dạy học đọc hiểu VBTS theo QĐKT
Chúng tôi đã tìm đến những điểm kết nối lý thuyết xuất hiện trong đề tài để tìm cách vận dụng phù hợp trong dạy học đọc hiểu VBTS theo QĐKT. Tiếp theo, lý thuyết đọc hiểu là tri thức nền tảng có ý nghĩa phương pháp trong dạy học đọc hiểu VBTS theo QĐKT.
Phần lớn những công trình nghiên cứu về đọc hiểu đều kết luận bản chất của đọc hiểu là một quá trình nhận thức tích cực và sáng tạo của người đọc. Quan trọng hơn, quá trình nhận thức ấy tập trung vào hành động đọc phong phú đa dạng để phát hiện, khám phá và xây dựng ý nghĩa và giá trị tư tưởng, tình cảm của tác phẩm. Ý nghĩa và giá trị ấy là kết quả lâu dài trong lịch sử tiếp nhận tác phẩm bởi sự dung hợp những tầm nhìn và “thương lượng ý nghĩa” giữa các thế hệ độc giả.
Đọc hiểu tác phẩm văn chương là quá trình nhận thức phức tạp để nhận nghĩa, chuyển nghĩa, phát nghĩa phù hợp trong sự kết nối với hành động tìm hiểu và phát triển tri thức trong quá trình nhận thức, lĩnh hội và tư duy khoa học của HS.
Trong dạy học tác phẩm tự sự, ta hiểu cốt truyện là chuyện đời trong quá khứ được kể lại bởi hệ thống sự kiện giống như thật bởi sự xác nhận của người kể với tư cách một chứng nhân. Tuy nhiên cái manh mối để HS hiểu được ý nghĩa và giá trị sâu sắc nhiều chiều của điểm nhìn trần thuật lại được thể hiện trong những biến cố và tình tiết của truyện kể hiện đại được nhà văn lựa chọn làm cho mọi ý nghĩa và giá trị sử dụng ý nghĩa của tác phẩm trở thành “hình thức tự sự” hay “nghệ thuật tự sự”. Do đó muốn đọc hiểu tác phẩm tự sự phải từ cốt truyện có vẻ tĩnh tại nối kết với biến cố như một tình huống truyện đang vận động theo sự thật đời sống và chân lý nghệ thuật để làm thay đổi số phận nhân vật chính.
Tình tiết truyện được kết hợp với lời kể chen lẫn giữa trần thuật và miêu tả như sự kết hợp nhuần nhị giữa lời kể và giọng điệu mà lý thuyết đọc hiểu thường nhấn mạnh đến âm vang âm hưởng và hơi ấm của tâm hồn trong khi đọc. Tất cả những điều vừa trình bày đều là kết quả của tri thức về ngôn ngữ văn học, về giá trị thẩm mỹ có liên quan đến việc đọc tác phẩm tự sự.
Bằng nhiều hành động đọc khác nhau thích hợp với mục đích kiến tạo ý nghĩa, tri thức về ngôn ngữ văn học cần được tập trung vào lời kể, giọng kể trong dạy học đọc hiểu tác phẩm tự sự. Đọc bằng nhiều giọng với đặc tính đa thanh và phức điệu của tác phẩm tự sự hiện đại càng được chú ý nhiều hơn.
Ảnh hưởng của các hành động đọc khác nhau đối với tiến trình liên tưởng tưởng tượng ngay sau khi đọc xong một phần tác phẩm, trong trí óc người đọc đã diễn ra một sự mất mát, rạn vỡ, hao tán ít nhiều những ý tưởng, khái niệm hay biểu tượng đã có trước đây trong trí óc người đọc.
Điều quan trọng tiếp theo là phải đọc đi, đọc lại nhiều lần khi cảm thấy ấn tượng và ý nghĩa trong đọc chưa hiện lên rõ nét. Đọc hiểu vừa là quá trình nhận thức và là quá trình thương lượng ý nghĩa và dung hợp những chân trời đón đợi trong tác phẩm và về tác phẩm. Ý nghĩa và giá trị tác phẩm tự sự được đọc, một phần do cách hiểu chủ quan người đọc đưa vào và phần khác ý nghĩa và giá trị của tác phẩm tiềm tàng như một trữ lượng tri thức người đọc cần khám phá tìm hiểu mà kiến tạo nên.
Đọc với sự đồng tình và đối thoại với những phát ngôn từ những người kể khác nhau bằng hành động đọc diễn cảm, đọc sáng tạo, “đọc xây dựng”, đọc tích lũy, đọc trải nghiệm hồi ứng là người đọc - HS đã kiến tạo ý nghĩa và giá trị từ tác phẩm, về tác phẩm tự sự cho mình.
Lý thuyết đọc hiểu phân biệt sự hiểu/khái niệm hiểu và sự thông hiểu/khái niệm thông hiểu. Nói vắn tắt sự hiểu nằm trong giai đoạn nhận biết cái tĩnh tại được định vị, còn sự thông hiểu là hiểu người và hiểu hành động đọc luôn vận động và phát triển. Đó là hai trình độ nhận thức. Hiểu biết được gắn với tri thức đã có trước, còn thông hiểu là tri thức bạn đọc HS cần phải tự lực phát hiện thông qua hành động giải thích, cắt nghĩa, bình luận để làm biến đổi sự kiện, cốt truyện thô mộc, câm lặng thành nghệ thuật như
“hình thức tự sự” hay “nghệ thuật tự sự”.
Hiểu biết là sự nhận thức có tính chất lĩnh hội để nắm được lôgic đặc trưng của đối tượng đặc thù như tác phẩm văn xuôi tự sự. Đó là công thức tuyệt vời của sự hiểu biết. Còn thông hiểu là sự nhận thức có tính chất lĩnh hội trao truyền qua lại đi liền với thao tác tư duy cắt nghĩa và luận giải.
Hiểu và thông hiểu như đã trình bày không những tương thích với khái niệm tri thức đã biết và tri thức cần tìm kiếm, mong muốn có nó mà còn bao gồm cả tri thức đã biết chắc chắn trong khái niệm khoa học được vận dụng trong học tập và đời sống của bạn đọc - HS.
Vai trò của tri thức đọc hiểu ở mức độ sơ cấp đã được ổn định tương đối trong thời gian lịch sử với tính chất là tiền tri thức. Nó không tường giải giản đơn những gì có thực mà còn mở ra những chân trời tri thức, ý nghĩa và giá trị mới. Nói cách khác truyền thống lịch sử tri thức không hề đơn nghĩa, khép kín được đóng gói để trao truyền. Sự thông hiểu theo thi pháp cấu trúc Todorov và Jonathan Culler cũng như luận giải học Gadamer cho rằng con người không bao giờ có thể né tránh quá khứ hay truyền thống. Nói một cách cực đoan như Hêghen thì “quá khứ là tuyệt đối”. Dĩ nhiên Hêghen không khẳng định sự tuyệt đối của chân lý mà là sự tuyệt đối tồn tại cần thiết cho cả khoa học và đời sống hàng ngày cần phải nhìn lại và lý giải tri thức cũ vì quá khứ truyền thống và những ý tưởng để nảy sinh tri thức trong tư duy của mỗi người, không tạo thành một cái gì cô lập, tách biệt với thực tại lịch sử bao quanh các ý tưởng đó.
Ý tưởng của chúng ta chỉ là một thành tố của thế giới trong giao tiếp qua những tín hiệu trong đó kí hiệu ngôn ngữ là quan trọng nhất. Cách kiến giải của chúng ta về các biến cố buộc phải đặt nó trong khuôn khổ hay khung trời nào đó được xác định bởi truyền thống mà chúng ta thuộc về với những tiền đề hay giả định đặc thù chưa được giải thích ở khởi điểm của tác phẩm tự sự.
Như vậy sự hiểu của bạn đọc - HS không bao giờ thuần túy trung tính mà là một quá trình phát triển. Liên hệ sang dạy học đọc hiểu tác phẩm văn xuôi tự sự theo quan điểm kiến tạo, ta biết chủ trương “dạy học phát triển và đi trước phát triển” của J. Piaget và L.Vygotxky đã góp phần khẳng định tuổi học trò cho dù là trong trắng như tờ giấy đi nữa cũng không bao giờ là tờ giấy trắng tinh vì nó là con người được xã hội tạo ra đã có ít nhiều tri thức khoa học và đời sống mà xã hội trao cho.
Con người hiểu điều gì đó bởi vì họ đã gắn kết với sự thông hiểu - sự hiểu người được biểu hiện nghĩa là đã có một ý tưởng được tiếp thu, đánh dấu và định hướng tiếp cho đến khi khái niệm nào đó trong tri thức tỏ ra không đầy đủ buộc chúng ta phải tìm kiếm sâu xa hơn.
Vòng tròn luận giải học là điểm tựa tạm thời của tri thức thành phần mà một khi xảy ra nó sẽ biến đổi hình ảnh của toàn khối tri thức thành một tiến trình quy hồi không bao giờ kết thúc của sự điều ứng để thích nghi liên tục qua việc biến đổi của “vùng phát triển gần nhất”.
Sự gặp gỡ giữa lý thuyết đọc hiểu và tự sự học là ở chỗ mối dây liên thông giữa ý nghĩa cần truy tìm của hành động đọc hiểu như năng lực nhận thức truyện kể thực sự của độc giả và tính có nghĩa lý trong việc xây dựng nhân vật trung tâm của tác phẩm tự sự cũng được phái sinh từ năng lực nhận thức của tác giả. Đây là sự thống nhất biện chứng về con người được gọi là “quan niệm nghệ thuật về con người” được diễn đạt là thông hiểu trong đọc hiểu và là “điểm nhìn trần thuật” trong tác phẩm văn xuôi tự sự.
Lý thuyết đọc hiểu văn chỉ thực sự được đồng hóa khi người đọc hình thành và phát triển được năng lực đọc hiểu của mình. Năng lực đó được thể hiện ở khả năng nhận thức (tư duy lôgic, tư duy hình tượng, tư duy phức hợp…), khả năng đánh giá (tư duy phản biện) và khả năng thưởng thức (tư duy về cái đẹp nghệ thuật) được cộng tồn trong văn hóa đọc của bạn đọc - HS.
Đọc hiểu như một tiến trình nhận thức cái ý nghĩa và giá trị bất ngờ bằng việc đọc
“lấy được” tác phẩm văn chương chứ không phải chỉ là đọc chữ.
Kỹ năng hay chiến thuật đọc hồi cố trở lại những phần đã đọc mang tính dự trữ tiềm tàng những hiểu biết với “sự đọc bon đi” về phía trước để dự đoán điều sẽ xảy ra, thực chất đó là một lợi thế trong dạy học tác phẩm tự sự theo quan điểm kiến tạo. Nó đã sáp nhập được quá trình lĩnh hội vào quá trình nhận thức với thông hiểu - hiểu thực sự những ý tưởng và mục đích của con người đang nói với nhau một cách nghệ thuật trong tác phẩm tự sự và là tiền đề cho việc hoàn tất tri thức mới trong dạy học kiến tạo.
Đọc hiểu không bao giờ quên cái mục đích học đọc bên cạnh mục đích cao hơn là hiểu và thông hiểu những gì đã đọc. Nội dung nào bao trùm và chi phối quá trình đọc hiểu? Người ta đã nói nhiều đến người đọc, mục đích đọc và động lực đọc hay động cơ đọc, yêu cầu, nhiệm vụ đọc và hình thức, tính chất của tác phẩm… Ngoài ra phải chăng đó là ngôn ngữ nghệ thuật vừa như là nội dung ý nghĩa cần nhận thức vừa như là phương tiện dẫn dắt chúng ta từng bước tìm ra giá trị của nó.
Thực chất ngôn ngữ nghệ thuật giữ vai trò nền móng trong việc xây dựng hệ thống tín hiệu ngôn thanh là loại tín hiệu quan trọng nhất của xã hội con người. Đời sống
thường nhật trước hết là đời sống với ngôn ngữ và bằng phương tiện rất người này của sản phẩm văn hóa làm ra để người đọc chia sẻ với những người khác.
Vấn đề đặt ra là sự hiểu biết nào cần thiết để tạo ra tri thức về thực tại khách quan khoa học hay đời sống. Để trả lời câu hỏi này khi dạy học đọc hiểu VBTS theo QĐKT cần giúp HS nhận ra và hiểu rõ tính chất vô cùng đa dạng, phức tạp của ngôn ngữ nghệ thuật làm cho nó có thể tách khỏi tình huống trực diện một cách dễ dàng với các tín hiệu khác.
Khi đọc hiểu VBTS, bạn đọc HS có thể nói về vô số câu chuyện không hề hiện diện như thực, kể cả những câu chuyện người đọc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ trải qua trực tiếp. Bằng cách ấy, ngôn ngữ trong truyện kể như tác phẩm văn xuôi tự sự, văn xuôi hư cấu, trở thành kho chứa đựng bao la những sự tích lũy khách quan về ý nghĩa, kinh nghiệm và giá trị của nó được bảo tồn trong thời gian và lưu truyền lại. Nõi rõ hơn, đây là năng lực tư duy và năng lực tưởng tượng của bạn đọc - HS được phát huy trong quá trình đọc hiểu.