3.2.1. Yêu cầu của mô hình quá trình kiến tạo ý nghĩa VBTS của HS trong dạy học đọc hiểu
Trong từ điển tiếng Việt, từ mô hình có hai nét nghĩa chính sau đây: (1) Vật cùng hình dạng nhưng làm thu nhỏ lại nhiều, mô phỏng cấu tạo và hoạt động của một vật khác để trình bày, nghiên cứu; (2) Hình thức diễn đạt hết sức ngắn gọn theo một ngôn ngữ nào đó các đặc trưng chủ yếu của một đối tượng nghiên cứu để nghiên cứu đối tượng ấy [117, tr. 617]. Cả hai cách giải thích trên đây đều cho thấy một trong những tác dụng của mô hình là để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu về đối tượng, làm rõ đặc điểm, cơ chế vận hành, hoạt động của đối tượng đó. Về cách thức xây dựng, mô hình được tạo ra trên cơ sở rút gọn, thu nhỏ đối tượng nghiên cứu nhưng cần đảm bảo những đặc trưng chủ yếu nhất giúp xác định chính xác đối tượng đó. Về cách thức thể hiện, mô hình có thể được thể hiện bằng các chất liệu vật chất cụ thể khác nhau và được thể hiện thông qua hệ thống kí hiệu biểu đạt. Giải nghĩa trong từ điển mới chỉ quan tâm đến cách biểu đạt, hiển thị mô hình về đối tượng nghiên cứu bằng hệ thống kí hiệu ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong thực tế, ngoài kí hiệu ngôn ngữ, khi tiến hành mô hình hóa về đối tượng, người ta còn sử dụng các phương thức kí hiệu khác như sơ đồ, hình ảnh,… Xây dựng mô hình để nghiên cứu về đối tượng là một trong những cách làm quen thuộc ở các lĩnh vực nghiên cứu, trong đó có khoa học giáo dục.
Đề xuất và làm rõ mô hình kiến tạo ý nghĩa VBTS của HS trong dạy học đọc hiểu sẽ giúp nghiên cứu, xác định các phương pháp, biện pháp dạy học hiệu quả phù hợp với quá trình đó.
Mô hình kiến tạo ý nghĩa của VBTS trong dạy học đọc hiểu cần đảm bảo được các yêu cầu sau đây:
- Được đề xuất dựa trên sự tích hợp của các mô hình:
(1) Mô hình đọc hiểu VBTS của HS với hạt nhân trung tâm là quá trình đọc hiểu; (2) Mô hình kiến tạo tri thức của người học với hạt nhân trung tâm là quy trình, cơ chế kiến tạo, các dạng kiến tạo cơ bản và kiến tạo xã hội;
(3) Mô hình dạy học với hạt nhân trung tâm là quá trình dạy học (sự tương tác giữa quá trình dạy của GV và quá trình học của HS) diễn ra trong một không gian, thời gian cụ thể, có thể bao quát ngắn gọn là trước khi thực hiện hoạt động học tập trong giờ học (trước giờ học), trong khi thực hiện hoạt động học tập trên giờ học (trong giờ học) và sau khi giờ học trên lớp đã kết thúc (sau giờ học).
- Hiển thị được các yếu tố cơ bản, chủ yếu nhất giúp xác định rõ đối tượng nghiên cứu.
- Được sử dụng để nghiên cứu đề xuất các phương pháp, biện pháp dạy học cụ thể đáp ứng định hướng lí luận đặt ra trong đề tài.
- Được trình bày ngắn gọn, trực quan bằng các phương tiện ngôn ngữ và sơ đồ bảng biểu, màu sắc,…
Dựa trên những yêu cầu này và kết quả nghiên cứu trong các chương trước của luận án, chúng tôi xin đề xuất mô hình quá trình kiến tạo ý nghĩa VBTS trong dạy học đọc hiểu.