Dư luận xã hội góp phần giáo dục ý thức đấu tranh chống tiêu cực trong hoạt động dạy và học

Một phần của tài liệu Vai trò của dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong hoạt động dạy và học tại các trường phổ thông ở hà nội hiện nay (Trang 36 - 39)

cực trong hoạt động dạy và học

Vai trò giáo dục của DLXH được thể hiện ở chỗ nó hướng con người đến những giá trị chân - thiện- mỹ, được cộng đồng ủng hộ, đề cao. DLXH sẽ là chỗ dựa, là nguồn động lực thôi thúc ý chí con người đứng lên đối diện, tố cáo, đấu tranh các hiện tượng, hành vi tiêu cực. Những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhà giáo, đạo đức học sinh đều bị dư luận lên án và chỉ trích mạnh mẽ, thông qua đó các cá nhân trước sức ép của dư luận sẽ có ý thức hơn trong việc điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với chuẩn mực của môi trường giáo dục. Quá trình điều chỉnh hành vi phù hợp với chuẩn mực của cộng đồng chính là quá trình tự giáo dục, tự đấu tranh của mỗi cá nhân để hoàn thiện bản thân.

DLXH là một phương tiện giáo dục có hiệu quả, đồng thời là một nhân tố phòng ngừa hiện tượng tiêu cực. Do bản chất của nó là sự phán xét, đánh giá tập thể, nên DLXH có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành cách ứng xử của cán bộ giáo viên, học sinh, ràng buộc từng cá nhân phải khuôn mình theo điều lệ nhà trường, theo các chuẩn mực một môi trường giáo dục. Uy lực pháp luật đối với trường hợp phạm pháp có động cơ tâm lý nhiều khi không mạnh bằng uy lực của búa rìu DLXH. Nhà nước thông qua hệ thống truyền thông đại chúng để định hướng DLXH như là một biện pháp thuyết phục, khêu gợi và khuyến khích sẽ có tác dụng hạn chế các hiện tượng, hành vi tiêu cực trong ngành giáo dục hiện nay.

Trong xã hội người thầy luôn được đề cao, nhận được sự tôn trọng của mọi người. Điều đó, đòi hỏi người giáo viên luôn phải mô phạm, phải ý thức giữ gìn phẩm chất của một nhà giáo mẫu mực. Ngược lại, người học đang trong quá trình học hỏi, tìm tòi, khám phá tri thức và hoàn thiện nhân

cách. Đó là con đường không bằng phẳng, không dễ đi, cần phải có người chỉ đường dẫn lối, không ai khác đó chính là người thầy. Bởi vậy, người học phải nỗ lực, cố gắng không ngừng học hỏi và rèn luyện bản thân. DLXH định hướng cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành giáo dục hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ những điều được phép làm, không được làm và cần phải làm. Việc DLXH phê phán, lên án mạnh mẽ các hành vi tiêu cực, sẽ khiến cho cán bộ giáo viên, học sinh phải luôn luôn có ý thức điều chỉnh hành vi của bản thân để phù hợp hơn với những chuẩn mực đã được cộng đồng quy định.

Những việc làm sai trái, những hành vi gian lận bị phát hiện, xử lý không chỉ mang ý nghĩa răn đe, cảnh báo mà còn mang ý nghĩa giáo dục rất lớn với những người khác. Những hiện tượng, hành vi lệch chuẩn mực trong môi trường học đường thường bị dư luận lên án, chê bai, kịch liệt phản đối. Chính điều này đã có tác dụng hạn chế, ngăn ngừa cái xấu, cái tiêu cực vì “con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội , họ được đặt trong các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp... khi bị dư luận lên án những hành vi sai trái, bản thân con người sẽ có xu hướng điều chỉnh lại cho phù hợp với ý chí chung của cộng đồng. Điều này nhằm làm hạn chế tiêu cực trong hoạt động dạy học.

1.3.2.Dư luận xã hội đóng góp tích cực vào việc phát hiện, cảnh báo,

phòng ngừa tiêu cực

Trong hoạt động dạy và học, chủ thể tham gia trực tiếp gồm giáo viên, học sinh, cơ quan quản lý, ngoài ra còn các chủ thể khác như tổ chức đoàn thể, phụ huynh... Tiêu cực trong hoạt động dạy và học phát sinh từ phía người dạy và người học, bên cạnh đó còn liên quan từ phía người quản lý, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, cha mẹ học sinh. Khi xác định DLXH tham gia tích cực vào việc phát hiện, cảnh báo, phòng ngừa tiêu cực, trước hết cần xác định chủ thể tham gia.

Trước hết, DLXH tham gia phát hiện tiêu cực trong hoạt động dạy học phải bắt đầu từ người dạy và người học. Tiêu cực xảy ra trong lớp học, trường học thì không ai phát hiện trực tiếp, chính xác và kịp thời bằng người trong cuộc, ở đây là chính giáo viên và học sinh. Hành động quay cóp khi thi cử của học sinh, không ai phát hiện sâu sát, trực tiếp bằng chính giáo viên coi thi, giám thị phòng thi hay bằng sự phát hiện của thí sinh. Tuy nhiên, từ việc phát hiện tiêu cực đến vấn đề dư luận là khoảng cách khác nhau. Nếu tiêu cực trong dạy học được học sinh hoặc giáo viên, nhà trường phát hiện thì chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm hoặc xử lý nhưng trong phạm vi nội bộ (trong phạm vi trường, lớp, tổ) thì bản thân hành vi vi phạm bị phát hiện, xử lý đó chưa trở thành DLXH và cũng chưa thể hiện vai trò của DLXH. Trong trường hợp này, DLXH chỉ tham gia vào việc phát hiện tiêu cực khi bản thân hành vi đó bị tố giác, bị lộ tẩy ra ngoài. Chẳng hạn, hành vi quay cóp trong khi thi cử, do bức xúc vì không bị xử lý, học sinh khác đã tố cáo lên hội cha mẹ học sinh, tố cáo đến cơ quan báo chí và sau khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc xác định sự việc đó là có thật, từ đó tìm hướng xử lý. Trong trường hợp đó, chính nhờ DLXH phát hiện thì vụ việc mới bị phanh phui, nghĩa là hành vi xảy ra bên trong nhưng sự phát hiện lại đến từ bên ngoài, từ dư luận. DLXH ở đây có thể là dư luận trong học sinh, trong nhà trường, cũng có thể dư luận lan rộng với nhiều tầng lớp dân cư địa phương, ở mức độ khu vực hay toàn quốc. Trong thực tiễn, nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra trong nhà trường, trong nội bộ lớp nhưng sự phát hiện phải nhờ DLXH vào cuộc bởi tâm lý không muốn phanh phui, khui lộ sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà trường, của giáo viên, học sinh. Chỉ khi DLXH lên tiếng thì cơ quan chức trách mới xác minh, phát hiện.

Ở khía cạnh cảnh báo, phòng ngừa tiêu cực, vai trò DLXH thể hiện nổi bật trên nhiều phương diện. Tiêu cực trong thi cử, trong dạy thêm, học thêm, trong chấm điểm, cho điểm, nhất là trước mỗi kỳ thi quan trọng, sự lên tiếng

của DLXH có ý nghĩa cảnh báo, phòng ngừa rất lớn. Việc cảnh báo bao gồm đưa ra những thông tin do cơ quan chức năng cung cấp (như Bộ GD&ĐT, các sở, phòng ở địa phương, ban giám hiệu các trường), trong đó nhấn mạnh nội quy, quy chế, những điểm mới sẽ áp dụng, nhất là các biện pháp ngăn chặn cũng như hình thức xử lý nếu vi phạm. Nếu sự vào cuộc mạnh mẽ từ DLXH, tính cảnh báo, phòng ngừa tiêu cực sẽ có hiệu quả hơn khi nó tạo ra sức mạnh truyền thông, sự cộng hưởng từ nhiều phía. Vai trò cảnh báo tiêu cực của DLXH không chỉ đối với người dạy, người học – hai chủ thể trực tiếp mà còn cảnh báo đối với người quản lý, đòi hỏi họ phải phát huy trách nhiệm, ý thức tích cực hơn về vai trò, chức trách của mình để phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động dạy học. Việc cảnh báo cũng không chỉ giới hạn trong phạm vi một trường, một lớp cụ thể mà có thể ở phạm vi rộng, một địa phương hoặc toàn quốc. Chẳng hạn, trước các kỳ thi tốt nghiệp THPT (nay là kỳ thi quốc gia chung, lấy điểm tốt nghiệp xét tuyển đại học), bằng sự vào cuộc đồng bộ của báo chí đã tạo ra sức mạnh truyền thông to lớn, tuyên truyền quy chế thi, các quy định nghiêm ngặt về thanh tra, kiểm tra chéo, quy định về xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi... Điều đó đã góp phần tích cực trong cảnh báo thí sinh, phòng ngừa từ xa những ý thức lệch chuẩn.

Một phần của tài liệu Vai trò của dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong hoạt động dạy và học tại các trường phổ thông ở hà nội hiện nay (Trang 36 - 39)