tích hợp vào quá trình dạy học.
Có thể hiểu thuyết kiến tạo là sự kiến tạo xã hội về thực tại của con người trong mọi lĩnh vực. Thực chất đó là sự nghiên cứu về xã hội học nhận thức. Nói đến nhận thức cũng là nói đến tư duy hình thành kiến thức.
Tại sao người ta lại gọi thuyết kiến tạo là sự kiến tạo xã hội, có lẽ là do mọi kiến thức đời sống hay tri thức khoa học đều là sản phẩm trong hoạt động nhận thức của con người. Con người là một bản chất xã hội, trong đó con người kết hợp hoạt động tư duy và cảm nhận ngay từ gốc rễ. Sống trong xã hội, cá nhân con người bằng vốn hiểu biết và kinh nghiệm, họ đồng thời tiếp thu và chuyển giao với người khác. Ngay cả kiến thức đời sống và tri thức lý thuyết khoa học trừu tượng có ý nghĩa khám phá trong khoa học tự nhiên, hay có ý nghĩa sáng tạo như văn học nghệ thuật cũng đều là sản phẩm của xã hội do những thế hệ đi trước đặt nền móng và truyền lại thành kho kiến thức của xã hội.
“Kho kiến thức xã hội luôn luôn nằm trong tầm tay của cá nhân. Nó có thể được nhớ lại hoặc được lưu giữ trong thực tế hoặc về mặt tiềm năng và vì thế nó cũng là nền tảng của những sự tiên lượng, cân nhắc, tính toán và tiên đoán của cá nhân trong đời sống. Nó có thể chứa đựng các chân trời của những điều chưa biết nhưng nó coi đấy là những điều mà cá nhân có tiềm năng biết được trong bối cảnh kiến thức của mình” [6; tr. 31]. Thuyết kiến tạo được chia thành hai dạng, Kiến tạo cơ bản và kiến tạo xã hội. Trong đó Piaget chú trọng tri thức học đường còn Vygotxky lưu ý nhiều hơn về kiến thức xã hội. Cả hai nhà bác học này đều có cùng quan điểm phát triển trí tuệ trong nhận thức bằng hành động tư duy. Như chúng ta đều đã biết bản chất xã hội của hoạt động con người đã trùm lên mọi loại tri thức và kinh nghiệm. Do đó, hiểu kiến tạo cơ bản theo nghiên cứu của Piaget hay kiến tạo xã hội theo nghiên cứu Vygotxky đều là tương đối mà thôi. Giới học thuật thế giới xem thuyết kiến tạo như là một quan điểm tiếp cận về xã hội học tri thức hàm chứa những hạt nhân hợp lý có thể vận dụng theo hướng đa dạng hóa các phương pháp dạy học hiện nay.