2.1.2.1 Đặc điểm chung của các trường phổ thông
Năm 2008, việc mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/ 2008/NQ – QH12 của Quốc hội đồng nghĩa với sự lớn lên về quy mô giáo dục của Thủ đô. Trước khi mở rộng, ngành GD& ĐT Thủ đô có 1050 trường và 234 trung tâm học tập cộng đồng. Sau khi mở rộng, tính đến thời điểm
30/09/2014, toàn thành phố Hà Nội có 2.303 trường. Trong đó công lập có 1.703 trường và ngoài công lập có 600 trường, bao gồm 667 trường tiểu học, 588 trường THCS (5 trường ngoài công lập), 186 trường THPT (78 trường ngoài công lập) với tổng số học sinh toàn thành phố là 1.342.841 học sinh, trong đó bậc phổ thông có 994.350 học sinh, 72.814 giáo viên. Trong nhiều năm qua, ngành GD&ĐT Hà Nội không ngừng phát triển, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đóng góp một lực lượng trí thức không nhỏ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2014 đạt 98,5% và luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và Olympic quốc tế [50].
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai tốt nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả toàn diện. Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường của Thủ đô được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cũng là yêu cầu cần thiết để xây dựng môi trường học tập hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thầy và trò thi đua dạy tốt - học tốt. Tính đến hết năm 2015, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia toàn thành phố đạt 50%. Các quận, huyện, thị xã đều tập trung đầu tư mở rộng trường, lớp, tạo điều kiện cho 85% học sinh tiểu học và hơn 30% học sinh THCS được học 2 buổi/ngày tại trường nhằm tăng quỹ thời gian học tập và hoạt động ngoại khóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Từ năm học mới 2015-2016, ngành GD& ĐT Hà Nội tiếp tục thực hiện phương châm“Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” và triển khai cuộc vận động “Kỷ cương nghiêm - Chất lượng thực - Hiệu quả cao” trong mọi hoạt động. Cho đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên, duy nhất của cả nước biên soạn thành công và triển khai giảng dạy tài liệu về giáo dục nếp sống cho học sinh ở cả ba cấp học (THCS và THPT), là sáng kiến được Bộ GD&ĐT, dư luận đánh giá cao. Cùng với nhiều biện pháp linh hoạt
trong tổ chức sinh hoạt tập thể, ngoại khóa, hoạt động xã hội, cách thức này đã góp phần tích cực trong công tác giáo dục nhân cách học sinh, tạo nên sự bền vững về chất lượng trong giáo dục làm người.
2.1.2.2. Đặc điểm giáo viên trường phổ thông
Đội ngũ giáo viên phổ thông ở Hà Nội hầu hết có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn. Phần lớn các nhà giáo đều đã qua đào tạo, bồi dưỡng các lớp nghiệp vụ sư phạm. Trình độ tin học và ngoại ngữ của đội ngũ nhà giáo đã được nâng cao. Trong thời gian vừa qua, sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học và được UBND Thành phố đánh giá là 1 trong 5 đơn vị dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin. Đội ngũ giáo viên Hà Nội được đánh giá cao ở khả năng tiếp cận công nghệ thông tin và phương pháp giảng dạy tiên tiến, khả năng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Với tinh thần chủ động tích cực, ngành GD& ĐT Hà Nội tiếp tục tham mưu với Thành phố đề xuất các chỉ tiêu phát triển. Nhờ đó, cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn của các cấp học đều có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Công tác quản lý, kiểm tra đánh giá không ngừng được đổi mới. Công tác xã hội hóa giáo dục có nhiều bước chuyển biến, huy động được các nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục.
Tính theo thang bậc lương hiện nay, một giáo viên THPT mới ra trường có lương khoảng 3,2 triệu đồng/tháng. Giáo viên giảng dạy 10 năm trong nghề mới có thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Từ đó cho thấy, thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương cho giáo viên phổ thông không đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản về đời sống của bản thân và gia đình. Áp lực này càng tăng cao khi chi phí sinh hoạt và các dịch vụ ở Hà Nội đều cao hơn các vùng khác.
Theo báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2015 của Tổng cục Thống kê cho biết, Hà Nội là địa phương có mức giá sinh hoạt cao thứ 2 của cả nước (sau Lai Châu) và cao hơn thành phố Hồ Chí Minh đến 2,61%. Vì vậy, có đến trên 40% số giáo viên được hỏi không muốn làm nghề sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề vì lương quá thấp.
2.1.2.3. Đặc điểm học sinh phổ thông
Lứa tuổi học sinh phổ thông THCS và THPT bắt đầu từ 12 tuổi đến hết 18 tuổi, gọi tắt là học sinh phổ thông. Ở trường, học tập vẫn là hoạt động chủ đạo nhưng đòi hỏi các em tính tự giác, tích cực, phải biết vận dụng tri thức một cách sáng tạo. Vì vậy mà các em thường gặp những khó khăn, trở ngại trong quá trình học tập, chủ yếu là do thiếu kĩ năng học trong những điều kiện mới. Thái độ, hứng thú học tập của các em cũng hình thành rõ nét, gắn liền với sở thích, kĩ năng, kĩ xảo, niềm đam mê, khuynh hướng nghề nghiệp. Hứng thú học tập của các em đối với các môn học trở nên có lựa chọn hơn, tính phân hoá trong hoạt động học tập thể hiện rõ hơn, cao hơn, do xu hướng chọn nghề. Điều này đã kích thích nguyện vọng muốn mở rộng đào sâu tri thức trong các lĩnh vực tương ứng. Đó là những khả năng rất thuận lợi cho sự phát triển năng lực của các em. Nhưng ngược lại chính đặc điểm đó cũng gây ra những trở ngại trong quá trình học tập. Một mặt, các em rất tích cực học một số môn mà các em cho là quan trọng đối với niềm yêu thích hoặc gắn với nghề của mình, mặt khác các em lại xao nhãng, bỏ bê, học một cách chống đối, hời hợt, chính vì quá trình học không chú tâm dẫn đến những phản ứng tiêu cực trong quá trình học tập. Bản thân các em cũng chịu nhiều áp lực từ phía gia đình, xã hội và nhà trường, nhất là bệnh thành tích trong học hành, thi cử khiến các em và phụ huynh bằng cách này hay cách khác, tìm cách để được điểm đẹp để “mở mặt với thiên hạ dù lực học không đồng nhất như vậy, nhất là thành phần học sinh có bố mẹ là cán bộ, công chức.