Huy động và chia sẻ, bổ sung tri thức, trải nghiệm của bản thân có liên quan đến VBTS

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 62 - 66)

quan đến VBTS

Mỗi VBTS là một bức tranh đời sống được nhà văn xây dựng nên thông qua ngôn từ nghệ thuật dựa trên những khám phá sâu sắc, những cắt nghĩa, lý giải về cuộc đời. Vì vậy thế giới ấy có mối liên hệ đặc biệt với thực tại đời sống. Thêm nữa, mỗi bạn đọc học HS khi đọc hiểu văn bản tự sự đều là một chủ thể có những kinh nghiệm đã được tích lũy nhất định. Đây chính là một nguồn tài nguyên mà người dạy cần chú ý khai khác. Bởi lẽ, vai trò của tri thức nền rất quan trọng. Khả năng có hiểu được văn bản hay không, mức độ hiểu đến đâu, hời hợt, nông cạn, hay sâu sắc, thấm thía là do nền tảng tri thức mà người đọc sở hữu có bề dày và độ rộng như thế nào trong mối liên quan với văn bản cần đọc. QĐKT trong dạy học đặc biệt nhấn mạnh đến điều này. Những trải nghiệm mà bạn đọc có, vốn kinh nghiệm thẩm mĩ trong quá trình tiếp xúc với sáng tác nghệ thuật, vốn sống phong phú, đa dạng, sinh động,… tất cả là những khởi đầu có giá trị để tham gia vào quá trình tìm hiểu văn bản tự sự. Tác dụng của việc huy động và chia sẻ tri thức, trải nghiệm nền trong đọc hiểu văn bản tự sự trước hết là để tạo ra những chất liệu đời sống, chất liệu văn học cần thiết giúp giải mã, kiến tạo ý nghĩa cho văn bản sắp đọc. Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ này, HS được tạo một “thế đứng”, một “điểm nhìn”, một cách “tiếp cận” phù hợp để có thể dễ dàng hơn trong việc nhập thân, hòa điệu cùng VBTS. Việc huy động cũng có thể giúp tạo ra các câu hỏi nhận thức kích hoạt sự tìm tòi, khám phá tiếp theo của người học để giải quyết vấn đề, tạo ra hứng thú, bầu không khí giao tiếp dân chủ, sẵn sàng chia sẻ, cởi mở và thân thiện - điều rất cần thiết để thực hiện quá trình đồng hóa, điều ứng tri thức theo còn đường khám phá của bạn đọc HS là những

cách thức và những câu hỏi đánh thức cảm nhận và tư duy văn học thông qua những điểm sáng thẩm mỹ trong hình thức sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.

Chẳng hạn như dạy học đọc hiểu truyện ngắn “Chữ người tử tù” thì có thể sử dụng những cách thức nào để giúp HS huy động, chia sẻ tri thức, trải nghiệm nền của họ? Hoạt động minh họa dưới đây có thể là một trong số nhiều câu trả lời. Trong hành trang đọc của mình, HS lớp 11 đã từng được tiếp nhận truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của O. Hen-ry ở lớp 8. Câu chuyện kể về nỗi tuyệt vọng trong bệnh tật của họa sĩ trẻ Giôn-xi giữa mùa đông lạnh giá. Mỗi ngày, Giôn xi đều “thều thào” ra lệnh kéo cái màn xanh để cô chăm chú nhìn ra ngoài, đếm những chiếc lá thường xuân sẽ lìa cành. Và con người ấy neo tất cả niềm tin sự sống cuộc đời mình vào những chiếc lá mỏng manh trong gió lạnh. Chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì Giôn-xi cũng sẽ lìa đời. Cây thường xuân cứ thưa thớt lá. Một tâm hồn cứ lụi tắt dần ngọn lửa của sự sống, âm thầm, cô đơn chuẩn bị cho chuyến đi xa xôi, đơn độc nhất của cuộc đời mỗi người – hành trình vào cái chết. Nhưng… sáng sớm nay, sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài suốt cả một đêm,… Thật thót tim khi chiếc rèm màu xanh được kéo lên. Và, thật không thể tin nổi, vẫn còn đó một chiếc lá thường xuân kiên cường bám trên bức tường gạch, dù những vết răng cưa bao ngoài cùng đã nhuốm sắc vàng. Sự dũng cảm kiên cường bám trụ ấy của chiếc lá cuối cùng đã gieo lại niềm hi vọng sống, hi vọng tiếp nối những bức vẽ trong tâm hồn cô họa sĩ trẻ. Chiếc lá ấy là bức vẽ cuối cùng, là kiệt tác để đời của cụ Bơ -men. Cụ đã mất vì viêm phổi trong cái đêm thức vẽ ngoài trời giữa mùa đông lạnh giá. Câu chuyện về “Chiếc lá cuối cùng” đánh thức cảm nhận về sức mạnh nhân văn kì diệu của nghệ thuật trong cuộc đời này. Nghệ thuật có khả năng sinh thành và tái tạo. Tác phẩm của cụ Bơ men đã hồi sinh sự sống cho Giôn xi, thức dậy những khát khao được sống, được sáng tạo ở một tâm hồn tuyệt vọng tưởng chừng sắp lụi tắt.

“Nhưng, ô kìa! Sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài suốt cả một đêm, tưởng chừng không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch…

(…) đó chính là kiệt tác của cụ Bơ – men, - cụ vẽ nó ở đấy, vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng”.

Hình ảnh và những câu văn này gợi cho bạn nhớ đến truyện ngắn nào? Hãy chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ của bạn về sức mạnh của tác phẩm nghệ thuật đối với cuộc sống của chúng ta.

Hình 3.2 Hướng dẫn HS huy động, chia sẻ tri thức, trải nghiệm trong dạy học truyện “Chữ người tử tù” – Nguyễn Tuân

Một tác phẩm nghệ thuật như thế đã được làm nên bởi lòng vị tha và sự hi sinh cao cả, bởi tình người. Nghệ thuật chân chính muôn đời nay đều có khả năng “nhân đạo hóa con người”. Hoạt động hồi tưởng, chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ của học sinh được gợi ra từ một trải nghiệm đọc đã có của họ tạo nên những rung động, suy ngẫm cần thiết để chuẩn bị cho công việc tiếp nối - đọc “Chữ người tử tù” để nhận ra và phân tích vẻ đẹp của “chữ”, ma lực của “chữ”, sức mạnh kì diệu của “chữ” có thể đảo lộn trật tự của cường quyền, gắn kết những tâm hồn tri kỉ tri âm, cảm hóa, lay tỉnh con người biết giữ lấy “thiên lương” cho lành vững, đừng để “nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Lấy cảm hứng từ “chữ người tử tù” - nghệ thuật thư pháp, GV cũng có thể cho HS huy động và chia sẻ hiểu biết của họ về điều này, những trải nghiệm với biết bao “Ông đồ” một thời vàng son rực rỡ “mỗi năm hoa đào nở”:

“Bao nhiêu người thuê viết. Tấm tắc ngợi khen tài. Hoa tay thảo những nét.

Như phượng múa rồng bay”.

Và nỗi sầu như ngưng đọng trong lòng đáy nghiên của cả một truyền thống văn hóa vốn vàng son giờ nếm trải thân phận của “kẻ bên lề”, bị lãng quên, mai một:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng. Người thuê viết nay đâu? Giấy đỏ buồn không thắm. Mực đọng trong nghiên sầu”.

Trong tiếng khắc khoải “Những người muôn năm cũ - Hồn ở đâu bây giờ?” có tiếng gọi thiết tha của Nguyễn Tuân khi dựng lại chân dung của một tử tù - nghệ sĩ có tài thư pháp nổi tiếng cả tỉnh Sơn - ông Huấn Cao.

Một ví dụ khác, sử dụng hoạt động thể nghiệm để huy động tri thức, cảm xúc nền cho HS trong dạy học đọc hiểu “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam.

Bạn cứ cất kĩ trong túi áo vì không có người soát vé trên chuyến tàu đặc biệt này!

HÀNH KHÁCH KHÁCH LỚP: 11….

Mời bạn hãy cầm tấm vé này.

Chúng ta cùng bước lên chuyến tàu ngược về ga tuổi thơ yêu dấu...

Kí ức tuổi thơ nào hiện lên trong bạn khi ngồi trên chuyến tàu đặc biệt đó?

Hãy cùng chia sẻ!

Bằng hoạt động này, người học được đưa vào một tình huống thể nghiệm có liên quan đến văn bản đọc hiểu. Kết hợp kênh hình ảnh và ngôn ngữ, GV thiết kế một yêu cầu chia sẻ giàu màu sắc cảm xúc và hứng thú đối với HS. Trên màn trình chiếu là hình ảnh biểu tượng về chuyến tàu thời gian chạy từ hiện tại ngược về quá khứ. Hình ảnh trực quan một tấm vé mang màu của kí ức được gọi tên là “Vé đi tuổi thơ” hứa hẹn các điểm dừng, mỗi nhà ga là một phần của tuổi thơ, hoặc êm đềm, hoặc dữ dội, dù thế nào cũng đầy thân thương với những con người vừa chớm khoác tấm áo trưởng thành. Vé nhắn nhủ “Bạn cứ cất kĩ trong túi áo vì không có người soát vé trên chuyến tàu đặc biệt này”. Vé ghi “Hành khách lớp 11…” và để một khoảng trống để bạn có thể điền vào tên lớp của mình. Nhiệm vụ được thiết kế dưới dạng thể nghiệm, mời người học nhập thân thành hành khách đặc biệt, trên một chuyến tàu đặc biệt, làm một hành trình đặc biệt, và chia sẻ những kí ức đặc biệt,… Tất cả những gì chúng ta từng đi qua trong tuổi thơ có thể rất khác nhau nhưng thế nào cũng có những điểm đồng điệu gắn với niềm vui, nỗi buồn, ước mong con trẻ. Và thế nào trong một phần của kí ức được gợi lại, cũng có điều, bạn và tôi - chúng ta gặp gỡ và chia sẻ với Liên cùng An, “Hai đứa trẻ” trong trang văn điềm đạm mà da diết của Thạch Lam. Đó cũng có thể là một khởi đầu đẹp đẽ của hoạt động tiếp nhận.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)