Dư luận xã hội tham gia vào quá trình giám sát, tư vấn, phản biện

Một phần của tài liệu Vai trò của dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong hoạt động dạy và học tại các trường phổ thông ở hà nội hiện nay (Trang 39 - 41)

Giám sát, tư vấn và phản biện là chuỗi hành vi có quan hệ logic với nhau, đều thể hiện vai trò rõ rệt của DLXH. Chức năng giám sát được thể hiện rõ nét nhất khi đối tượng của DLXH là các hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp. Để thực hiện chức năng giám sát cần phải thúc đẩy quá trình dân chủ hoá, công khai hoá, đổi mới trong công tác giáo dục nói chung, trong hoạt động dạy và học nói riêng. Khi giám sát tốt sẽ phát hiện được các mảng sáng tối của hoạt động dạy học, từ đó DLXH tham gia tư vấn (đóng góp, kiến nghị những vấn đề mới, những giải pháp chấn chỉnh tiêu cực) cũng như phản biện những nội dung, quy định chưa phù hợp để cơ quan quản lý xem xét,

điều chỉnh. Cả ba khâu này muốn phát huy tốt thì không thể xem nhẹ hay chú trọng riêng một khâu nào. Khi giám sát tốt, DLXH sẽ có điều kiện để góp ý, phản biện, để tư vấn quan điểm, đường hướng phù hợp và ngược lại, chính sự tư vấn, phản biện tốt sẽ thúc đẩy giám sát chặt chẽ hơn.

GD&ĐT có nội dung, mục tiêu trang bị giá trị, kinh nghiệm dân chủ, tri thức dân chủ, thái độ, kỹ năng, năng lực làm chủ cho người học để hướng đến xây dựng, phát triển nền dân chủ xã hội. DLXH thể hiện tâm tư, nguyện vọng của người dân trong việc thúc đẩy tiến trình dân chủ trong giáo dục, hoạt động dạy và học diễn ra được nhanh, khẩn trương hơn và hiệu quả hơn. Đó là tiến tới nền giáo dục hiện đại, tiên tiến với công nghệ, kỹ thuật đánh giá trung thực, khách quan; có cơ chế tuyển lựa bài bản, minh bạch, khuyến khích người tài đức; ngăn ngừa và xử lý những hành vi tiêu cực trong hoạt động dạy và học, đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, giáo viên dạy tốt, học trò học tốt. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng về đổi mới GD&ĐT xác định nguyên tắc bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển GD&ĐT, thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo GD&ĐT... Đây chính là điều kiện, tiền đề để DLXH phát huy vai trò giám sát, tư vấn và phản biện, thể hiện được vị trí trong toàn bộ quá trình GD&ĐT, trong đó trọng tâm là hoạt động dạy học.

Để thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động dạy và học, Bộ GD&ĐT đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, từ cấp phòng, cấp sở đến thanh tra của bộ nhằm đảm bảo trật tự hoạt động dạy học trong các nhà trường. Ngoài ra, các tổ chức như công đoàn, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội phụ huynh học sinh cũng thực hiện việc kiểm tra, giám sát.

Hoạt động giám sát của DLXH đối với việc đấu tranh chống tiêu cực trong hoạt động dạy học được thể hiện như sau:

Đối với việc tuân thủ nội quy, quy định giảng dạy, học tập, nhờ sự giám sát của DLXH, buộc các chủ thể phải kiềm chế không tiến hành các hoạt động mà nội quy, quy định cấm.

Đối với việc thực hiện nội quy, quy định trường học. Cùng với các cơ quan quản lý giáo dục, sự giám sát của DLXH buộc các chủ thể dạy và học phải tích cực thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình với ngành giáo dục một cách phù hợp, tránh sự tuỳ tiện. Nếu không có sự giám sát của DLXH thì hoạt động dạy học trên thực tế dễ bị tuỳ tiện, kém hiệu quả, gây ảnh hưởng đến nguồn lực vật chất và con người.

Cùng với chức năng giám sát, DLXH đưa ra các đề nghị, khuyến cáo sáng suốt có tính chất tư vấn nhằm giải quyết tốt các vấn đề đặt ra. Để phát huy được chức năng giám sát, tư vấn của DLXH cần đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, trong qui định trong dạy và học. Việc công khai, minh bạch giúp cho người dân nắm bắt được thông tin về giáo dục và hoạt động quản lý nhà nước với giáo dục. Như vậy, việc công khai hoá các hoạt động dạy học sẽ tạo điều kiện để tăng cường vai trò giám sát của DLXH đối với công việc giảng dạy của giáo viên. Không những vậy, ngành giáo dục cần công khai cả những vụ việc quan trọng liên quan đến việc xử lý các hiện tượng tiêu cực và cả những sai lầm, hạn chế trong quá trình xử lý, những hành vi tiêu cực để đảm bảo vai trò giám sát của DLXH.

Một phần của tài liệu Vai trò của dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong hoạt động dạy và học tại các trường phổ thông ở hà nội hiện nay (Trang 39 - 41)