Không những có nhiệm vụ “giải thích thế giới” mà triết học Mác - Lê nin với tư cách là lịch sử tư tưởng của loài người, theo Mác phải biến nó thành công cụ “cải tạo thế giới” . Là bạn chiến đấu của Mác, Ăngghen đã đề cao vai trò lao động trong việc cải tạo thế giới và con người trong tác phẩm triết học kinh điển “Chống Đuy rinh”.
Triết học Mác-Lê nin nhấn mạnh mối quan hệ giữa “hoạt động và nhận thức”. Trong mối quan hệ ấy không những đối tượng khách quan được nhận thức và biến thành tri thức khái niệm mà bản thân chủ thể hoạt động cũng đồng thời được phát triển hơn, một cách tương ứng. Có thể kết luận vai trò của lao động chân tay và lao động trí óc sáng tạo ra con người và phát triển nó. Triết học Mácxít nhận định hoạt động nhận thức với ý nghĩa là hoạt động sản xuất ra ý niệm, là hoạt động tinh thần, hoạt động trí óc, hoạt động lý thuyết luôn gắn liền mật thiết với hoạt động vật chất. Tuy nhiên do nhu cầu phát triển sản xuất đáp ứng cuộc sống nhiều mặt và do ảnh hưởng của sự phân công lao động xã hội, nhận thức của con người trở thành chuyên biệt mang tính độc lập tương đối so với toàn bộ lao động vật chất đầy sáng tạo và thực tiễn. Về khía cạnh nào đó nên hiểu thực tiễn là thực tại duy nhất vốn nó thực là như thế để trở thành tiêu chuẩn đánh giá chân lý. Do đó chính Mác đã khái quát quá trình nhận thức của con người là đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Đó là con đường duy nhất để xác nhận chân lý.
Do sự phát triển của triết học thế kỷ XX và đầu XXI theo hướng mở để bổ sung những thiếu sót của thành tựu lý thuyết không phù hợp hoàn toàn với việc nhận thức thế giới, buộc chúng ta phải chấp nhận hạt nhân hợp lý của các triết thuyết khác.